Đời sống của người dân lao động thời tăng giá
Cùng với những ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, hiện nay đời sống của người lao động ở thành phố Hồ Chí Minh đang gặp nhiều khó khăn do sự gia tăng của giá cả, nhất là những mặt hàng thực phẩm và tiêu dùng thiết yếu hàng ngày.
Mấy tháng nay, không chỉ giá điện, giá gas tăng mà giá thực phẩm ở chợ cũng ngày một “leo thang” làm cuộc sống của nhiều gia đình công nhân lâm vào cảnh khốn khó. Chị Nguyễn Thị Luận, công nhân Công ty may Phương Khoa, quận 12 thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thu nhập cả hai vợ chồng thấp nhưng phải chi cho bao nhiêu thứ: tiền học cho 2 đứa con, một đứa lớp 6, một đứa học mẫu giáo, rồi tiền nhà trọ, tiền điện nước. Cả hai vợ chồng không dám nghỉ một buổi nào, vì sợ mất thu nhập, không đủ đảm bảo cuộc sống gia đình. “Hiện nay mức thu nhập của hai vợ chồng tôi là 3 triệu đồng/tháng. Ngoài chi phí tiền nhà trọ, tiền hai đứa con ăn học thì chúng tôi rất là khó khăn mà giá cả thì ngày càng càng leo thang. Chúng tôi giờ chỉ mong sao các cơ quan chức năng ổn định được giá cả, đừng để giá leo thang nữa để đời sống đỡ khó khăn hơn”- Chị Nguyễn Thị Luận nói.
Bà Lê Thị Hậu ở quận Gò Vấp là công chức về hưu nên đồng lương cũng không dư giả gì. Mấy tháng nay, bà chưa kịp vui vì lương hưu được điều chỉnh tăng lên thì đã phải đối mặt với nỗi lo tăng giá. Bà Hậu phải tiết kiệm chi tiêu: thay vì dùng bếp ga, bà chuyển sang dùng bếp than tổ ong, tiết kiệm điện tối đa. Còn hai vợ chồng người con trai bà thì chuyển sang đi làm bằng xe búyt để tiết kiệm xăng.
Bà Hậu cho biết, mỗi tháng lương hưu của bà được hơn 1 triệu đồng. Các con của bà cũng là công nhân lương nên thu nhập cũng thấp. Giá cả tăng cao khiến cuộc sống gia đình bà vốn đã khó khăn lại càng trở nên khó khăn hơn.
Xăng, gas, điện cùng tăng giá kéo theo hàng lọat mặt hàng thiết yếu cũng tăng giá theo, mãi lực ở các trung tâm thương mại, siêu thị và chợ dân sinh đều giảm dù đã có nhiều chương trình khuyến mãi kích cầu mua sắm. Có một nghịch lý là: tại các chợ đầu mối, trung tâm mua sắm lớn, hàng hóa không tăng bao nhiêu nhưng các chợ lẻ của thành phố hàng hóa lại tăng cao hơn nhiều. Mà chợ lẻ mới là nơi mua sắm chính của người lao động, từ lương thực thực phẩm đến đồ dùng thiết yếu trong gia đình.
Ai cũng biết điện tăng, xăng tăng, gas tăng thì hàng hóa tăng là điều tất yếu. Nhưng không lọai trừ tình trạng nhiều tư thương “té nước theo mưa” để tăng giá. Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho biết, lãnh đạo Uỷ ban nhân dân các quận, huyện đã chỉ đạo cho tổ công tác kiểm soát thị trường họat động thường xuyên, kiểm soát, quản lý niêm yết giá, bán đúng giá; đồng thời phối hợp với các lực lượng chức năng khác để tìm biện pháp khắc phục, hạn chế những tồn tại, đặc biệt là vấn đề hàng nhập lậu và hàng không rõ nguồn gốc.
Nói là vậy, nhưng thực tế, tổ công tác kiểm sóat thị trường chỉ hoạt động trong các dịp lễ tết mà thôi, còn ngày thường không mấy khi thấy họ có mặt.
Thực ra, lường trước những khó khăn của những đối tượng thu nhập thấp, ngay từ đầu năm, Chính phủ và thành phố Hồ Chí Minh đã có hàng loạt những chính sách về trợ cấp cho các đối tượng này. Ngoài ra, để chia sẻ với khó khăn của người dân và để tăng kích cầu nội địa cũng như góp phần bình ổn giá trên thị trường, hiện nay nhiều doanh nghiệp lương thực thực phẩm của thành phố cũng như hệ thống siêu thị COOPMART cũng có chương trình giảm giá khuyến mãi nhiều mặt hàng. Tuy nhiên, bên cạnh những chính sách, biện pháp đó, điều mà người lao động thành phố Hồ Chí Minh mong muốn là các cơ quan chứng năng phải thường xuyên kiểm tra, kiểm soát được giá cả, tránh tình trạng giá cả leo thang làm ảnh hưởng tới đời sống của đông đảo người dân./.