Nhiều bộ sách giáo khoa chỉ sử dụng 1 lần: Lãng phí tiền tỷ
VOV.VN -Mỗi năm, hàng trăm triệu bản sách giáo khoa được in ra nhưng học sinh học xong rồi cất hoặc vất đi thì sẽ lãng phí đến tiền tỷ.
Sách giáo khoa (SGK) là loại sách cung cấp kiến thức cơ bản cho học sinh. Tùy từng môn học, SGK được biên soạn, thiết kế và trình bày dưới những hình thức khác nhau sao cho học sinh tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả và nhanh nhất.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều loại SGK lại có thêm phần câu hỏi, bài tập dưới hình thức tự luận hoặc trắc nhiệm yêu cầu học sinh phải ghi chép hoặc điền vào đó. Như vậy, học sinh chỉ học sách 1 lần rồi cất hoặc bỏ đi. Điều này khiến cho việc huy động tiết kiệm SGK ở lớp học trước cho lớp học sau không thể thực hiện được.
Sắp tới sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa để nhà trường, giáo viên và học sinh lựa chọn trong việc giảng dạy-học tập (ảnh minh họa) |
Nếu mỗi năm, hàng trăm triệu bản SGK được in ra nhưng sách đó chỉ khiến học sinh học xong rồi cất hoặc vất đi thì sẽ lãng phí đến tiền tỷ và năm nào phụ huynh cũng lo lắng dành tiền mua sách mới cho con học.
Mặc dù Quốc hội đã thông qua chủ trương “Một chương trình, nhiều bộ SGK” nhưng khi có nhiều bộ SGK, các địa phương, trường học không chỉ phân vân chọn sách của nhà xuất bản nào để học mà còn phải nghĩ tới việc phản ứng của người dân, phụ huynh về giá cả các loại sách.
Ngoài ra, nhà trường phải cân nhắc chọn sách nào để vừa đáp ứng việc cung cấp kiến thức cho học sinh nhưng cũng phải tiết kiệm kinh phí cho phụ huynh và làm sao để học sinh lớp sau có thể học được sách của học sinh lớp trước, em có thể học được sách của anh, chị.
Vì vậy, nhà trường, các thầy cô giáo và người dân mong đợi khi đổi mới chương trình, SGK phổ thông, Bộ GD-ĐT và Ban soạn thảo sách cần xem xét kỹ lưỡng việc in SGK chỉ sử dụng được 1 lần.
Là giáo viên lâu năm và nay chuyển sang lĩnh vực quản lý nhưng bà Nguyễn Thanh Hà, Hiệu trưởng trường THCS Thăng Long, Hà Nội cho rằng, việc biên soạn SGK nếu có phần yêu cầu học sinh phải trả lời kiến thức hay làm bài tập thì Ban soạn thảo sách không nhất thiết yêu cầu học sinh phải ghi hay điền vào sách.
Các câu hỏi tự luận hay trắc nghiệm có thể đưa ra trong sách nhưng không có phần trống hay ô vuông nhỏ để ghi chép hoặc điền vào đó mà học sinh có thể trả lời các câu hỏi trong một quyển vở khác.
“Sách giáo khoa chỉ sử dụng 1 lần, không sử dụng được cho năm sau là rất lãng phí. Việc in SGK có thêm phần câu hỏi yêu cầu học sinh làm bài tập dưới dạng viết hoặc trả lời theo hình thức trắc nghiệm luôn vào đó là hoàn toàn không hề tiết kiệm. Điều này khiến học sinh năm sau không thể học sách của học sinh năm trước, em không thể học được sách của anh, chị”. Đó là nhận định của ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, Hà Nội.
Góp ý cho việc biên soạn SGK mới, ông Nguyễn Quốc Bình nêu quan điểm, SGK là loại sách cung cấp kiến thức cho học sinh nên được in ấn, minh họa có mầu sao cho hấp dẫn. Còn phần câu hỏi về kiến thức của mỗi bài yêu cầu học sinh phải thực hiện thì có thể cho các em làm ra vở bài tập được in ấn một cách nhẹ nhàng, không cần nhiều hình ảnh minh họa cầu kỳ.
Sách giáo khoa mới sẽ bỏ hẳn những kiến thức quá khó
Đứng ở góc độ là người chủ biên và biên soạn nhiều bộ SGK, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, khi đã xuất bản nhiều bộ SGK, chúng ta cũng phải nghĩ tới, ai là người được quyền chọn sách để giảng dạy. Không nên giao quyền lựa chọn sách cho một cá nhân (giám đốc Sở GD-ĐT hay hiệu trưởng). Bởi vì dù có tham khảo ý kiến tập thể thì quyết định của cá nhân không phải lúc nào cũng chính xác, khách quan. Khi cá nhân đó chuyển đổi công tác, người khác lên thay cũng dễ thay đổi quyết định của người tiền nhiệm.
Như vậy, sẽ xảy ra tình trạng “em không học được sách của anh, chị”, các trường và người dân lại phải tốn tiền mua sách một lần nữa. Đó là chưa kể không phải ai cũng có thể lựa chọn một cách khách quan trước những mức hoa hồng hấp dẫn của các nhà xuất bản.
Để tránh xảy ra hiện tượng trên, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, nên để tổ chuyên môn của trường bàn bạc, quyết định việc lựa chọn SKG môn học tương ứng.
Cũng theo GS Nguyễn Minh Thuyết, để các trường có toàn quyền chọn bộ SGK thích hợp và tránh hiện tượng cát cứ địa phương, mỗi tỉnh, mỗi vùng miền chỉ dùng sách do cơ quan quản lý Nhà nước của mình biên soạn, tốt nhất là Bộ và các Sở GD-ĐT không đứng ra tổ chức biên soạn SGK. Bộ GD-ĐT chỉ tổ chức thẩm định SGK.
Hiện nay, việc biên soạn SGK có câu hỏi yêu cầu học sinh phải làm bài tập hay tích câu trả lời trắc nghiệm luôn vào khiến sách chỉ được sử dụng 1 lần, chủ yếu dành cho học sinh ở các tỉnh, thànhh phố lớn. Tuy nhiên, nếu việc biên soạn, in ấn theo dạng này được phát hành rộng rãi ở các vùng, miền với điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn thì chắc chắn người dân sẽ không có tiền mua sách cho con học.
Điều đó cũng khiến cho việc kêu gọi các tổ chức, trường học, học sinh ở các thành phố lớn giữ gìn SGK đã học để ủng hộ học sinh vùng sâu, vùng xa và bài toán tìm giải pháp tiết kiệm kinh phí cho việc biên soạn, xuất bản SGK khó thực hiện được. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, Bộ GD-ĐT và các nhà xuất bản, tổ chức cần phải cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng khi biên soạn, phát hành nhiều bộ SGK chỉ sử dụng được có 1 lần./.