Già làng A Blong- ngọn cờ đầu của người Rơ Măm trên biên giới Mô Rai
VOV.VN - Với uy tín của mình, già A Blong là chỗ dựa tin cậy của chính quyền, đoàn thể xã Mô Rai và lực lượng biên phòng đứng chân trên địa bàn.
Dân tộc Rơ Măm là một trong số những dân tộc thiểu số rất ít người ở Việt Nam. Người Rơ Măm hiện chỉ có gần 500 người sinh sống tập trung ở làng Le, xã biên giới Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum.
Cùng với những chính sách hỗ trợ của nhà nước, cộng đồng người Rơ Măm đang nỗ lực vươn lên xây dựng cuộc sống mới. Trong đó, già làng A Blong là một tấm gương điển hình trong phong trào phát triển kinh tế và vận động bà con xóa bỏ hủ tục lạc hậu, gìn giữ văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng vững chắc biên giới. Những ngày đầu tháng 12 này, già làng A Blong vinh dự là một trong số 25 đại biểu tỉnh Kon Tum đi dự Đại hội các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020.
A Blong, sinh năm 1955, là một người con ưu tú của dân tộc Rơ Măm. Sớm giác ngộ cách mạng, ông tham gia trên tuyến đầu chống Mỹ từ thuở còn niên thiếu. Đất nước hòa bình, ông làm thầy giáo ở vùng biên giới Mô Rai, Sa Thầy, Kon Tum. Suốt những tháng năm tuổi trẻ, kể cả lúc đã nghỉ hưu, già A Blong luôn cháy bỏng mong muốn dân tộc Rơ Măm không còn đói nghèo lạc hậu.
Ông luôn là người gương mẫu đi đầu và hướng dẫn giúp đỡ bà con làm theo. Trong phát triển kinh tế, gia đình già có 4ha cao su đang cho khai thác mủ, 3.000m2 ruộng lúa nước, ao nuôi cá, chăn nuôi đàn trâu cùng nhiều gia cầm. Trong đời sống cộng đồng, già A Blong cũng là người xây dựng tinh thần hiếu học cho con em trong làng; hướng dẫn người dân xóa bỏ hủ tục lạc hậu, bảo tồn gìn giữ văn hóa truyền thống.
Ông A Yer, Phó Chủ tịch UBND xã Mô Rai cho biết, già A Blong được người dân tin yêu, kính trọng từ sự tiên phong, gương mẫu của bản thân: “Ông đặc biệt gương mẫu thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước. Ông tuyên truyền, vận động bà con trong làng của ông nói riêng, trên địa bàn xã nói chung thực hiện các chủ trương chính sách. Phát triển kinh tế thì ông cũng là người đi đầu như là chăn nuôi trâu, bò heo và trồng một số cây công nghiệp như là cây cao su, cây điều”.
Từ uy tín cùng sự kiên trì vận động, phân tích đúng, sai của già A Blong, người Rơ Măm ở biên giới Mô Rai giờ đã hạn chế được tình trạng tảo hôn và loại bỏ hôn nhân cận huyết thống; khôi phục nghề dệt thổ cẩm; duy trì được một số lễ hội độc đáo, như lễ thổi tai, trỉa lúa, mở kho lúa, mừng lúa mới, mừng Nhà rông mới… Điều quý nhất là dù chỉ có 149 hộ với 487 khẩu cư trú gọn trong một làng Le, xã Mô Rai, song người Rơ Măm còn lưu giữ được 34 bộ cồng chiêng quý để sử dụng trong các dịp lễ hội.
Anh A Thái, người dân làng Le cho biết, mỗi khi bản thân, gia đình có chuyện khúc mắc, mọi người trong làng đều tìm đến già A Blong để hỏi ý kiến tìm hướng giải quyết: “Bản thân tôi cảm thấy ông già A Blong là một người rất tuyệt vời. Ông làm việc rất tốt, ông rất gương mẫu về kể cả trong gia đình, kể cả trong thôn làng, vui vẻ với bà con, rất là hòa đồng. Mọi việc, vấn đề ông giải quyết rất là nhiệt tình. Bản thân tôi phải học hỏi ông nhiều”.
Với uy tín của mình, già A Blong là chỗ dựa tin cậy của chính quyền, đoàn thể xã Mô Rai và lực lượng biên phòng đứng chân trên địa bàn. Già cũng chính là người đã góp tiếng nói để cây lúa nước, cây cao su, chăn nuôi bò… phát triển trên vùng biên giới Mô Rai, mang lại cuộc sống ngày càng ấm no cho người dân làng Le nói riêng và 7 làng dân tộc thiểu số nói chung. Năm nay đã 65 tuổi, già làng A Blong vẫn là ngọn cờ đầu của người Rơ Măm, tích cực trong các hoạt động với mong muốn những điều tốt đẹp cho cộng đồng.
Những ngày đầu tháng 12 này, già làng A Blong vinh dự là một trong số 25 đại biểu của tỉnh Kon Tum đi dự Đại hội các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020. Đây là động lực để ông càng cố gắng phát huy tinh thần gương mẫu, giúp bà con buôn làng Rơ Măm trên vùng biên giới ngày càng ấm no hạnh phúc./.