Đắk Lắk đẩy mạnh nghiên cứu khoa học ở trường trung học

VOV.VN - Những năm qua, phong trào nghiên cứu khoa học bậc trung học ở Đắk Lắk đã nhận được nhiều sự quan tâm của cả giáo viên và học sinh.

Với đề tài Nghiên cứu, chế tạo màng bảo quản trái cây từ nguyên liệu thiên nhiên, Nguyễn Thị Tường Vi và Phan Thị Hằng, học sinh lớp 9A1, Trường THCS Tô Hiệu xã Ea Bông là nhóm nghiên cứu thứ 2 ở huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk đạt giải tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học, do Bộ GD-ĐT tổ chức năm 2021. Kết quả đề tài là sản phẩm dạng gel có nguồn gốc tự nhiên, được tạo ra từ vỏ quả cà phê và lá trầu không, rất phổ biến tại địa phương. Hai tác giả rất tự hào vì đề tài của mình giúp giải quyết đồng thời 3 vấn đề của thực tế hiện nay, đó là tính an toàn của sản phẩm, giúp bảo quản nguồn nông sản-trái cây có sản lượng rất lớn tại địa phương và góp phần giải quyết ô nhiễm từ chế biến cà phê, ở tỉnh có sản lượng cà phê lớn nhất cả nước.

Em Phan Thị Hằng chia sẻ, cà phê là loại cây công nghiệp rất phổ biến. Nhưng trong quá trình chế biến người ta sử dụng phương pháp chế biến ướt thì cái lớp chất nhầy có thành phần chính là Pectin thải ra môi trường rất lớn gây ô nhiễm môi trường.

"Chúng em muốn tận dụng chất nhầy đã thải ra đó để tạo được màng bảo quản trái cây để có thể bảo quản trái cây vừa tránh ô nhiễm môi trường được"- em Hằng nói.

Em Nguyễn Thị Tường Vi cho biết: "Màng bảo quản của chúng em khác với các màng bảo quản khác là an toàn và hữu cơ. Trong quá trình nghiên cứu của chúng em thì màng bảo quản đã giữ được trái cây tươi lâu hơn, giảm hư hỏng, nấm men nấm mốc và kéo dài thời gian bảo quản trái cây lên".

Cũng hướng tới thực tế cấp bách ở địa phương, một đề tài khoa học của học sinh Đắk Lắk cũng đã đạt giải nhất cấp tỉnh và giải ba cấp quốc gia Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng năm 2020, đó là “Mô hình phát hiện phá rừng và cháy rừng từ xa”. Ở đề tài này, Đỗ Lê Minh Quân và Trần Đại Lợi, học sinh lớp 9 Trường THCS Phan Bội Châu, TP. Buôn Ma Thuột đã sử dụng mạch điều khiển với bộ phận cảm biến để nhận biết sự thay đổi nhiệt độ, độ ẩm không khí và tiếng ồn do cưa máy tạo ra tại các cánh rừng. Dùng sóng tần số vô tuyến (RF) để thu phát và truyền tín hiệu đến màn hình tại trung tâm theo dõi trong vòng bán kính 1,5km. Tại đây, người theo dõi sẽ nắm được các thông tin về nhiệt độ, độ ẩm và mức độ âm thanh. Từ đó, có thể nhận ra các tín hiệu âm thanh cao quá mức bình thường (như tiếng cưa máy) hoặc nhiệt độ môi trường lên quá cao do cháy rừng tạo ra. Thiết bị có cấu tạo nhỏ gọn, đơn giản, chi phí thấp, có thể giúp lực lượng kiểm lâm nhanh chóng phát hiện và xử lý những vụ việc cháy rừng hay bị lâm tặc chặt phá rừng.

"Ở thành phố em không có điều kiện tiếp cận với rừng nhiều nhưng em có thể thấy vai trò của rừng quan trọng thông qua những bài học trên trường, trên lớp. Sau khi lắp đặt thiết bị thành công, chúng em bắt đầu về một khu vực rừng bắt đầu đo đạc sao cho thiết bị hoàn chỉnh để gửi đi. Thiết bị này có giá khoảng 2,3 triệu đồng. Em mong muốn có thể cải tiến thêm chuông báo động để có thể dễ dàng phát hiện hơn. Có thể hiển thị thông số qua điện thoại và nhiều màn hình khác thông qua 1 tài khoản"- Đỗ Lê Minh Quân chia sẻ.

Những năm gần đây, các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật ngày càng thu hút nhiều học sinh ở Đắk Lắk tham gia, với hơn 100 sản phẩm, dự án có tính ứng dụng thiết thực, gần gũi với đời sống. Một số dự án, sản phẩm không dừng lại ở các cuộc thi, mà đã được đăng ký sở hữu trí tuệ và sử dụng trong thực tế. Như dự án “Giếng nổi cho vùng ngập lụt và ô nhiễm nước”, đang được sử dụng hiệu quả tại vùng thường xuyên ngập lụt của Đắk Lắk và một số tỉnh miền trung; Dự án Thiết kế, chế tạo hệ thống giám sát và quản lí học sinh tại trường học của nhóm học sinh Trường Tiểu học, THCS và THPT Victory, thành phố Buôn Ma Thuột, cũng đang được hoàn thiện thêm để có thể sử dụng trong chính ngôi trường của các em.

Ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh Đắk Lắk đánh giá, những sản phẩm, dự án của học sinh cho thấy, các em đã thể hiện được tư duy nghiên cứu chuyên sâu, không chỉ kết tinh chất xám, sức sáng tạo, khả năng phát hiện vấn đề mà còn là sự ghi nhận thực tế, khát vọng giải quyết các nhu cầu trong thực tiễn cuộc sống.

"Cuộc thi khoa học kỹ thuật là một hoạt động chuyên môn sâu rộng trong các nhà trường. Đối với đổi mới giáo dục đào tạo hiện nay, việc triển khai hoạt động giáo dục khoa học kỹ thuật là một trong những nội dung quan trọng của giáo dục trong nhà trường. Các trường cần phải đẩy mạnh giáo dục STEM, hoạt động trải nghiệm, và đỉnh cao đó chính là sáng tạo kỹ thuật trong nhà trường"- ông Đỗ Tường Hiệp cho biết.

Thông qua các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cho thanh thiếu nhi và học sinh, phong trào nghiên cứu khoa học đã được lan tỏa đến nhiều trường học ở Đắk Lắk. Từ đó thúc đẩy các em tìm tòi, vận dụng các kiến thức khoa học vào thực tiễn cuộc sống. Đồng thời, hoạt động này cũng góp phần đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học của ngành giáo dục tại địa phương./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giáo dục STEM được đưa vào bài giảng chính thức
Giáo dục STEM được đưa vào bài giảng chính thức

VOV.VN - Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn 3089/BGDĐT-GDTrH ngày 14/08/2020 về việc triển khai giáo dục STEM trong giáo dục trung học.

Giáo dục STEM được đưa vào bài giảng chính thức

Giáo dục STEM được đưa vào bài giảng chính thức

VOV.VN - Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn 3089/BGDĐT-GDTrH ngày 14/08/2020 về việc triển khai giáo dục STEM trong giáo dục trung học.

Giáo dục thời 4.0: Hiểu sao cho đúng về STEM và giáo dục STEM?
Giáo dục thời 4.0: Hiểu sao cho đúng về STEM và giáo dục STEM?

VOV.VN - Bắt nguồn từ Mỹ, STEM là phương pháp giáo dục ngày càng được nhiều cha mẹ quan tâm. STEM có những ưu nhược điểm gì? Giáo dục STEM ở Việt Nam có thực sự là một lựa chọn sáng suốt cho tương lai?

Giáo dục thời 4.0: Hiểu sao cho đúng về STEM và giáo dục STEM?

Giáo dục thời 4.0: Hiểu sao cho đúng về STEM và giáo dục STEM?

VOV.VN - Bắt nguồn từ Mỹ, STEM là phương pháp giáo dục ngày càng được nhiều cha mẹ quan tâm. STEM có những ưu nhược điểm gì? Giáo dục STEM ở Việt Nam có thực sự là một lựa chọn sáng suốt cho tương lai?

Giáo dục STEM tạo ra sản phẩm ứng dụng sáng tạo thiết thực
Giáo dục STEM tạo ra sản phẩm ứng dụng sáng tạo thiết thực

VOV.VN - STEM là tích hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực Khoa học – Công nghệ - Kĩ thuật – Toán. Giáo dục STEM đã góp phần thay đổi tư duy của người dạy và người học. Từ đây, một “sân chơi” mới cho học sinh ra đời và ngày càng phát triển.

Giáo dục STEM tạo ra sản phẩm ứng dụng sáng tạo thiết thực

Giáo dục STEM tạo ra sản phẩm ứng dụng sáng tạo thiết thực

VOV.VN - STEM là tích hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực Khoa học – Công nghệ - Kĩ thuật – Toán. Giáo dục STEM đã góp phần thay đổi tư duy của người dạy và người học. Từ đây, một “sân chơi” mới cho học sinh ra đời và ngày càng phát triển.