Giáo dục nghề nghiệp ở Lào Cai - "1 cổ 5 tròng”
VOV.VN - Một Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) – Giáo dục thường xuyên (GDTX) ở Lào Cai dù chỉ có hơn 20 biên chế cán bộ, giáo viên và gần 300 học sinh, nhưng đang phải chịu sự quản lý của 5 cơ quan, đơn vị khác nhau, gây nên nhiều chuyện dở khóc, dở cười…
Sau những tín hiệu khả quan bước đầu của mô hình 9+, nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa Giáo dục nghề nghiệp, ngày 1/9/2020, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Sa Pa được thí điểm chuyển giao về trực thuộc một trường chuyên nghiệp của tỉnh Lào Cai theo Quyết định số 2564 của UBND tỉnh, thời gian thí điểm là 2 năm.
Quyết định nêu rõ: “Trung tâm GDNN – GDTX thị xã Sa Pa là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Trường Cao đẳng Lào Cai, có chức năng đào tạo nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp, tư vấn và giới thiệu việc làm trên địa bàn thị xã Sa Pa”.
Việc chuyển giao này kì vọng sẽ rất hiệu quả vì mọi chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm đều được chuyển nguyên trạng từ cơ quan chủ quản cũ là UBND thị xã Sa Pa sang Trường Cao đẳng Lào Cai để tận dụng tối đa lợi thế từ đội ngũ giảng viên và hệ thống hạ tầng, trang thiết bị của ngôi trường này.
Tuy nhiên, ngay sau khi chuyển giao, câu chuyện lại rẽ sang một hướng khác.
Bước ngoặt sau chuyển giao
Ông Hoàng Trung Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, ngay sau chuyển giao, do chức năng, nhiệm vụ không có gì thay đổi, ngày 7/9/2020, Trung tâm tổ chức khai giảng và bắt tay triển khai song song hoạt động GDNN và GDTX như những năm trước từng thực hiện.
Sau khi hoàn tất xét tuyển, việc xét duyệt kết quả tuyển sinh do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai quyết định. Nhưng không hiểu sao cả đợt đầu (tháng 10) và đợt bổ sung (tháng 12) đều không được phê duyệt suốt thời gian dài.
Mãi đến tháng 2/2021, khi học kì I đã kết thúc, kết quả tuyển sinh mới được duyệt sau nhiều cuộc họp của các cơ quan cấp trên. Tuy nhiên, chức năng GDTX của Trung tâm cũng bị tước mất từ đây, bắt buộc phải thông qua Trường Trung học Phổ thông (THPT) số 1 thị xã Sa Pa để đảm bảo về cơ sở pháp lý theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Theo đó, giữa hai bên xây dựng một Quy chế phối hợp, mọi hoạt động GDTX vẫn do cán bộ, giáo viên của Trung tâm GDNN – GDTX thị xã Sa Pa thực hiện, nhưng dưới sự chỉ đạo chuyên môn của đơn vị ngang cấp là Trường THPT số 1 Sa Pa vì đơn vị này mới đủ thẩm quyền đứng ra kí duyệt và chịu trách nhiệm.
“Trung tâm thực hiện từ A đến Z, hết các khâu từ tuyển sinh, đào tạo; hồ sơ cũng do Trung tâm hoàn thiện. Trường THPT số 1 chỉ giám sát, kí nhận, giáo viên của họ tới kiểm tra, chỉ đạo luôn”, ông Hiếu cho hay.
Kết quả đào tạo không được công nhận
Những tưởng khi có đơn vị trung gian đứng ra đại diện pháp lý sẽ ổn thỏa, nhưng mâu thuẫn tiếp tục phát sinh khi Trường THPT số 1 thị xã Sa Pa không xác nhận kết quả đào tạo 4 tháng học kì I của Trung tâm do tháng 2/2021 mới tiếp quản, còn trước đó không phụ trách, giám sát.
