Dịch chuyển trong đăng ký ngành nghề theo thị trường việc làm
VOV.VN - Qua số liệu thống kê đăng ký xét tuyển của Bộ GD-ĐT, năm nay có sự chuyển biến khá rõ nét về ngành nghề. Các chuyên gia cho rằng, điều này cho thấy sự dịch chuyển của thị trường lao động trong những năm tới.
Trong nhiều năm qua, nhóm ngành kinh tế, an ninh quốc phòng vốn được coi là lựa chọn hàng đầu của đa phần thí sinh khi đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, năm nay có sự chuyển biến khá rõ nét về ngành nghề, trong đó kinh tế chỉ đứng thứ 6 sau nhiều khối ngành khoa học xã hội. Đây là gợi ý để các thí sinh thực hiện thay đổi nguyện vọng xét tuyển vào cuối tháng 8/2021.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), hiện trên hệ thống đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2021 có 3,8 triệu nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Trong đó, ngành có đông nguyện vọng nhất là nhóm ngành kinh doanh và quản lý với hơn 1,2 triệu nguyện vọng, tiếp đó là nhóm ngành công nghệ thông tin, khoa học xã hội và hành vi, nhân văn… Nhìn vào số liệu này, một số ý kiến cho rằng, có sự mất cân đối ngành nghề trong mùa tuyển sinh năm nay. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cho biết, để đánh giá xu hướng đăng ký ngành nghề năm nay thì cần phải căn cứ số liệu đăng ký nguyện vọng 1 - nguyện vọng thể hiện sự ưu tiên số 1 của thí sinh khi lựa chọn ngành nghề.
Xét theo tỷ lệ nguyện vọng 1 trên tổng số chỉ tiêu tuyển sinh của các trường cho thấy, những ngành có sự cạnh tranh mạnh nhất, nhiều thí sinh đăng ký nhất năm nay là: An ninh Quốc phòng; Báo chí và thông tin, Nghệ thuật; Du lịch khách sạn, dịch vụ cá nhân, Khoa học xã hội và hành vi. Nhóm ngành kinh doanh quản lý tuy chiếm tỷ lệ đăng ký nguyện vọng cao nhất, nhưng khi xét nguyện vọng 1 thì nhóm ngành này chỉ đứng thứ 6 trong những nhóm ngành có thí sinh đăng ký nhiều nhất.
GiS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: "Tính hiện đại của các ngành thu hút giới trẻ rất lớn. Báo chí truyền thông thì ai cũng thấy rất hiện đại, đặc biệt là đối với thanh niên rất hấp dẫn đặc thù nghề nghiệp. Thứ hai nữa là hiện nay, sinh viên ra trường học những ngành nghề này gần như là đến năm thứ 3 đã có vị trí công việc tương đối ổn, có thu nhập. Đối với ngành báo chí, quản trị lữ hành, khách sạn, thậm chí Hàn Quốc học, Nhật Bản học, Đông phương học thì đến năm thứ 3 đi thực tập thì đã có lương và vị trí việc làm đã được xác định tương đối rõ".
Nhiều ý kiến cho rằng, việc thí sinh đăng ký tập trung vào một số nhóm ngành không đồng nghĩa với mất cân đối ngành nghề mà thể hiện xu hướng nghề nghiệp của giai đoạn đó. Đây là tín hiệu đáng mừng bởi thay vì chạy theo xu hướng “ngành hot”, thì các em lựa chọn theo nhu cầu của thị trường lao động và khả năng việc làm sau khi ra trường.
PGS Nguyễn Thị Nhung, Hiệu trưởng Trường Đại học Mở và TS Vũ Chí Thành, Giám đốc Khối đào tạo Cao đẳng - FPT Polytechnic lý giải, đối với ngành quản trị khách sạn chẳng hạn, hoặc quản trị du lịch lữ hành khi mình cũng có thể thấy là đang bị chịu sự tác động trực tiếp của dịch bệnh. Nhưng vì sao thí sinh chọn, phụ huynh quan tâm? Bởi vì những ngày này đang có xu thế và dự báo là sau khi dịch bệnh được kiểm soát thì sẽ có sự quay trở lại, tức là hồi phục rất nhanh.
"Nhóm ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn, nhóm ngành làm đẹp nhu cầu xã hội ngày càng tăng lên thì nhu cầu chăm sóc bản thân tốt hơn thì nhóm ngành làm đẹp cũng xuất phát triển và khi dịch bệnh được đẩy lùi các em ra trường thì sẽ có cơ hội rất là cao", PGS Nguyễn Thị Nhung nhận xét.
Theo PGS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, việc thí sinh ưu tiên lựa chọn một số nhóm ngành là điều hết sức bình thường vẫn diễn ra mỗi kỳ tuyển sinh, thể hiện nguyện vọng của thí sinh và thể hiện phần nào nhu cầu, sự dịch chuyển của thị trường lao động, của nền kinh tế: "Chúng ta cũng thấy cần phải khuyến khích thêm để các em hiểu được ngành nghề, lĩnh vực cần thiết cho hoạt động sản xuất của nền kinh tế, tạo nên sức mạnh của nền kinh tế. Các trường cũng đang rất tích cực trong việc truyền thông cũng như để cho thí sinh, cho phụ huynh, cho xã hội hiểu biết hơn về lĩnh vực đào tạo của mình và những cơ hội nghề nghiệp, cơ hội đóng góp của các em cho Việt Nam, cho thế giới những năm tiếp theo. Tôi tin rằng với xu hướng sẽ dịch chuyển dịch ngày càng theo hướng tích cực hơn và phục vụ thực chất cho nền kinh tế".
Bộ GD-ĐT lưu ý, những ngành có tỷ lệ nguyện vọng đăng ký xét tuyển cao cũng đồng nghĩa với mức độ cạnh tranh sẽ rất lớn. Năm ngoái, nhiều ngành học thuộc nhóm ngành An ninh Quốc phòng; Báo chí và thông tin, Khoa học xã hội và hành vi… ở một số trường có điểm trúng tuyển lên tới 28, thậm chí 30 điểm, nên dự báo điểm trúng tuyển năm nay sẽ còn tăng hơn nữa do phổ điểm theo khối thi tăng. Đây vừa là cơ hội nhưng cũng là rủi ro, thách thức mà các thí sinh cần lưu ý, cân nhắc khi thực hiện thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển từ ngày 29/8 đến ngày 5/9 tới./.