Học sinh cuối cấp chọn ngành nghề: Đừng chỉ nhìn vào mình học giỏi môn nào
VOV.VN - Theo nhiều chuyên gia, việc lựa chọn nghề nghiệp không chỉ dựa vào năng lực học tập mà còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như năng lực tư duy logic, khả năng giao tiếp, thuyết phục…
Hôm nay (28/3), tại Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Cầu Giấy - Hà Nội) diễn ra tọa đàm “Hành trình quyết định tương lai” nằm trong khuôn khổ ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2023 chủ đề “Những cánh cửa tương lai”.
Tại buổi tọa đàm, nhiều câu hỏi được các học sinh cuối cấp đưa ra như: “Gần đến kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học nhưng em vẫn chưa biết nên chọn ngành nghề nào” hay “môn nào em cũng học đều nhưng không nổi trội thì nên chọn ngành ra sao”, “phải làm sao khi lựa chọn của em và bố mẹ khác nhau”….
Đứng trước bước ngoặt lớn, việc lựa chọn ngành nào, trường nào đang là băn khoăn, lo lắng của nhiều học sinh cuối cấp.
Với 24 năm giảng dạy và làm công tác chủ nhiệm, cô Bùi Thu Nga, giáo viên môn Sinh học, trường THCS & THPT Lương Thế Vinh chia sẻ, trong những năm qua, cô gặp rất nhiều học sinh quay trở lại trường trong niềm vui vẻ, hạnh phúc khi đã lựa chọn đúng ngành nghề: “Có thể kể đến em Phương Thảo, học sinh tôi từng là chủ nhiệm lớp. Ngay từ khi vào lớp 10 em đã theo học ban A và trở thành bác sĩ Răng Hàm Mặt. Em đã thi đỗ ngành học yêu thích và bây giờ chuẩn bị đi sang Nhật học thạc sĩ. Đây là trường hợp định hướng sớm và đã thành công.
Thế nhưng cũng có trường hợp định hướng chưa chính xác. Cùng lớp với Phương Thảo là một bạn nữ khác thích học Công nghệ thông tin. Đây là một ngành hot được rất nhiều học sinh mơ ước. Tuy nhiên, bố mẹ và thầy cô nhìn thấy tính cách em không phù hợp nên khuyên vào sư phạm. Em kiên quyết theo con đường mình chọn và vào ngôi trường hot nhất ở Hà Nội đào tạo ngành Công nghệ thông tin. Tuy nhiên, sau nửa năm, em học sinh này quyết định dừng lại và thi vào ngành Sư phạm Toán".
Cô Nga chia sẻ, chính bản thân cô cũng rơi vào tình huống tương tự. Cô từng có ước mơ ngành Y và thấy tính cách của con trai phù hợp nên tư vấn, định hướng cho con học chuyên Hóa. Tuy nhiên, sang lớp 11, dù đã đủ tiêu chuẩn đỗ vào Trường Đại học Y Hà Nội nhưng con trai cô rẽ sang muốn theo đuổi ngành Công nghệ thông tin. Suốt một thời gian 2 mẹ con căng thẳng với nhau. Sau đó, cô Nga tôn trọng quyết định này và hiện tại con cô đang rất vui vẻ với lựa chọn của mình.
Từ những câu chuyện và trải nghiệm thực tế, cô Nga cho rằng, có thể thấy nhiều yếu tố tác động đến việc lựa chọn ngành nghề nhưng quan trọng nhất vẫn là mỗi em biết năng lực, sở thích của mình ở đâu, cùng với trải nghiệm để biết được mình thích gì.
Kể về kinh nghiệm chọn ngành nghề của bản thân, anh Hoàng Việt Thắng, Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần chuỗi thực phẩm TH cho biết, bản thân từng có học lực trung bình trong kỳ học đầu tiên năm lớp 10 với điểm trung bình các môn 6,4. Song ngay từ khi bước vào trường THPT, mục tiêu đặt ra đã là đỗ vào ĐH Ngoại thương. Kết quả, sau 3 năm THPT, anh Hoàng Việt Thắng đã cùng lúc thi đỗ hàng loạt trường ĐH top đầu, trong đó có ĐH Ngoại thương, Kinh tế quốc dân.
Chia sẻ về hành trình “lội ngược dòng” của bản thân dể đạt được kết quả như mong đợi, anh Thắng cho biết, ngay từ lớp 10 anh đã có dự định rõ ràng: “Mong muốn lớn nhất lúc bấy giờ là làm sao đỗ được ĐH Ngoại thương, dù khi ấy học lực chỉ ở mức trung bình, nhưng chưa bao giờ tôi từ bỏ ước mơ đó và luôn nỗ lực để đạt được mục tiêu đề ra, xác định rõ bản thân cần làm những gì để đạt được những điều này. Khi có định hướng rõ ràng sẽ vạch ra xem bản thân cần làm những gì”.