Kết quả không được công nhận đồng nghĩa với học sinh lớp 10, 11 không thể lên lớp. Còn học sinh lớp 12 sẽ không hoàn tất được học bạ để tham gia kì thi tốt nghiệp đang đến gần. Cả Trung tâm gần 300 học sinh bị ảnh hưởng, khiến các giáo viên đứng ngồi không yên.
“Giáo viên chúng tôi rất lo, nhất là Chủ nhiệm lớp 12, nhưng không dám nói với học sinh vì sợ tinh thần không ổn định sẽ ảnh hưởng đến việc ôn thi của các em”, cô Phạm Thị Tâm Quyên, Chủ nhiệm lớp 12B chia sẻ.
Vừa qua, ngay trong quá trình Trung tâm tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 9, nhiều cán bộ quản lý các trường Trung học cơ sở biết chuyện cũng tỏ ra nghi kị, băn khoăn cho tương lai của học sinh mình nếu đăng kí học tại đây. Trong khi hiện nay, từ Trung ương đến địa phương, việc hướng nghiệp, phân luồng học nghề từ sớm đang ngày càng được chú trọng.
Một cổ “năm tròng”
Cô giáo Phạm Thị Tâm Quyên cho biết, kể từ khi Trường THPT số 1 thị xã Sa Pa tham gia chỉ đạo chuyên môn đã khiến nhiều mâu thuẫn phát sinh do sự khác biệt trong mô hình đào tạo của hai đơn vị.
“Bản thân chương trình GDTX có số tiết giảng, lượng kiến thức ít hơn GDPT, yêu cầu giáo án mức độ cũng khác. Học sinh của Trung tâm chủ yếu định hướng nghề nên chỉ cần tốt nghiệp; trong khi phía Trường THPT số 1 Sa Pa lại đặt mục tiêu học sinh phải thi đỗ đại học”, cô Quyên nói.
“Chúng tôi vẫn dạy đảm bảo theo chuẩn kiến thức của Bộ Giáo dục. Năm ngoái tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cũng đạt 100%. Nhưng khi giáo viên Trường THTP số 1 sang kiểm tra lại yêu cầu phải thay đổi, đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa”.
Trước những áp lực mới đòi hỏi phải nâng cao chuyên môn, kiến thức, phải dạy thêm để củng cố thành tích chung, cộng thêm việc thường xuyên có giáo viên THPT số 1 Sa Pa giám sát, chỉ đạo khiến tâm lý hơn 20 cán bộ, giáo viên của Trung tâm luôn trong trạng thái xáo trộn với vô số câu hỏi.
“Chúng tôi không yên tâm công tác, luôn lo lắng, trăn trở, không biết nếu tiếp tục phối hợp với Trường THPT số 1 thế này liệu công việc có ổn định không? Sang năm chúng tôi có tuyển sinh được không? Các giáo viên có đủ số tiết công tác để đủ trả lương theo quy định của nhà nước hay không...”, cô Quyên thở dài.
Theo Phó Giám đốc Hoàng Trung Hiếu, thực tế hiện nay, ngoài chịu sự chỉ đạo đối với công tác GDTX bởi Trường THPT số 1 Sa Pa, Trung tâm vẫn chịu sự quản lý về cơ sở hạ tầng, tổ chức bộ máy, tài chính của cơ quan chủ quản ban đầu là UBND thị xã Sa Pa. Bên cạnh đó, Trung tâm chịu sự quản lý nhà nước về lĩnh vực bởi Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động Thương binh và Xã hội; Chưa kể cơ quan quản lý trực tiếp nhất là Trường Cao đẳng Lào Cai theo Quyết định thí điểm chuyển giao của UBND tỉnh.
“Một cổ nhưng rất nhiều tròng, riêng khâu báo cáo cơ quan cấp trên đã không tránh khỏi thiếu sót chứ chưa bàn đến việc khác”, ông Hiếu than thở./.