Nghiên cứu phương án giải quyết vấn đề rút BHXH 1 lần
VOV.VN - Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đề xuất 2 phương án liên quan rút BHXH 1 lần. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cần nghiên cứu một phương án phù hợp hơn.
Dự thảo trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 17/8 trình 2 phương án về rút BHXH một lần. Ở phương án một, thay vì cho người lao động rút như hiện hành, tức sau một năm nghỉ việc, Chính phủ đề xuất chỉ nhóm tham gia trước khi Luật có hiệu lực (trước 1/1/2025) mới được rút. Nhóm tham gia sau thời điểm này không được rút, trừ người đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư hoặc mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
Phương án hai, Chính phủ đề xuất tất cả lao động đóng dưới 20 năm, sau một năm không tham gia hệ thống đều được rút nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất. Số năm còn lại được bảo lưu hưởng chế độ. Phương án này không phân biệt thời gian đóng, không giới hạn số lần lao động được rút.
Góp ý kiến vào nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng một trong những nguyên nhân của việc rút BHXH một lần là thời gian đóng để hưởng quá dài. "Hiện nay quy định là 20 năm. Người đi làm trong lúc khó khăn như thời kỳ đại dịch, giữa 20 năm sau với cái trước mắt, đôi khi bắt buộc người lao động phải chọn cái trước mắt", ông Vương Đình Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng 2 phương án về rút bảo hiểm xã hội một lần đều có ưu điểm và các ý kiến, mặt khác nhau. Ông đề xuất một phương án để nghiên cứu có thể tích hợp, sử dụng mặt tốt nhất của 2 phương án để ra một phương án.
Theo đó, đối với những người tham gia đóng BHXH sau khi luật này có hiệu lực không được rút bảo hiểm xã hội 1 lần khi đang trong độ tuổi lao động. Với người tham gia trước khi luật sửa đổi có hiệu lực được rút nhưng chỉ rút phần mình đóng, còn một phần vẫn là tích lũy, lưu trong hệ thống bảo hiểm.
"Việc này vừa để giúp người lao động giải quyết khó khăn trước mặt nhưng vẫn lưu lại trong hệ thống và có thể quay trở lại đóng. Khi đó mạng lưới an sinh sẽ không bị “thủng", ông Vương Đình Huệ nói, đồng thời, đề nghị nghiên cứu 5 quan điểm của cơ quan thẩm tra nêu ra.
Nhấn mạnh quan điểm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia BHXH, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người lao động tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, ông Phan Văn Anh - Phó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lưu ý việc sửa luật không làm suy giảm hoặc mất đi các quyền lợi mà người lao động được thụ hưởng để người lao động không cảm thấy mình chịu thiệt thòi sau nhiều lần thay đổi chính sách.
Cạnh đó, cần thận trọng xem xét đánh giá kỹ lưỡng các chính sách có ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế xã hội như rút BHXH một lần, cách tính, mức hưởng, thời gian hưởng cũng như chế độ với người lao động chưa đủ tuổi hưu trí.
Về quy định rút BHXH một lần, Phó Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng đây là quyền lợi chính đáng của người lao động. Tuy nhiên, xu hướng rút 1 lần tăng thời gian qua là thực tế đáng lo ngại. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp người lao động mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế xã hội, trong vấn đề an sinh xã hội.
Hai phương án trong dự thảo đều theo hướng nhằm hạn chế người lao động rút BHXH 1 lần. Ông Pham Văn Anh đánh giá mỗi phương án đều có ưu, khuyết điểm nên đề nghị có nhóm giải pháp đồng bộ hơn nữa hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn trước mắt để đảm bảo cuộc sống như tín dụng ưu đãi, đào tạo, việc làm…
Giải trình thêm sau đó, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung thừa nhận rút BHXH 1 lần là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm, nếu làm không tốt về tư tưởng, vận động, thuyết phục và có phương án phù hợp thì dễ xảy ra những điều có thể không hình dung hết.
Lúc đầu ban soạn thảo tính 3 phương án khác nhau, sau ra Chính phủ thảo luận gom lại 2 phương án nhưng trên cơ sở làm sao đảm bảo hài hòa giữa đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của đất nước với việc giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt của người lao động, và không tạo ra sốc với người lao động, nhất là trong lúc người lao động khó khăn.
“72% người rút BHXH một lần là ở khu vực phía nam và miền Trung, tuyệt đại bộ phận rút là công nhân. Chúng ta nhìn nhận vấn đề đó để thấy nguyên nhân ban đầu là khó khăn, nên phải tính toán giải pháp” – ông Đào Ngọc Dung nói và đánh giá chưa có phương án tối ưu, nhưng ít ra có phương án tạm thời có thể chấp nhận đươc. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu.