Không có chuyện sách giáo khoa dùng một lần rồi bỏ đi

VOV.VN - “Khi Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực, Chương trình phổ thông mới được triển khai, thì sẽ không thể vấn vương cái cũ”.

Tại hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế-xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề cập lĩnh vực giáo dục, trong đó nhấn mạnh việc năm học 2020-2021 sẽ chuyển sang sử dụng sách giáo khoa (SGK) mới. “Tinh thần là không có chuyện dùng một lần rồi bỏ đi như những năm trước”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, hiện nay Luật Giáo dục Đại học đã có hiệu lực. Được biết, trong tổng số hơn 200 trường đại học cơ bản chỉ có khoảng 40 trường thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, còn lại của các Bộ ngành, địa phương. Chính vì vậy, cần tích cực triển khai Luật mới theo cách kiện toàn Hội đồng Nhà trường.

“Nhiều người vẫn còn muốn vương vấn với cái cũ, đề nghị lãnh đạo Bộ, các tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt việc này” - Phó Thủ tướng yêu cầu.

SGK lớp 1 mới sẽ được đưa triển khai trong năm học 2020-2021.

Năm 2020 cũng là năm cuối cùng thực thực hiện kỳ thi THPT trong 6 năm theo Nghị quyết Trung ương. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Bước cuối cùng bao giờ cũng rất quan trọng và mang tính quyết định, nếu thành công thì cả lộ trình 6 năm thành công và ngược lại. Năm nay có điểm mới là giao về các địa phương chịu trách nhiệm tổ chức. Thủ tướng đã có chỉ thị về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, giao trực tiếp người đứng đầu các địa phương chịu trách nhiệm thực hiện, tổ chức”. 

Tại hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cũng nêu nhiều băn khoăn, bức xúc của người dân trong lĩnh vực giáo dục. Ông Mẫn cho biết, nhân dân còn băn khoăn về hiệu quả của việc giảng dạy trực tuyến, nhất là ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, những nơi điều kiện kinh tế khó khăn. Băn khoăn về vấn đề sách giáo khoa, về việc giao cho địa phương tự chọn sách giáo khoa lớp 1, đấu giá sách công khai, các điều kiện về đào tạo, tuyển dụng, bên cạnh đó là những vấn đề liên quan đến mô hình các trường hoặc cụm trường liên kết…

“Tôi đề nghị kiểm soát tốt hơn các nhà xuất bản tái bản sách kèm quá nhiều nội dung không thực chất, không cần thiết. Các bộ sách phải được sử dụng nhiều lần và ổn định để tránh lãng phí tiền của. Năm nay, người dân mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các địa phương tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, bảo đảm an toàn, chặt chẽ và không để xảy ra những sự việc tiêu cực đáng tiếc như những năm học trước”, ông Mẫn nhấn mạnh.

Ông Mẫn cũng cho biết, những băn khoăn của người dân về giáo dục cũng là 1 trong  3 kiến nghị lớn ghi nhận được qua kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 14 vừa qua.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn.

Theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), ngày 20/5 là ngày cuối cùng các địa phương phải công bố kết quả lựa chọn SGK lớp 1 năm học 2020-2021, theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Các địa phương đã hoàn thành và công bố kết quả lựa chọn SGK, trong số 5 bộ SGK với 46 đầu sách đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt.

Ngay sau khi các địa phương công bố kết quả thẩm định SGK, các nhà xuất bản và các địa phương sẽ phối hợp để lên kế hoạch tập huấn cho giáo viên sử dụng SGK lớp 1 mới. Cùng với đó, các bên liên quan cũng sẽ thực hiện cam kết cung ứng đầy đủ, kịp thời SGK cho năm học 2020-2021.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy HằngTrưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái: “Hai tiêu chí rất quan trọng, thứ nhất là phù hợp với điều kiện của địa phương và thứ hai là phù hợp với các điều kiện tổ chức dạy học, trong đó quan tâm đến đối tượng học sinh để mỗi môn học chọn một đầu sách phù hợp nhất”.

Đổi mới giáo dục, đặc biệt là chương trình phổ thông mới triển khai cùng lúc 5 bộ SGK lớp 1 từ năm học 2020-2021 đang nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Đây là bước khởi đầu trên chặng đường dài đổi mới giáo dục. Các chuyên gia trong ngành nói rằng: “Chúng ta cần thời gian để cây trồng đâm hoa kết trái”. Tuy nhiên, nếu thực hiện đổi mới mà không công khai, minh bạch, không khoa học, không đáp ứng được mong đợi của xã hội thì sẽ gây mất lòng tin. Khi không có lòng tin, không có sự đồng thuận của xã hội không ai có thể triển khai được chương trình đổi mới SGK, cũng như đổi mới giáo dục nói chung.

Câu chuyện chọn SGK bắt đầu nóng khi Bộ GD-ĐT công bố quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 1. Những vấn đề xung quanh việc xuất bản SGK làm sao để tránh độc quyền? lựa chọn SGK ra sao để đảm bảo công khai, minh bạch đến nay vẫn được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên