Gần 20% dân số thành thị là người di cư từ ngoại tỉnh
VOV.VN -Việt Nam có tới 13,6% tổng dân số là người di cư; 19,7% dân số của khu vực thành thị là người di cư, trong khi ở nông thôn con số này chỉ là 13,4%.
Sáng nay (16/12) tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tổ chức Hội nghị công bố kết quả điều tra di cư nội địa năm 2015.
Thông tin tại Hội nghị cho biết, Việt Nam đã trải qua quá trình di cư mạnh mẽ trong 3 thập kỷ qua. Trong vòng 5 năm qua, Việt Nam có tới 13,6% tổng dân số là người di cư. Trong nhóm tuổi từ 19-59, tỷ lệ người di cư là 17,3%. Có đến 19,7% dân số của khu vực thành thị là người di cư, trong khi ở nông thôn con số này chỉ là 13,4%. Vùng Đông Nam Bộ là nơi có tỷ trọng người di cư đang làm việc cao nhất nước (87,8%); tiếp theo là Đồng bằng sông Hồng (81%).
Thống kê cũng cho thấy, tỷ lệ nữ chiếm 52,4% và nam chiếm 47,6% tổng số người di cư, điều này nữa khẳng định hiện tượng “nữ hóa” di cư đang gia tăng. Tuổi của người di cư năm 2015 phần lớn tập trung ở nhóm trẻ (15-39 tuổi) chiếm tỷ trọng 84% so với tổng số người di cư. Nếu so với năm 2004, con số này cao hơn rất nhiều (điều tra năm 2004 là 79%).
Cũng theo số liệu được công bố, tỷ lệ người di cư có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn người không di cư (31,7% so với 24,5%). Đặc biệt, tỷ lệ người di cư có trình độ đại học, cao đẳng hoặc trên đại học là 23,1%; trong khi tỷ lệ này ở người không di cư là 17,4%. Sự khác biệt này một phần do tác động của cơ cấu tuổi trẻ hơn của nhóm di cư so với nhóm không di cư. Trong thực tế, nhiều người trẻ di cư tới thành thị để tiếp tục học ở các bậc học cao hơn.
Người di cư gặp rất nhiều khó khăn về chỗ ở (chiếm 42,6%). Họ ít nhận được sự giúp đỡ từ chính quyền địa phương, các cơ quan đoàn thể ở nơi đến. Trên 30% số người di cư đã gửi tiền về cho gia đình trong vòng 12 tháng trước thời điểm điều tra, trong đó tỷ lệ nữ giới gửi tiền về nhà cao hơn so với nam giới, nhưng tổng số tiền nam giới gửi về lại nhiều hơn nữ.
Phụ nữ là người di dân chiếm tỷ lệ cao hơn nam giới |
Có tới 41,5% nam di cư có gửi tiền, hiện vật từ 6 triệu đồng trở lên về gia đình, trong khi tỷ lệ này ở nữ là 34,7%. Điều này có thể do thu nhập của nam di cư cao hơn so với nữ di cư. TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội là nơi có tỷ lệ gửi tiền về cao nhất.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê, di cư nội địa có vai trò quan trọng tới biến động dân số, do đó quan hệ chặt chẽ với nhiều vấn đề phát triển kinh tế - xã hội và môi trường.
Cuộc điều tra lần này nhằm thu thập thông tin về di cư nội địa ở cấp quốc gia, cấp vùng kinh tế - xã hội để phục vụ xây dựng chính sách đối với người di cư; đồng thời, cung cấp thông tin cho các nghiên cứu chuyên sâu về di cư nội địa ở Việt Nam./. Dân số Việt Nam sẽ chạm mốc 100 triệu người vào năm 2026