Biên chế giáo viên ở Đắk Lắk: Nhà trường “oằn lưng” vì thừa giáo viên

VOV.VN - Nhiều giáo viên bất an khi biết mình nằm ngoài chỉ tiêu biên chế mà tỉnh giao.

Dồn dập ký hợp đồng tuyển dụng giáo viên, nhân viên rồi đẩy xuống các trường khiến cho các trường phải “oằn lưng” trả lương cho những giáo viên thừa, không đứng lớp này. Trách nhiệm này thuộc về ai?

Từ năm 2011 - 2016, ngoài chỉ tiêu biên chế giáo viên được tỉnh Đắk Lắk giao, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Krông Pắk dồn dập ký hợp đồng tuyển dụng giáo viên, nhân viên rồi “đùn” xuống các trường.

Giáo viên từng dạy hợp đồng tại Trường Trung học cơ sở (THCS) Ngô Mây, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk vẫn khắc khoải, chờ đợi ngày được trở lại trường.
Các trường dư thừa giáo viên, nhưng ban giám hiệu phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, không dám chống lệnh cấp trên, trong khi hằng tháng phải xoay tiền để trả lương cho số giáo viên dôi dư không đứng lớp.

Đã 5 tháng trôi qua, nhưng anh Hồ Văn Thông, giáo viên từng dạy hợp đồng tại Trường Trung học cơ sở (THCS) Ngô Mây, xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk vẫn khắc khoải, chờ đợi ngày được trở lại trường.

Anh Thông cho biết, theo lời chỉ dẫn của một số người, nếu có 160 triệu đồng sẽ chạy được một “chân” vào biên chế tại bất cứ trường nào trong huyện. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng nghĩ đến sự ổn định cùng với mức lương khởi điểm được hứa hẹn khoảng hơn 3 triệu đồng mỗi tháng, nên anh Thông đã chạy vạy vay tiền chi cho môi giới và được nhận vào  Trường THCS Ngô Mây. Trái lại với những hứa hẹn, khi nhận công tác, anh Thông chỉ là giáo viên hợp đồng ngắn hạn.

Anh Hồ Văn Thông nói: “Tôi đi vay tiền ngân hàng 160 triệu để chạy việc, hiệu trưởng với người chạy việc hứa hẹn lương khởi điểm là hơn 3 triệu đồng nhưng thực tế vào trong trường dạy tôi chỉ được trả có 1,2 triệu đồng. Ký hợp đồng từ tháng 2/2015 đến tháng 11/2016, tôi bị chấm dứt hợp đồng, không đóng bảo hiểm”. Trường THCS Ngô Mây có 20 lớp nhưng có đến 7 giáo viên dạy thể dục cùng chung cảnh ngộ như anh Thông.

Còn anh Lê Thanh Lượng đã 7 năm dạy môn Tin học trường THCS Hoàng Văn Thụ, xã Ea Kuang, huyện Krông Pắk cho biết, anh về trường công tác từ năm 2010, đến năm 2012 được UBND huyện ký quyết định hợp đồng dài hạn trong chỉ tiêu biên chế. Ban đầu, mức lương được 3,4 triệu đồng/tháng. Sau đó giảm xuống còn 1,8 triệu đồng/tháng, đến nay còn 1,6 triệu đồng/tháng.

Lý do được ban giám hiệu đưa ra là trường có quá nhiều giáo viên hợp đồng nên phải chia sẻ quỹ lương. Nghỉ việc thì không đành nhưng rõ ràng với số tiền này không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống gia đình của mỗi giáo viên, tác động đến tâm lý đứng lớp của người thầy.

 “Hiện tại chi phí bây giờ, tôi nuôi 2 con nhỏ khoảng 5 triệu đồng/tháng, chưa tính tới chuyện chi tiêu của gia đình thì 1,6 triệu đồng không đủ. Ban ngày đi làm như thế này, tối về sẽ mệt mỏi và khi đó chuyên môn sẽ không còn chuyên sâu được nữa và cái tâm với nghề chắc chắn sẽ bị lung lay”- anh Lượng chia sẻ.

