Giúp trẻ vượt qua áp lực của kỳ thi căng thẳng nhất trong cuộc đời
VOV.VN - Ngày 10/6, hơn 110 nghìn học sinh Hà Nội bước vào kỳ thi vào lớp 10 với tính cạnh tranh đầy khốc liệt. Cha mẹ nên làm gì để giúp con vượt qua áp lực thi?
Từ nhiều năm nay kỳ thi vào lớp 10 luôn được đánh giá là căng thẳng và áp lực hơn rất nhiều so với kỳ thi để xét tuyển vào đại học. Bởi lẽ, đại học có nhiều sự lựa chọn và nhiều phương thức xét tuyển khác nhau nên cơ hội để vào được một trường nào đó nhiều hơn so với kỳ thi tuyển sinh vào 10. Năm nay cũng được đánh giá là năm có số học sinh dự thi đông, trong khi số trường công lập - đặc biệt tại các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM thì không thay đổi. Vì thế sẽ có một tỷ lệ nhất định, ví dụ ở Hà Nội khoảng 40% học sinh sẽ phải học ở các trường ngoài công lập.
Những khó khăn đó đã khiến kỳ thi mang nhiều áp lực hơn với chính các em và cả các bậc phụ huynh…Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường đại học Giáo dục (Ðại học Quốc gia Hà Nội), những lo lắng, căng thẳng trước kỳ thi nếu không được giải tỏa, được bố mẹ chia sẻ, thấu hiểu có thể khiến trẻ mất tập trung và ảnh hưởng đến việc tái hiện kiến thức trong quá trình hoàn thành bài thi, kết quả đạt được có thể thấp hơn so với năng lực thực sự của trẻ.
Để giúp con vượt qua những áp lực và có sự chuẩn bị về tâm lý khi bước vào kỳ thi, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, điều mà cha mẹ cần làm là chuẩn bị cho con những bữa ăn, giấc ngủ có chất lượng tốt nhất. Buổi sáng nên đến địa điểm thi sớm hơn một chút để điều chỉnh trạng thái tâm lý sao cho cân bằng. Cha mẹ có thể hướng dẫn con tư thế ngồi trong phòng thi sao cho thoải mái để giúp việc tái hiện kiến thức hiệu quả hơn. Đồng thời chuẩn bị những tình huống có thể xảy ra và phương cách ứng phó. Chẳng hạn trong quá trình làm bài, nếu như có một câu hỏi khó thì nên bình tĩnh, có chiến lược phân phối thời gian và tập trung giải quyết các câu hỏi dễ trước. Con có thể hồi tưởng lại những bài toán khó trước đây con đã giải quyết như thế nào, những khoảnh khắc thành công để có được sự an tĩnh và vượt qua…Những sự chuẩn bị như vậy sẽ giúp các con tự tin trong các buổi thi sắp tới.
Giả sử, con chưa thực sự thỏa mãn với một môn thi nào đó, cha mẹ hãy hướng con đến hiện tại, động viên con những gì đã xảy ra không thể can thiệp được nữa. Vì vậy hãy bỏ qua và tập trung cho các môn thi tiếp theo.
Có những bậc cha mẹ muốn an ủi con, nhưng lại không biết phải nói gì, làm gì. Chuyên gia tâm lý giáo dục Trần Thành Nam cho rằng, đôi khi chỉ cần những cử chỉ quan tâm, săn sóc như pha cho con một cốc nước mát, quàng tay ôm con hay ngồi lắng nghe con chia sẻ cảm xúc… đó cũng đã điều giúp con giảm “sốc”, giúp con có những suy nghĩ tích cực hơn để tiếp tục hoàn thành các môn thi tiếp theo.
Ở độ tuổi thanh thiếu niên thì sự thành công hay thất bại trong kỳ thi có tác động rất lớn đến tâm lý các em. Nếu đạt kết quả cao, đáp ứng được sự kỳ vọng của cha mẹ, các em sẽ thoải mái về tâm lý. Nhưng nếu điểm thi không được như mong muốn có thể dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực, mất niềm tin vào bản thân, mất phương hướng, thậm chí những quyết định dại dột, nông nổi.
PGS-TS Trần Thành Nam chia sẻ, cha mẹ cần lường trước các nguy cơ này và cần chuẩn tâm lý cho con ứng phó với tình huống đó bằng một thông điệp hoặc một cách thức nào đó. “Chẳng hạn bố mẹ hãy để cho con biết rằng nhân cách hay sự thành công của con người không chỉ được định vị bởi điểm số của một kỳ thi. Hoặc chia sẻ với con, mục tiêu của mỗi người là khác nhau, có người là sự thành công trong sự nghiệp, có người lại là hạnh phúc trong cuộc sống để làm cho đứa trẻ cảm thấy mục tiêu cần đạt được là gì? Cha mẹ có thể nói với con về các vĩ nhân như Thomas Edison, Albert Einstein…cũng có khi thất bại và chỉ cho con những tấm gương vượt qua thất bại, nếu không bỏ cuộc, con sẽ vượt lên được thất bại. Cũng như môn boxing, khi võ sĩ ngã xuống, trọng tài chỉ tính là thua cuộc nếu sau một khoảng thời gian nhất định anh ta không đứng dậy được. Nếu trẻ không đạt điểm cao trong kỳ thi và không đỗ nguyện vọng 1 như mong muốn, các bậc cha mẹ không nên để trẻ mắc kẹt trong suy nghĩ “Tôi là kẻ thất bại”", vị chuyên gia tâm lý gợi ý.
Hơn bao giờ hết, tại điểm rẽ quan trọng của cuộc đời, thanh thiếu niên rất cần có sự đồng hành, sẻ chia cũng như định hướng của cha mẹ. Trên đường đua đầy tính cạnh tranh vào lớp 10, nhiều phụ huynh đã chuẩn bị những phương án dự phòng, đăng ký cho con vào các trường dân lập hoặc dạy nghề… Theo PGS-TS Trần Thành Nam, việc chuẩn bị những phương án dự phòng như vậy hết sức cần thiết giúp con không bị hẫng hụt, chới với khi không đạt được nguyện vọng ban đầu và cũng yên tâm hơn trong quá trình thi cử.
“Dù kết quả thế nào bố mẹ vẫn yêu con” – đây là lời nhắn nhủ và sự động viên hết sức tích cực mà chắc hẳn nhiều sĩ tử mong muốn được nghe từ các bậc cha mẹ trong những ngày này./.