Đại học nào thu học phí cao nhất và thấp nhất khi tự chủ?
VOV.VN -Mức thu học phí với từng ngành cao nhất là ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM (14,5 triệu đồng/năm). Mức thu thấp nhất là ĐH Hà Nội (7,8 triệu đồng/năm).
Thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) công lập giai đoạn 2014-2017 (Nghị quyết 77), đến nay đã có 13 trường ĐH công lập trực thuộc các Bộ, ngành Trung ương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động.
Đánh giá về thực hiện Nghị quyết 77, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, căn cứ Quyết định phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Thủ tướng Chính phủ, các trường đã quy định mức thu học phí cụ thể đối với từng ngành, nghề, chương trình và chất lượng đào tạo, bảo đảm học phí bình quân của các chương trình và chất lượng đào tạo.
Thu học phí của các trường ĐH được tự chủ tăng hơn trước (ảnh minh họa) |
Các trường cũng bảo đảm mức học phí bình quân của các chương trình tối đa bằng mức trần học phí bình quân đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, mức học phí bình quân của các trường trong năm 2015 là 13 triệu đồng/sinh viên. Mức thu học phí riêng đối với từng ngành cao nhất là trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM (14,5 triệu đồng/năm) và mức thu học phí ngành thấp nhất là trường ĐH Hà Nội (7,8 triệu đồng/năm).
Riêng đối với trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội, học phí vẫn được thu theo quy định tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015.
Tự chủ Đại học: Tiêu chí nào để các trường tăng học phí?
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, các trường được đổi mới cơ chế hoạt động được phép thu học phí cao hơn so với mức quy định chung đối với các trường ĐH khác đã tạo điều kiện cho các trường tăng thêm nguồn thu để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị học tập và nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Các trường đã thực hiện trích tối thiểu 8% nguồn thu học phí để lập Quỹ hỗ trợ sinh viên. Ngoài ra, các trường còn bổ sung từ các nguồn thu lãi học phí gửi ngân hàng, thu sự nghiệp, tài trợ của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp để cấp học bổng cùng các điều kiện hỗ trợ khác cho sinh viên nghèo, sinh viên thuộc đối tượng chính sách theo đúng quy định, đảm bảo không làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH của các sinh viên là đối tượng chính sách./.