Bài 3: Câu chuyện về những suất “ngoại giao”
Việc xét duyệt trái tuyến dễ dàng, dẫn đến các tiêu cực nảy sinh và tình trạng quá tải ở nhiều trường học trong nội thành.
Cứ đến mùa tuyển sinh đầu cấp là không ít bậc phụ huynh có con 5 tuổi ở Hà Nội lại như “ngồi trên đống lửa” tìm trường để con học lớp 1. Bằng đủ mọi con đường, họ tìm mọi mối quan hệ, mà phổ biến nhất là làm thế nào để có được một “suất ngoại giao”, hoặc suất của chính các giáo viên trong trường để cả “đôi bên cùng có lợi”.
“Chạy” càng muộn, giá càng cao
Cái nóng của những ngày đầu hè đang “nóng” lên cùng việc chạy trường, chạy lớp ở Hà Nội. Trong vai một phụ huynh đang xoay sở tìm cách xin cho con học trái tuyến tại một trường tiểu học ở quận Đống Đa luôn quá tải với tỷ lệ trái tuyến trên 50%, chúng tôi đã được một người dân quanh khu vực trường cho hay: phải có tiền và tìm được “đường dây” thì mới mong xin được chỗ học trái tuyến.
Một phụ huynh cho biết: “Chuyện chạy trường phải có giá hẳn hoi và theo “đường dây”, có quy ước, cho nên nếu không quen biết thì rất khó. Nhưng kể cả khi có tiền, nếu chậm và không “chạy” đúng chỗ thì cũng không có nổi một chỗ học ở những trường điểm”.
Nghe lời chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến một chị bán gạo trên vỉa hè phố Trung Tự, cách trường tiểu học nọ không xa. Khi được hỏi về việc xin học trái tuyến, chị này cho biết, bây giờ mà mới tìm chỗ “chạy” thì đã muộn. Mỗi giáo viên trong trường chỉ được 1 suất cho con hoặc cháu ruột, nên hầu như họ đã nhận xong từ trước Tết nguyên đán. Có cô giáo khéo thì cũng xin được hơn, nhưng cái giá thì sẽ cao ngất ngưởng vì phải qua nhiều khâu.
![]() |
Nếu phụ huynh không muốn xếp hàng xin học cho con thì phải "chạy" (Ảnh: KT) |
Đó đã như là một thứ luật bất thành văn: “Nếu mà ngay từ Tết thì chỉ 16 triệu, 18 triệu là cùng. Nhưng mà hôm nọ chị gửi 1 đứa mà đã 20 triệu rồi. Bây giờ người ta chạy kín hết cả rồi, hôm nọ chị hỏi thì họ bảo là hết rồi. Có con thì phải chạy sớm, kể cả cấp 1 hay cấp 2 thì cũng thế”. Chị tiết lộ thêm, có cách nhanh và chắc ăn hơn là tìm xem có mối quan hệ nào với các lãnh đạo, những người công tác ở ủy ban quận, phòng giáo dục hay không.
Còn khi liên hệ với một cô giáo của trường tiểu học này, được chị cho biết: “Nếu em nói trước sớm, lúc bọn chị chưa nộp danh sách, có giáo viên nào chưa có cháu nào thì nhận thì có thể can thiệp được, giờ thì đâu vào đấy rồi. Trái tuyến nhiều lắm, lớp nào cũng 60 hoặc hơn 60 cháu”.
Các “suất ngoại giao” là không thể đừng?
Trao đổi về các trường hợp trái tuyến, ông Đỗ Quang Hợp, Hiệu trưởng trường Tiểu học Cát Linh, quận Đống Đa cho biết: Vì luôn phải dành chỗ cho các suất “ngoại giao” và suất của giáo viên, nên tỉ lệ trái tuyến của nhà trường vẫn luôn ở mức trên 30%.
Ông Hợp nói: “Nguyên nhân trái tuyến thứ nhất là quan hệ của phòng, ủy ban đưa xuống theo danh sách, của đảng ủy, ủy ban phường, tức là chỗ không đừng được rồi. Thứ 2 là con giáo viên. Nếu còn thì chỉ cho các thành viên trong liên tịch”.
Hà Nội hiện có 687 trường tiểu học, trong đó có 656 trường công lập. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Hữu Độ khẳng định: 100% các cháu ở lứa tuổi tiểu học đều đảm bảo được vào các trường công lập trên địa bàn.
Trước câu hỏi của phóng viên về tình trạng chạy trường, chạy lớp, ông Độ cho biết: Việc giảm trái tuyến đã có quy định giao chỉ tiêu cho các trường, căn cứ vào số lượng để không quá tải nhiều; thứ 2 là cơ chế để xét trường hợp hết đúng tuyến rồi, nếu vẫn còn chỗ ngồi thì có thể được xem xét thêm, nhưng việc xem xét thêm đó được cả hội đồng của quận xem xét, tức là quyết định theo tập thể chứ không phải theo cá nhân. Việc làm rất công khai minh bạch, nếu hội đồng xem xét công bằng thì việc kia (chạy trường – PV) sẽ giảm đi rất nhiều.
Nói là vậy, nhưng nếu như các quận, các nhà trường xét duyệt đúng, công khai, minh bạch thì đã không có chuyện những “đường dây” chạy trường, chạy lớp, hay những “suất ngoại giao” của chính các cán bộ quản lý. Những suất ưu tiên dành cho con, cháu giáo viên trong trường nhiều khi lại không đúng như thế, mà là giáo viên nhận hộ cho con, cháu người khác với cái giá lên đến cả nghìn USD.
Vậy bên cạnh nguyên nhân từ tâm lý của phụ huynh về những trường tiểu học, mà họ nghe nói là có chất lượng tốt hơn, thì trách nhiệm của các giáo viên, lãnh đạo nhà trường cũng như lãnh đạo quận, phòng Giáo dục… cũng không thể chối cãi. Bởi khi có cầu, ắt có cung.
GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng nêu vấn đề: “Do sự bất bình đẳng giữa các trường sinh ra tình trạng này, thì địa phương phải giải quyết. Hội đồng nhân dân cũng phải bàn giải pháp để luân chuyển giáo viên như thế nào, tăng cường đầu tư cho một số trường còn yếu kém, tìm đất cho một số trường ở vị trí không thuận lợi như thế nào đó… làm sao để có nhiều trường tốt. Như vậy thì tự nhiên phụ huynh sẽ đưa con vào những trường đó thôi”.
Rõ ràng, những lớp học thay vì 35-40 học sinh, thì nay lên đến 50-60 học sinh trong cùng một không gian, chất lượng dạy và học không đảm bảo; quy định về phân tuyến học sinh nhưng không có hiệu quả; việc xét duyệt trái tuyến dễ dàng dẫn đến các tiêu cực nảy sinh và tình trạng quá tải ở nhiều trường học trong nội thành…
Chừng nào chưa giải quyết được những vấn đề trên, thì chừng đó vấn nạn chạy trường, chạy lớp còn chưa kết thúc. Và nếu chính quyền thành phố, lãnh đạo ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội không tìm được liều thuốc chữa tận gốc, nhất là không kiên quyết xử lý dứt điểm những hành vi vi phạm, thì căn bệnh chạy trường, chạy lớp vẫn còn là nan y./.