Động đất thủy điện Sông Tranh 2: Dân kéo nhau về đồng bằng

(VOV) -Nhiều người lên Trà My lập nghiệp nay đang bán vội tài sản để nhanh chóng trở về dưới xuôi.

Khu tái định cư ở thôn 3, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam không một bóng người.

Những căn nhà kiên cố, rộng khoảng 100m2, kinh phí xây dựng từ 100 - 120 triệu đồng/căn, nay trở thành nơi trú ngụ của trâu bò, xung quanh cỏ dại mọc um tùm.

Nhà bỏ hoang lâu ngày xuống cấp nghiêm trọng, tường ẩm mốc, toàn bộ cửa gỗ, la phông đã xộc xệch, hư hỏng.

Anh Đinh Văn Minh, người dân tộc Cor (thôn 3, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My) kể lại: Năm 2008, vợ chồng anh cùng bà con thuộc diện tái định cư của thủy điện Sông Tranh 2 đã vào sống trong ngôi nhà mới. Được dăm bữa nửa tháng, cả nhà lại dắt díu nhau trở về làng cũ.

 

Lo sợ động đất, nhiều hộ dân ở huyện Bắc Trà My đã treo biển bán nhà, đất ở về quê ở các huyện đồng bằng (Ảnh: VNE)

Anh Minh than thở, ở đây không có đất làm rẫy, muốn nuôi con trâu, con bò cũng chịu. Đã thế, ngày ngày phải lội bộ cả chục cây số gùi nước về uống.

Hơn 1.000 hộ dân ở hai huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam đã rời bỏ nương rẫy, nhà cửa nhường đất cho công trình thủy điện Sông Tranh 2.

Ban Quản lý Dự án Thủy điện 3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng 12 khu tái định cư với tổng kinh phí 1.000 tỷ đồng rồi đưa dân vào ở. Những ngôi nhà kiểu “nhà phố” không phù hợp với tập quán của đồng bào vùng cao, thiếu chỗ con cái học hành lại không bảo đảm những điều kiện tối thiểu cho cuộc sống nên người dân đành quay về làng cũ.

Không có đất sản xuất, hàng trăm hộ dân kéo nhau vào phá rừng phòng hộ Sông Tranh lấy đất canh tác.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã chuyển đổi 1.300ha rừng phòng hộ Sông Tranh, cấp cho 410 hộ dân tái định cư thủy điện Sông Tranh 2 có đất sản xuất.

Ông Đoàn Tất Chẩn - Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh, cho rằng: Chính việc bố trí tái định cư một cách tùy tiện đã làm đảo lộn cuộc sống người dân.

Ông Chẩn nói: “Dân không có đất sản xuất, không có việc làm, cuộc sống hết sức khó khăn nên người ta phải phá rừng. Trước đây khi chưa có thủy điện Sông Tranh 2, tình hình chặt phá rừng làm rẫy, khai thác gỗ trái phép không đáng kể. Sau khi có thủy điện Sông Tranh 2, tình trạng khai thác gỗ trái phép, đặc biệt là chặt phá rừng để làm nương rẫy và phá rừng trở nên phổ biến”.        

Câu chuyện thiếu đất sản xuất, nhà cửa hư hỏng, bà con rời bỏ khu tái định cư về làng chưa lắng xuống thì nay, những trận động đất liên tiếp càng khiến bà con hoang mang muốn tìm về làng cũ. Chỉ riêng 2 xã Trà Bui, Trà Đốc đã có hơn 60 hộ bỏ làng tái định cư trở về nơi ở cũ.

Không riêng gì đồng bào trong khu tái định cư mà những người dân sống xung quanh khu vực thủy điện Sông Tranh 2 cũng rục rịch chạy về quê nhà. Đến thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My, thời điểm này, chúng tôi thấy nhiều gia đình treo biển bán nhà.

Người dưới xuôi lên đây lập nghiệp an cư đã lâu, nhưng từ ngày xảy ra động đất, họ ngậm ngùi bán rẻ tài sản, vườn tược, trở về quê cũ.

Những người chưa bán được nhà, chưa có nơi chuyển công tác thì gửi con nhỏ, người già về quê nội, ngoại. Số giáo viên nộp đơn xin chuyển về đồng bằng tăng đột biến.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bắc Trà My cho biết, đa số giáo viên ở đây là người miền xuôi lên công tác, từ ngày xảy ra động đất, ai cũng nhấp nhỏm không yên…

Trên vùng đất thơm nồng “hương quế Trà My”, việc xây dựng công trình thuỷ điện Sông Tranh 2 ngỡ sẽ mang lại cho bà con một cuộc sống đủ đầy. Nào ngờ, công trình này lại mang đến nhiều hệ lụy.

Ông Lê Trí Tập, một chuyên gia thuỷ lợi hàng đầu ở miền Trung, nguyên là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, tỏ ra bất bình về cách xử lý sự cố tại công trình thủy điện Sông Tranh 2.

Ở cái tuổi 70 tuổi, một mình ông lặn lội đến từng khu tái định cư tìm hiểu rồi đưa ra nhận xét rằng: Có hai điều cốt yếu mà chủ đầu tư chưa giải quyết thỏa đáng cho người dân. Thứ nhất là tái định cư mà không giải quyết tốt tái định canh. Thứ 2, là sau khi động đất xảy ra, chủ đầu tư không quan tâm đến thiệt hại về vật chất và tinh thần của bà con, mà chỉ chăm chăm lo cho công trình. Ông Tập đề nghị, lúc này cần triển khai các phương án ứng phó với động đất và tình huống vỡ đập.

Công trình thủy điện Sông Tranh 2 vào loại lớn nhất miền Trung với diện tích thủy vực hơn 11.000km2. Số hộ dân di dời lên đến cả ngàn và diện tích rừng bị mất cũng nhiều nhất ở tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua.

Đây cũng là công trình gây ra nhiều bức xúc trong dư luận và kéo dài suốt năm 2012 hiện vẫn chưa có hồi kết.

Xin nhớ cho rằng, trong chiến tranh, Trà My là căn cứ địa vững chắc của cách mạng. Đồng bào nơi đây đã từng chịu nhiều hy sinh, mất mát. Vì thế, một công trình nào mọc lên trên vùng đất này đều phải hướng đến việc trả ơn, trả nghĩa cho đồng bào cách mạng!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Động đất thủy điện Sông Tranh 2: “Dư chấn lòng dân”
Động đất thủy điện Sông Tranh 2: “Dư chấn lòng dân”

(VOV) -Cuộc sống của người dân ở Bắc Trà My đảo lộn khi phải sống nơm nớp trong nỗi lo động đất

Động đất thủy điện Sông Tranh 2: “Dư chấn lòng dân”

Động đất thủy điện Sông Tranh 2: “Dư chấn lòng dân”

(VOV) -Cuộc sống của người dân ở Bắc Trà My đảo lộn khi phải sống nơm nớp trong nỗi lo động đất