Băn khoăn “Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT”
VOV.VN - Đây là một điểm đáng chú ý trong trong dự thảo đề xuất phương án thi sau năm 2020 mới được Bộ GD-ĐT công bố.
Mục tiêu của phương án thi mà Bộ GD-ĐT đề xuất là tổ chức kỳ thi gọn nhẹ, giảm áp lực, tốn kém, bảo đảm độ tin cậy. Kỳ thi dùng để đánh giá kết quả học tập ở bậc học THPT theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình và hướng tới đánh giá phẩm chất, năng lực của học sinh. Kết quả thi đồng thời dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, cung cấp dữ liệu đáng tin cậy cho các cơ sở giáo dục Đại học và giáo dục nghề nghiệp tham khảo sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Một điểm đáng chú ý và khiến nhiều người băn khoăn trong phương án thi này là việc các học sinh hoàn thành chương trình lớp 12, nếu đáp ứng các quy định của Bộ GD-ĐT sẽ được Hiệu trưởng trường THPT hoặc Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT.
Theo Bộ GD-ĐT, lộ trình thực hiện phương án thi, tuyển sinh được xác định, trong giai đoạn 2021-2025 cơ bản giữ ổn định như kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. |
“Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT” có tác dụng gì?
Đây là câu hỏi của thầy Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội). Nói về phương án thi mới, thầy Nhâm cho rằng, Bộ GD-ĐT nên sớm có những quy định cụ thể về hướng dẫn sử dụng Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT.
“Với giấy chứng nhận này, học sinh có được dùng để học các khóa đào tạo nghề hay không? Nếu có, thì sau khi hoàn thành học nghề, học sinh có được liên thông lên các bậc học cao hơn như Đại học hay không, hay phải thi lại?”, thầy Nhâm đặt câu hỏi.
Trước đó, tại cuộc họp Hội đồng Giáo dục Quốc gia về công tác thi cử ngày 25/9 do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý Chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, do tác động của Luật Giáo dục (sửa đổi), từ năm 2021, khi kết thúc lớp 12, những học sinh không có nhu cầu thi tốt nghiệp hoặc thi tốt nghiệp không đỗ sẽ được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình.
Theo Bộ GD-ĐT, phương án mới này nhằm bám mục tiêu giảm áp lực cho thí sinh, giảm tốn kém cho học sinh khi đi thi. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc tồn tại cả Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT và Bằng Tốt nghiệp THPT. Câu hỏi lại được đặt ra là các loại giấy tờ này có chồng chéo lên nhau?
Đề xuất thi THPT giai đoạn 2021-2025 trên máy tính
Cơ hội học tập lên cao?
Liên tiếp các câu hỏi đặt ra xung quanh việc cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT. PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng phụ trách công tác đào tạo và sinh viên trường Đại học Bách Khoa (Hà Nội) cho rằng, cơ hội học tập có thể đến với bất cứ ai trong tương lai và khi các em học sinh muốn học lên thì Giấy chứng nhận này có đủ điều kiện?
“Theo phương án của Bộ GD-ĐT, từ sau 2020, những học sinh không có nguyện vọng thi sẽ chỉ cần chứng nhận hoàn thành chương trình. Với vấn đề này, tôi cũng thắc mắc nếu sau này các em muốn học lên vậy thì Giấy chứng nhận này có đủ điều kiện để dự một kỳ thi xét tuyển khác để vào Đại học hay vẫn phải thi xét tốt nghiệp. Câu hỏi này phải được làm làm rõ”, thầy Tớp nêu vấn đề.
Trong khi đó, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình GDPT mới đưa ra đề xuất cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT kết hợp với đánh giá từ nhà trường.
“Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT chỉ giải quyết cho một số trường hợp học sinh không có ý định đi thi Đại học. Tôi cho rằng, nhà trường phải thông qua hồ sơ học tập của học sinh không chỉ thông qua một kỳ thi mà phải thông qua cả quá trình học tập học sinh học, làm bài tập thực hành, tham gia các hoạt động văn hóa như thế nào… từ đó trường quyết định cấp cho học sinh chứng nhận hoàn thành hay không hoàn thành chương trình và coi đây là điều kiện để dự thi tốt nghiệp THPT. Nếu học sinh không qua được điều kiện này thì không được quyền dự thi. Trường phải là một điểm “chốt” để sàng lọc mà học sinh phải vượt qua để dự thi tốt nghiệp THPT”, GS Thuyết nhấn mạnh.
Thực tế, việc cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT nhận được những ủng hộ khi có thể giáp bớt áp lực về “bằng cấp hình thức” với những học sinh có lựa chọn đi học nghề thay vì học lên tiếp lên cao. Tuy nhiên, câu trả lời về cơ hội học tập trong tương lai của những học sinh này vẫn đang để ngỏ, chờ được làm rõ./.
Từ năm 2021, vẫn thi THPT như cũ là lạc hậu?