Thưởng Tết ở ngân hàng và sự lao đao của doanh nghiệp

Khi nghe các ngân hàng“ồn ào” công bố lợi nhuận và thưởng Tết, chợt chạnh lòng nghĩ đến hàng nghìn công nhân ở các doanh nghiệp “đắp chiếu” vì khó khăn.  

Cứ gần Tết, dư luật lại “nóng” với vấn đề tiền thưởng. Kẻ khóc, người cười không còn là cảnh lạ. Những nơi thưởng ít thì “nhòm ngó” nơi thưởng nhiều mà… buồn. Năm nay, trong khi các ngân hàng lợi nhuận cao vẫn thưởng khá, thì những ngân hàng yếu, mức thưởng Tết giảm. Tuy nhiên, với mức thưởng “chỉ cho có” của nhân viên ngân hàng khoảng… 10 triệu đồng, cũng là niềm mơ ước của biết bao người! 

Trong “khí thế” thưởng Tết của các ngân hàng lại chợt nghĩ đến số doanh nghiệp phá sản, giải thể, đình đốn sản xuất mà thấy có cái gì đó gờn gợn.  

Hàng nghìn doanh nghiệp phá sản đồng nghĩa với hàng chục nghìn công nhân mất thưởng Tết (Ảnh minh họa) 

Năm 2011, con số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, phá sản...  có xu hướng tăng lên, thậm chí gấp đôi năm 2010. Đã có có hàng chục nghìn doanh nghiệp đã dừng hoạt động, dừng nộp thuế, hoặc đã giải thể, phá sản, đóng cửa. Điều này cho thấy “sức khỏe” của nhiều doanh nghiệp xấu đi và môi trường kinh doanh còn có nhiều vấn đề. 

Dẫu biết các doanh nghiệp thuộc diện phải “đắp chiếu” năng lực tự thân còn hạn chế. Tuy vậy, cái khó nổi cộm nhất mà giới doanh nghiệp từ to đến bé đều kêu nhiều năm qua là… thiếu vốn.  Bao nhiêu câu chuyện “đi đêm”, “lãi suất đen” cũng xuất hiện từ nút thắt này. 

Các doanh nghiệp thì than vay vốn ngân hàng ngoài việc phải chịu mức lãi suất khá cao vượt quá khả năng chi trả của nhiều doanh nghiệp, các điều kiện cho vay vốn của ngân hàng cũng khá ngặt nghèo. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc vay vốn còn khó khơn vì nhiều lý do, trong đó có việc chưa có được niềm tin với ngân hàng.  

Năm qua, dư luận cũng kêu ca nhiều về sự chệnh lệch quá lớn giữa lãi kinh doanh của các ngân hàng và lãi của các doanh nghiệp khác. Rõ ràng có một sự bất công bằng trong điều tiết lợi nhuận nói chung. 

Mức thưởng Tết quá chênh của các ngân hàng so với các doanh nghiệp khác, có lẽ cũng bắt nguồn từ sự chênh lệch nói trên. 

Tại một cuộc tọa đàm về “Thị trường dịch vụ tài chính ngân hàng Việt Nam hậu gia nhập WTO” diễn ra tại Hà Nội vào trung tuần tháng 11/2011, PGS.TSKT Nguyễn Thị Quy- nguyên Hiệu phó, Trưởng Khoa Tài chính Ngân hàng trường Đại học Ngoại thương Hà Nội từng nhấn mạnh: “Các ngân hàng kinh doanh và tuyên bố lãi hàng nghìn tỷ đồng nhưng doanh nghiệp kêu khóc vì thiếu vốn, nền sản xuất bị ảnh hưởng là điều cần suy nghĩ”. Ý kiến này hoàn toàn xác đáng, đặc biệt là khi nền kinh tế nước ta còn gặp nhiều khó khăn, rất cần các bên sẻ chia, hỗ trợ nhau vượt qua thách thức. 

PGS.TSKT Nguyễn Thị Quy lấy ví dụ ở Nhật Bản, lãi suất ngân hàng có khi giảm xuống mức 0%, với mục tiêu nhằm khuyến khích sản xuất, và thực tế nước Nhật đã vươn lên mạnh mẽ dựa trên nền tảng sản xuất vững chắc. Liên quan đến lãi suất thấp (thực âm), có chuyên gia cho rằng, nên xem xét để áp dụng ở Việt Nam. Lãi suất thấp, người gửi tiền có phần thiệt thòi, nhưng khi đó, ngân hàng – doanh nghiệp- người gửi tiền và rộng hơn là nền kinh tế cùng chia sẻ lợi ích để vượt qua khó khăn cùng tiến lên mà tạm gác lợi ích ngắn hạn.  

Mới đây, tại hội nghị tổng kết ngành ngân hàng năm 2011, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã lưu ý các ngân hàng khi đề cập thưởng Tết và lợi nhuận. Các ngân hàng cần thể hiện sự chia sẻ với các ngành, doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác đang gặp nhiều khó khăn. 

Tất nhiên, “làm theo nặng lực, hưởng theo lao động”, lợi nhuận cao hay thấp, thưởng ít hay nhiều tùy thuộc vào sự phát triển và hiệu quả sản xuất của mỗi đơn vị. Nhưng cái sự quá chênh lệch về lương, thưởng Tết như vậy cũng đặt ra nhiều điều rất đáng bâng khuâng!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên