Học sinh đánh nhau và câu chuyện trách nhiệm

Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra 42 vụ HS tụ tập đánh nhau gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó có 2 vụ giết người.

Xuất hiện nhiều hành vi lệch chuẩn

Khảo sát 200 học sinh (HS) tại 2 trường THPT ở Hà Nội của PGS.TS Hoàng Bá Thịnh, Giám đốc TT Nghiên cứu Dân số và Công tác xã hội cho thấy, có đến 96,7% số HS được hỏi cho rằng “ở trường các em học có xảy ra hiện tượng nữ sinh đánh nhau”.

Phần lớn các em nữ đã có hành vi đánh nhau cho rằng, bạo lực giữa nữ sinh là “bình thường” (57,3%) và “chấp nhận được” (39,6%). Mặc dù hầu hết các em nhận thức được hậu quả của bạo lực là gây tổn thương về tinh thần và thể xác, nhưng vẫn còn 19,5% cho rằng hành vi bạo lực không gây ra hậu quả gì.

Điều này cho thấy, chuẩn mực giá trị giao tiếp trong xã hội truyền thống ngày càng bị phá vỡ, mối quan hệ trong gia đình đang ngày càng lỏng lẻo hơn, tình trạng thanh thiếu niên rơi vào tệ nạn xã hội gia tăng. Xuất hiện nhiều hành vi lệch chuẩn về giao tiếp, ứng xử trong HS, SV.

Đại tá Nguyễn Đức Chung, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết: Theo thống kê, từ năm 2008 đến nay, đã phát hiện, xử lý 968 đối tượng trong lứa tuổi còn ngồi trên ghế nhà trường vi phạm pháp luật hình sự. Riêng năm 2011 đã phát hiện, xử lý 110 đối tượng.

Học sinh nữ đánh nhau công khai ngoài đường (Ảnh: KT)

So với  những năm 2000 trở về trước, những năm gần đây tính chất, mức độ phạm tội của nhóm đối tượng này nguy hiểm hơn, hành vi vi phạm hết sức đa dạng và phức tạp. Xuất hiện một số HS, SV tham gia lập các diễn đàn, blog kêu gọi biểu tình; phát tán các clip có nội dung phản cảm lên mạng mang tính bạo lực và tình dục…

Đặc biệt nổi lên là tình trạng HS tụ tập thành các băng nhóm, dùng dao, kiếm… để giải quyết các mâu thuẫn, có những vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nguyên nhân có khi chỉ vì những mâu thuẫn rất nhỏ trong sinh hoạt và học tập. Theo số liệu thống kê, trong thời gian từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra 42 vụ HS tụ tập đánh nhau gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó có 2 vụ giết người.

Quá nhiều kẽ hở lớn

Từ thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, đại tá Nguyễn Đức Chung nêu ra các nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm pháp luật trong lứa tuổi vị thành niên gia tăng là: Các chương trình giáo dục pháp luật chưa sát, các biện pháp giáo dục pháp luật đạo đức chưa gắn với các giải pháp quản lý những HS chưa ngoan.

Thông thường, khi phát hiện HS vi phạm kỷ luật, hình thức xử lý là đuổi học, hình thức này khi áp dụng lại vô tình tạo ra khoảng trống về quản lý, giáo dục nên dễ đưa HS vào con đường vi phạm pháp luật. Đáng chú ý, vấn đề kỷ luật học đường hiện nay chưa nghiêm.

Ngoài ra, sự phối hợp trao đổi thông tin, liên lạc giữa gia đình và nhà trường thiếu chặt chẽ, nên nhiều HS tự ý bỏ học đi lang thang, hoặc tìm niềm vui qua các trò chơi điện tử, phim ảnh bạo lực, khiêu dâm mà nhà trường và gia đình không hay biết.

Phía xã hội còn thiếu trầm trọng các nơi vui chơi, giải trí cho HS, SV. Việc quản lý thiếu chặt chẽ các loại phim, ảnh bạo lực, văn hóa phẩm đồi trụy, các hoạt động kinh doanh ở các quán karaoke, các dịch vụ Internet... đã gây ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý các em; trong khi nhà trường chưa coi trọng việc đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức, chưa coi trọng việc trang bị khả năng ứng phó của các em với mặt trái của cơ chế thị trường…

Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là môi trường sống trong gia đình. Mức độ gắn bó giữa các thành viên trong gia đình có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc định hình nhân cách của trẻ vị thành niên. Nghiên cứu của PGS.TS Hoàng Bá Thịnh cho thấy, trong số các em có hành vi bạo lực 77,3% nói rằng trong gia đình mình “các thành viên ít có sự quan tâm lẫn nhau”. Đồng thời, 52,8% nữ sinh sống trong gia đình có bạo lực đã có hành vi bạo lực với bạn cùng trang lứa.

Để giải quyết tình trạng trên, TS. Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam đề xuất thực hiện các giải pháp đồng loạt như: Củng cố hơn nữa mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, thống nhất mục đích giáo dục chung nhằm duy trì sự quan tâm một cách đúng đắn, kịp thời uốn nắn những ý nghĩ sai lệch, giúp trẻ phát triển nhân cách.

Trong các bộ môn, việc tích hợp và lồng ghép chuẩn mực đạo đức thực tế phù hợp trong giao tiếp học đường là quan trọng. Xây dựng qui tắc, quy định văn hóa giao tiếp phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi của các em trong nhà trường.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên