Đổi mới giáo dục phổ thông: Hướng đi đúng, nhưng chưa đủ
VOV.VN -Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể là hướng đi đúng đắn, tuy nhiên để thay đổi toàn diện, cơ bản, nhiều vấn đề cần được giải quyết đồng bộ.
Bộ GD-ĐT đã ban hành dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (trong chương trình giáo dục phổ thông mới), để lấy ý kiến của toàn xã hội. Dự thảo có nhiều điểm mới, có sự thay đổi căn bản trong cách dạy và học ở bậc phổ thông.
Hướng đi rất đúng đắn
Theo Nhà giáo Ưu tú Đặng Đình Đại, Hiệu trưởng Trường THPT Wellspring Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, khẳng định, việc thay đổi này là cần thiết. Các nước khác đã thực hiện chương trình giáo dục như thế này từ lâu. Nếu chương trình này được thực hiện đúng đắn, sẽ có tác dụng rất tốt; vừa giảm tải cho học sinh, vừa mang tính định hướng cho học sinh khối trung học phổ thông. Điều này sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức và sẽ giúp cho các em định hướng cho mình một cách hiệu quả, cơ bản.
Đổi mới giáo dục phổ thông là chương trình đúng đắn, song phải có lộ trình phù hợp (Ảnh minh họa) |
Nhà giáo Ưu tú Đặng Đình Đại chia sẻ: “Điều này đã tồn tại ở các nước khác trong một thời gian rất lâu và đem lại hiệu quả thiết thực, thích hợp với điều kiện, môi trường của các nước đó. Ở Việt Nam, đây là lần thay đổi chương trình một cách toàn diện, triệt để nhất. Tất cả những lần trước, chỉ là đổi mới về mặt nội dung chương trình, phương pháp… nhưng cái cốt lõi không thay đổi. Lần này là thay đổi hẳn về cách học, cách dạy.
Điều này nằm trong lộ trình cần thiết để giáo dục Việt Nam hòa nhập với giáo dục thế giới. Với kinh nghiệm trong ngành Giáo dục, được trải nghiệm với nhiều nước, cũng như có người thân đang theo học ở nước ngoài, nhà giáo Đặng Đình Đại khẳng định đây là con đường đi đúng đắn”.
Phát huy được tiềm năng của học sinh
Theo Bộ GD-ĐT: Mục tiêu của chương trình nhằm giúp học sinh phát triển khả năng vốn có của bản thân, hình thành tính cách và thói quen; phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần; trở thành người học tích cực, tự tin, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời; có những phẩm chất tốt đẹp và các năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động cần cù, có tri thức và sáng tạo.
Chương trình giáo dục cấp tiểu học giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự hình thành và phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; định hướng chính vào giá trị gia đình, dòng tộc, quê hương, những thói quen cần thiết trong học tập và sinh hoạt; có được những kiến thức và kỹ năng cơ bản nhất để tiếp tục học trung học cơ sở.
Chương trình giáo dục cấp trung học cơ sở giúp học sinh duy trì và nâng cao các yêu cầu về phẩm chất, năng lực đã hình thành ở cấp tiểu học; tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội; hình thành năng lực tự học, hoàn chỉnh tri thức phổ thông nền tảng để tiếp tục học lên trung học phổ thông, học nghề hoặc bước vào cuộc sống lao động.
Chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông giúp học sinh hình thành phẩm chất và năng lực của người lao động, nhân cách công dân, ý thức quyền và nghĩa vụ đối với Tổ quốc trên cơ sở duy trì, nâng cao và định hình các phẩm chất, năng lực đã hình thành ở cấp trung học cơ sở; có khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời, có những hiểu biết và khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc bước vào cuộc sống lao động.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, dư luận nên nhìn vào tính ưu việc của chương trình. Có thể hình dung đây là kế hoạch chung của giáo dục phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12. Với chương trình này, học sinh có tiềm năng gì sẽ phát huy được tiềm năng đó.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói: “Chương trình mới sẽ tạo cho học sinh năng động hơn, có tư duy độc lập, khả năng phát hiện giải quyết vấn đề, làm việc theo nhóm. Do đó, theo thiết kế, ngoài các môn học còn có yêu cầu tăng cường hoạt động xã hội được hướng tới những sáng tạo, trải nghiệm”.
Đã thực hiện được ngay chưa?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng khẳng định, với điều kiện hiện nay khi áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới thì 90%-95% nhà trường đã đủ điều kiện thực hiện được ngay.
"Tất nhiên phải cố gắng thêm, giáo viên phải bồi dưỡng thêm, phải đổi mới quản lý của nhà trường, cơ sở vật chất phải được cải thiện dựa trên cái có sẵn. Phải đồng loạt triển khai áp dụng chương trình và sách giáo khoa mới từ 2018; nhưng triển khai ở những mức độ khác nhau, ở từng trường khác nhau chứ không phải giống nhau ở mọi trường. Trước đây, không phải vậy” – Thứ trưởng cho hay.
Tuy nhiên, theo các nhà giáo dục, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có nhiều điểm hoàn toàn khác so với cách dạy và học truyền thống. Để thực hiện hiệu quả chương trình cải cách mang tính toàn diện, cơ bản này, nhiều vấn đề cần được giải quyết đồng bộ; nếu thực hiện được ngay là rất khó.
Theo Nhà giáo Ưu tú Đặng Đình Đại: Đây là sự thay đổi rất lớn, cần có sự nhận thức cho đến hành động của các thành viên trong ngành Giáo dục và toàn xã hội thì mới có thể thực hiện tốt được.
Việc đề ra chương trình này là hướng đúng đắn, tuy nhiên không thể nói chung chung, mà phải đi vào rất cụ thể, chi tiết, rành mạch cho từng khoản mục. Cụ thể như: Việc đào tạo lại, đào tạo mới giáo viên như thế nào? Đầu ra của học sinh, đánh giá học sinh về những tiêu chí đưa ra như thế nào? Cơ sở vật chất đã đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu đổi mới chưa”…
Trong bài tiếp theo, Nhà giáo Ưu tú Đặng Đình Đại phân tích những vướng mắc cần tháo gỡ của chương trình này./.
Theo dự thảo: Giáo dục phổ thông 12 năm, gồm hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp trung học cơ sở 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông 3 năm).
Chương trình giáo dục phổ thông có 8 lĩnh vực giáo dục: Ngôn ngữ và văn học; Toán học; Đạo đức - Công dân; Thể chất; Nghệ thuật; Khoa học Xã hội; Khoa học Tự nhiên; Công nghệ - Tin học.
Hệ thống các môn học được thiết kế theo định hướng bảo đảm cân đối nội dung các lĩnh vực giáo dục, phù hợp với từng cấp học, lớp học; thống nhất giữa các lớp học trước với các lớp học sau; tích hợp mạnh ở các lớp học dưới, phân hoá dần ở các lớp học trên; tương thích với các môn học của nhiều nước trên thế giới.
Tên của từng môn học được gọi dựa theo các môn học trong chương trình hiện hành, có điều chỉnh để phản ánh tốt nhất nội dung, tính chất, ý nghĩa giáo dục của môn học trong từng cấp học, do đó tên một môn học có thể thay đổi ở từng cấp học.
Lên trung học phổ thông, để hài hoà giữa học phân hoá định hướng nghề nghiệp với học toàn diện, môn Khoa học Xã hội cùng với các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học sẽ dành cho học sinh định hướng khoa học tự nhiên, môn Khoa học Tự nhiên cùng với các môn Lịch sử, Địa lý sẽ dành cho các học sinh định hướng khoa học xã hội; đồng thời học sinh còn được tự chọn các chuyên đề học tập phù hợp với nguyện vọng cá nhân.
Các môn học ở cả 3 cấp học được chia thành môn học bắt buộc (BB) và môn học tự chọn (TC). Các môn học tự chọn gồm 3 loại: Tự chọn tuỳ ý: học sinh có thể chọn hoặc không chọn (TC1); tự chọn trong nhóm môn học: học sinh buộc phải chọn một hoặc một số môn học trong nhóm môn học theo quy định trong chương trình (TC2); tự chọn trong môn học: học sinh buộc phải chọn một số nội dung trong một môn học (TC3). Tỷ lệ môn học tự chọn hoặc nội dung học tự chọn tăng dần từ lớp dưới lên lớp trên.