Ông Nguyễn Xuân Nghệ, Hiệu Trưởng trường THCS Huỳnh Thúc Kháng cho biết: “Trường không thiếu giáo viên, nhưng trên đưa xuống thì mình phải nhận”. Hiện toàn trường có 18 giáo viên hợp đồng ngoài biên chế, trung bình mỗi tháng các thầy cô giáo hợp đồng được nhà trường trả 1 triệu đồng, chưa tính tiền lên lớp. Nhưng để có 1 triệu đồng  trả cho các thầy cô, nhà trường phải xoay xở từ nhiều nguồn mới bù đắp được. Tuy là lương thấp nhưng không thể cắt hợp đồng của họ, giờ chỉ biết trông chờ vào các đợt thi tuyên công chức.

Từ năm 2011 - 2016, UBND huyện Krông Pắk đã “vung tay” ký hợp đồng với 520 giáo viên rồi “đùn” xuống các trường, không cần quan tâm tới chất lượng chuyên môn của đội ngũ giáo viên này.

Bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, cho biết: “Giáo viên hợp đồng chúng tôi tuyển vượt 521 chỉ tiêu. Đến thời điểm này chúng tôi cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng các phương án để giải quyết số lượng hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế, cũng đã trình các cấp có thẩm quyền cho ý kiến”.

Đến giờ, hàng trăm giáo viên, nhân viên ở huyện Krông Pắk cảm thấy bất an khi biết mình thuộc diện hợp đồng, nằm ngoài chỉ tiêu biên chế mà tỉnh Đắk Lắk đã giao. Bên cạnh đó, dư luận cũng quan tâm tới việc UBND huyện Krông Pắk sẽ có phương án như thế nào để bảo đảm quyền lợi của giáo viên, nhân viên đã được ký hợp đồng; dựa trên cơ sở nào UBND huyện Krông Pắk “vung tay” ký hợp đồng vượt chỉ tiêu biên chế được giao?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giáo viên nhận xét đề thi thử môn Ngữ văn THPT Quốc gia năm 2017
Giáo viên nhận xét đề thi thử môn Ngữ văn THPT Quốc gia năm 2017

VOV.VN - Câu hỏi phần Đọc-Hiểu vừa sức, phần Nghị luận xã hội có tính phân loại cao trình độ của học sinh. Tuy nhiên, tên tác phẩm cần ghi rõ ràng, cụ thể...

Giáo viên nhận xét đề thi thử môn Ngữ văn THPT Quốc gia năm 2017

Giáo viên nhận xét đề thi thử môn Ngữ văn THPT Quốc gia năm 2017

VOV.VN - Câu hỏi phần Đọc-Hiểu vừa sức, phần Nghị luận xã hội có tính phân loại cao trình độ của học sinh. Tuy nhiên, tên tác phẩm cần ghi rõ ràng, cụ thể...

Biên chế giáo viên ở Đắk Lắk: Nhắm mắt ký bừa, sống chết mặc bay
Biên chế giáo viên ở Đắk Lắk: Nhắm mắt ký bừa, sống chết mặc bay

VOV.VN - Hệ quả của sự việc này khiến cho các trường dư thừa giáo viên, đồng thời phải xoay sở khoản tiền trả lương cho số giáo viên không đứng lớp.

Biên chế giáo viên ở Đắk Lắk: Nhắm mắt ký bừa, sống chết mặc bay

Biên chế giáo viên ở Đắk Lắk: Nhắm mắt ký bừa, sống chết mặc bay

VOV.VN - Hệ quả của sự việc này khiến cho các trường dư thừa giáo viên, đồng thời phải xoay sở khoản tiền trả lương cho số giáo viên không đứng lớp.

Thừa-thiếu giáo viên: Điều động giáo viên phổ thông dạy mầm non?
Thừa-thiếu giáo viên: Điều động giáo viên phổ thông dạy mầm non?

VOV.VN - Việc địa phương điều động giáo viên bậc phổ thông sang dạy học ở cấp mầm non đang có những ý kiến khác nhau...

Thừa-thiếu giáo viên: Điều động giáo viên phổ thông dạy mầm non?

Thừa-thiếu giáo viên: Điều động giáo viên phổ thông dạy mầm non?

VOV.VN - Việc địa phương điều động giáo viên bậc phổ thông sang dạy học ở cấp mầm non đang có những ý kiến khác nhau...