Từ câu chuyện của bản thân, anh Hoàng Việt Thắng cho rằng, việc hiểu rõ bản thân là bước cần thiết đầu tiên trong việc định hướng nghề nghiệp. Dựa trên sở thích, năng lực cá nhân sẽ biết được ngành nào thực sự phù hợp với bản thân.
TS Trương Thị Hoa, Chuyên gia Giáo dục học – Giảng viên Khoa Tâm lí học giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng đồng quan điểm cho rằng, trong việc lựa chọn nghề nghiệp, điều đầu tiên mỗi học sinh cần hiểu rõ bản thân, bao gồm năng lực, điểm mạnh, điểm yếu, năng lực học tập…
“Hướng nghiệp là một hành trình từ hiểu bản thân, hiểu ngành nghề, đến lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch để đạt được mục tiêu đó”, cô Hoa cho biết.
“Thực tế có những bạn khi chọn ngành nghề chỉ dựa vào kết quả học tập, tôi có người bạn học rất giỏi môn Văn và nghĩ rằng sẽ thi vào sư phạm Văn và trở thành cô giáo. Vào sư phạm, bạn này có học lực rất tốt, nhưng đến khi kiến tập, đứng trên bục giảng lại run không thể giảng bài. Dù đã rèn luyện rất nhiều nhưng vẫn không thể đứng trước dám đông, trước học sinh. Sau này bạn đó đã phải từ bỏ công việc làm giáo viên và nhận ra rằng nếu giỏi Văn, không phải chỉ có thể làm giáo viên dạy mà còn có nhiều cơ hội khác. Sau này khi chuyển sang viết nội dung quảng cáo, bạn tôi đã rất thành công”, TS Trương Thị Hoa chia sẻ câu chuyện thực tế và chỉ ra rằng, việc lựa chọn nghề nghiệp không chỉ dựa vào năng lực học tập mà còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như năng lực tư duy logic, khả năng giao tiếp, thuyết phục…
Trong xã hội biến động không ngừng cùng với sự bùng nổ về công nghệ thông tin, TS Trương Thị Hoa cho rằng, sẽ có những biến động về nguồn nhân lực, có những ngành nghề mới có thể sinh ra và những ngành sẽ mất đi. Để đứng vững trong thị trường lao động luôn thay đổi, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, mỗi học sinh đều cần chuẩn bị thật tốt những kỹ năng cần thiết để có thể linh hoạt thích ứng với sự thay đổi của xã hội.
Trả lời câu hỏi của một học sinh rằng học đều tất cả các môn nhưng lại không có điểm nào nổi trội, vậy làm sao để biết ngành nghề nào phù hợp, TS Trương Thị Hoa cho rằng, đây là câu chuyện của không ít học sinh. Nhấn mạnh lại rằng trong việc chọn nghề trước tiên cần hiểu bản thân. Để hiểu rõ bản thân, nhiều học sinh tìm đến những bài kiểm tra trắc nghiệm, tuy nhiên đây chỉ là một cách, điều quan trọng là các em cần có cơ hội trải nghiệm các ngành nghề khác nhau thông qua các hoạt động để hiểu rõ sở thích, sở trường của bản thân mình.
Cô Hoa lấy ví dụ, khi tham gia vào khâu tổ chức sự kiện, có em cảm thấy hứng thú với việc viết bài, em khác lại thích những công việc hậu trường. Như vậy cùng một lĩnh vực lớn nhưng mỗi học sinh lại có một thế mạnh và sở thích khác nhau.
"Các thầy cô giáo trong trường có nhiều kinh nghiệm, có phương pháp sư phạm sẽ giúp các em định hướng nghề nghiệp. Ngoài ra, các giờ ngoại khóa, hướng nghiệp sẽ giúp ích cho các em có thêm các thông tin trước khi quyết định. Tuy nhiên, gia đình không thể thiếu trong việc đồng hành cùng các em. Cha mẹ là người hiểu các em nhất, biết được năng lực, sở trường của các em là gì, tài chính của gia đình đến đâu... để các em lựa chọn ngành và trường phù hợp.
Bạn nào còn cảm thấy chưa hiểu mình, thì hãy thử bước ra khỏi vùng an toàn, tham gia vào các hoạt động nhiều hơn, tập viết nhật ký khi làm những công việc đó, khi đó các em sẽ nhận ra mình phù hợp với công việc nào”, TS Trương Thị Hoa chia sẻ./.