Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Làm gì để không quá tải?
VOV.VN - Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, ở bậc Tiểu học, số lượng môn học không giảm mà còn chiếm tới hơn 1/3 khối lượng giảng dạy.
Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được Bộ GD&ĐT công bố. Theo các chuyên gia giáo dục, nhà giáo, vẫn còn nhiều điểm cần phải xem xét, điều chỉnh để tránh “vết xe đổ” của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.
Lại quá tải?
Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) tổng thể được đánh giá là chủ trương đúng và rất thiết thực, phù hợp trong xu hướng giáo dục hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn về nội dung của CTGDPT mới.
Ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng, trong bản dự thảo, ở mỗi phẩm chất cần giáo dục cho học sinh phổ thông chỉ phải làm rõ những nội dung giáo dục cơ bản rồi mới đến thiết kế cụ thể cho từng cấp học, còn nội dung giáo dục sao cho phù hợp lứa tuổi từng cấp học thì không cần phải thiết kế chi tiết. Ví dụ, trong phần phẩm chất yêu đất nước ghi: Cấp tiểu học: “Yêu thiên nhiên; Yêu quê hương, tự hào về quê hương...”. Những phẩm chất này không cứ ở tiểu học mà các cấp đều phải thực hiện. Vì thế, khi thiết kế cần làm rõ những đặc điểm cốt lõi của phẩm chất đó, còn vận dụng nó ở từng cấp học để các chương trình môn học các cấp lồng ghép thể hiện.
GS. TSKH Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam băn khoăn, ở tiểu học số lượng môn học không giảm mà những môn như giáo dục lối sống, cuộc sống quanh ta, thế giới công nghệ, hoạt động trải nghiệm sáng tạo... thời gian chiếm tới hơn 1/3 khối lượng giảng dạy tiểu học.
Trong khi yêu cầu của bậc tiểu học là học sinh chỉ cần nắm được kiến thức sơ đẳng nhất. GS Phạm Tất Dong, Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, việc tăng cường hướng nghiệp ở cấp 2, cấp 3 là thể hiện sự tiến bộ hơn so với chương trình hiện hành. Tuy nhiên, theo GS, cần chọn lọc những môn cơ bản, chủ chốt nhất để thể hiện cho CT đại học nối tiếp.
Việc tăng cường thực hành thí nghiệm sẽ giúp học sinh tự phát hiện năng lực của mình (Ảnh: Trube) |
TS Phan Thị Luyến, Hiệu trưởng trường THPT Thực nghiệm (Ba Đình, Hà Nội) đặt câu hỏi về tính mở và cách thức được vận dụng CT của các cơ sở đào tạo. Các trường có được vận dụng linh hoạt giảm thời lượng môn này, tăng thời lượng môn kia so với phân phối chương trình của Bộ không?
Đứng ở góc độ quản lý, đại diện Sở GD&ĐT Thái Nguyên đưa ra rất nhiều băn khoăn. Thứ nhất, môn học tự chọn không bắt buộc là ngoại ngữ 2, tiếng dân tộc thiểu số. Bộ đưa ra nhưng rất khó thực hiện. “Ngoài tiếng Anh, các trường biết dạy ngoại ngữ nào? Thái Nguyên có khu công nghiệp Sam Sung, rất muốn dạy tiếng Hàn nhưng không có giáo viên để dạy.
Tiếng dân tộc cũng thế. Giáo trình ở đâu, lấy ai để dạy?! nên chúng tôi rất băn khoăn” - vị đại diện này cho hay. Thứ hai là tự chọn bắt buộc ở lớp 11, 12 có những hoạt động ở ngoài trường học, về kiến thức, nội dung học hoàn toàn có thể đáp ứng nhưng quản lý thế nào, đánh giá mức độ chuyên cần ra sao?
Trước những băn khoăn trên, GS Nguyễn Minh Thuyết (tổng chủ biên CT GDPT mới) cho biết, theo khảo sát của UNESCO và Ngân hàng Thế giới thì số tiết của Việt Nam chỉ bằng 63% - 65% của các nước phát triển, bằng 75% Trung Quốc, 73% của Thái Lan, nhưng học sinh vẫn quá tải vì chỉ được học 1 buổi/ngày. Do đó, trong CT mới, cần có cả sự chuẩn bị về cơ sở vật chất thì mới thực hiện được.
Đào tạo giáo viên phải đi trước chương trình
Trong Dự thảo CTGDPT mới xuất hiện nhiều môn học mới, đề cao tích hợp, liên môn. Vậy giải quyết bài toán giáo viên sẽ như thế nào? Điều nhiều người lo ngại liệu có lặp lại thất bại của CTGDPT hiện hành?
Theo ông Tùng Lâm, CTGDPT sau năm 2000 của chúng ta có phần hạn chế nhưng không tồi, chỉ vì chúng ta không “đào tạo, bồi dưỡng tuyển chọn và đãi ngộ” một cách đồng bộ. Trong phần điều kiện thực hiện chương trình, ban soạn thảo chương trình không có câu chữ nói rõ về phần này, chắc chắn chúng ta sẽ lại đi theo vết xe đổ của CTGDPT hiện hành.
“Mục tiêu của CT là xây dựng học sinh có năng lực thì bản thân người thầy cũng phải có năng lực. Do vậy, cần huấn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho giáo viên ngay chứ không chờ đến khi có CT mới làm. Nếu các trường cứ thả nổi vấn đề này thì không ổn.
Cũng về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) nêu: “Điều băn khoăn nhất là, nội dung có rồi nhưng giáo viên phải có phương pháp thế nào để cho học trò trong quá trình học hiểu được khả năng, năng lực của mình và thầy cô sẽ là người động viên, tư vấn để học sinh phát triển đúng khả năng của mình. Qua nhiều năm kinh nghiệm, tôi thấy việc tăng cường thực hành thí nghiệm, trải nghiệm sáng tạo sẽ giúp học sinh tự phát hiện năng lực của mình”.
Tuy nhiên, điều khiến nhiều chuyên gia, nhà giáo quan tâm nhất là làm thế nào để có thể đào tạo được giáo viên dạy hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Điều kiện vật chất có cho phép chúng ta làm việc này hay không?
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến đặt câu hỏi: “Trong dự thảo hiện nay, hoạt động trải nghiệm sáng tạo có vị trí, vai trò như một môn học riêng. Vấn đề đặt ra là giáo viên nào sẽ phụ trách môn học này. Liệu các trường sư phạm có phải xây dựng lại CT đào tạo các giáo viên chuyên về tổ chức hoạt động trải nghiệm này không?”.
Trả lời những băn khoăn này, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, hoạt động trải nghiệm sáng tạo là hoạt động thực hành đưa kiến thức vào cuộc sống và những sinh hoạt phục vụ cộng đồng. Chỉ có điều, CT phải có quy định rõ để các địa phương vận dụng học tập.
Giai đoạn trước mắt, giáo viên môn nào vẫn dạy nội dung môn đó. Giáo viên nào đã được bồi dưỡng tốt có khả năng đảm nhiệm dạy môn tích hợp. Bộ đang chỉ đạo các trường sư phạm đổi mới CT đào tạo để thích hợp với CTGDPT mới và nâng cao chất lượng đào tạo. Đồng thời, có chương trình để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông./.
Băn khoăn về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể
GS Hồ Ngọc Đại: Đổi mới giáo dục phải từ nhu cầu “thực” của học sinh