Trường quốc tế:

Học phí cao, chất lượng… thả nổi

Khá nhiều trường tự gắn “mác quốc tế” để thu học phí với giá cao ngất trời, nhưng giáo viên ngoại dạy “chui” không giấy phép lao động và cơ sở vật chất thì… thuê nên chất lượng giáo dục không tương xứng…

Ít giáo viên “ngoại” đạt chuẩn

Ông Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng phòng Giáo dục có yếu tố nước ngoài, Sở Giáo dục Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội cho biết, tính đến hết tháng 9/2009, trên địa bàn thành phố có 36 cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Sở GD-ĐT chỉ cấp phép hoạt động và quản lý 20 cơ sở. Trong số này, có 9 cơ sở được cấp phép tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn chuyên ngành ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh; còn lại hầu hết các cơ sở cung cấp dịch vụ giáo dục từ mầm non đến THPT cho học sinh quốc tịch nước ngoài và một bộ phận học sinh Việt Nam.

Thực tế cho thấy, việc đảm bảo đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng theo quy định về số lượng giáo viên/học sinh và số giáo viên người nước ngoài tại các cơ sở giáo dục 100% vốn nước ngoài chưa cao. Đối với các cơ sở giáo dục phổ thông, lao động nước ngoài thường làm việc toàn thời gian nên tỷ lệ giáo viên có giấy phép lao động (GPLĐ) có tỷ lệ tương đối cao. Nhưng ở các cơ sở đào tạo ngoại ngữ, phần lớn giáo viên làm việc theo chế độ bán thời gian nên tỷ lệ giáo viên nước ngoài có GPLĐ chỉ chiếm chưa đến 30% tổng số giáo viên. Có những trung tâm “có tên tuổi” như Language Link Việt Nam chỉ có 25/101 giáo viên có GPLĐ; 2/10 giáo viên của Ila có GPLĐ... Thậm chí, có những trường hợp giáo viên nước ngoài còn chưa có đủ hoặc chưa làm thủ tục hợp thức hóa lãnh sự các bằng cấp chuyên môn, giấy phép hành nghề (chứng chỉ sư phạm).

Một giờ học ngoại khóa của HS Trường quốc tế Dream House, HN (ảnh K.T)

Theo bà Nguyễn Thị Tuất, Trường Mầm non Sakura Hoa Anh Đào - trường mầm non đầu tiên ở Hà Nội xin được GPLĐ cho giáo viên - thì việc xin GPLĐ cho giáo viên nước ngoài vô cùng khó khăn. Những giáo viên vào Việt Nam không có GPLĐ khi bị phát hiện phải chịu mức phạt từ 10-20 triệu đồng và có thể bị trục xuất khỏi Việt Nam. Nhưng vào năm 2005, 2006, ngay Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng “bó tay” vì không có văn bản hay quy định nào về việc cấp GPLĐ cho giáo viên nước ngoài vào Việt Nam làm việc.

Ông Bảo đánh giá: “Việc thuê giáo viên nước ngoài gặp nhiều khó khăn vì phải tìm đúng người có đủ điều kiện về chuyên môn nghiệp vụ và hồ sơ pháp lý, phải làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động, chi phí trả lương cao... nên số giáo viên nước ngoài có đầy đủ bằng cấp, chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tế còn ít…”.

Thuê trường, thiết bị thiếu

“Việc đầu tư cơ sở vật chất nói chung chưa tương xứng với mức học phí, còn thiếu trang thiết bị máy móc hiện đại cho việc giảng dạy và học tập” - ông Nguyễn Quốc Bảo thừa nhận.

Thực tế là, phần lớn các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài đều không có cơ sở vật chất riêng mà phải đi thuê. Hiện trong số 20 cơ sở mà Sở GD-ĐT Hà Nội quản lý chỉ có duy nhất trường Quốc tế Hà Nội có cơ sở vật chất riêng với 10.000m2 đất. Hầu hết các cơ sở đều phải thuê địa điểm với hợp đồng ngắn hạn. “Hợp đồng thuê địa điểm ngắn hạn cũng là trở ngại với các trường vì thực tế thuê nhà để mở trường ở Việt Nam mà làm ăn tốt thì thế nào cũng gặp khó khăn, bị chủ nhà gây khó dễ” - bà Nguyễn Thị Tuất phân tích.

Bà Tuất cũng cho biết thêm những khó khăn mà các trường đang phải đối mặt, như: Giấy phép hoạt động thường chỉ có giá trị trong một năm học. Có những cơ sở mang danh quốc tế nhưng vẫn chưa có đủ cơ sở vật chất, thiết bị cũ, không hiện đại. Thậm chí đã có trường hợp giấy phép hoạt động ghi trường tên Việt Nam nhưng đến khi trưng biển để tuyển sinh thì lại là trường quốc tế.

 “Thực tế vẫn xảy ra tình trạng các cơ sở công bố các chương trình khi chiêu sinh một đằng, dạy một kiểu khiến người học rất thiệt thòi. Để bảo vệ người học, các cơ sở có yếu tố nước ngoài sẽ phải công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng, thu chi học phí, chương trình và đội ngũ giáo viên. Những vấn đề này sẽ được Sở GD-ĐT kiểm tra, giám sát thường xuyên” - ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định.

Chương trình, học phí cũng là vấn đề mà các phụ huynh quan tâm khi họ phải bỏ ra một số tiền khá lớn để gửi con vào trường quốc tế với hy vọng con mình được hưởng chất lượng tương xứng. Đã đến lúc, các cơ quan quản lý cũng cần có các quy định để siết việc “thả nổi” học phí, chương trình như hiện nay để đảm bảo quyền lợi cho người học./.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên