Hạ Long và trách nhiệm xây dựng "Thành phố bền vững về môi trường"

Danh hiệu Thành phố bền vững về môi trường là niềm tự hào của thành phố Hạ Long, nhưng đằng sau đó là trách nhiệm lớn lao để xứng đáng với danh hiệu này.

Tối 8/10, thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) vinh dự nhận giải thưởng “Thành phố bền vững về môi trường” của các nước ASEAN năm 2008. Đây là lần đầu tiên các nước ASEAN tổ chức giải thưởng “Thành phố bền vững về môi trường”, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng cũng như nhận thức trong các lãnh đạo về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường. Giải thưởng được trao trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng môi trường các nước ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng môi trường các nước Đông Á lần thứ nhất đang diễn ra tại Hà Nội. Phóng viên VOV trao đổi với ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long:

* Thưa ông, trước hết xin ông cho biết những bài học của thành phố Hạ Long trong việc phát triển kinh tế gắn với giữ gìn môi trường bền vững?

- Ông Nguyễn Văn Tuấn: Trong thời gian qua, chúng tôi đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường của thành phố Hạ Long, cũng như di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Việc thành phố Hạ Long được đề cử nhận danh hiệu này là sự ghi nhận và đánh giá những nỗ lực to lớn của tỉnh Quảng Ninh và nhân dân thành phố Hạ Long trong việc cải thiện, bảo vệ môi trường thành phố và những nỗ lực trong việc bảo vệ tính toàn vẹn và những giá trị ngoại hạng trong việc bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long trong những năm qua.

Những bài học mà chúng tôi rút ra từ thực tiễn trong công tác phát triển thành phố gắn với bảo vệ môi trường là cần phải xây dựng chương trình, kế hoạch, để bảo vệ môi trường gắn với việc phát triển kinh tế. Mỗi dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cần phải tính đến hệ quả, ảnh hưởng của nó đối với môi trường và thành phố, cũng như môi trường của di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Một điều quan trọng nữa là chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường của thành phố cũng như di sản Vịnh Hạ Long. Chúng tôi cho rằng thái độ ứng xử có trách nhiệm, có văn hoá của mỗi một người dân thành phố chính là giải pháp thiết thực và quyết định nhất đối với việc cải thiện và bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long trước mắt cũng như trong tương lai.

* Thưa ông, thời gian gần đây, dư luận đã nhiều lần lên tiếng về nhiều doanh  nghiệp vì lợi nhuận mà làm tổn hại nghiêm trọng đến môi trường. Từ những vụ việc như thế, thành phố Hạ Long rút ra những bài học gì cho mình trong việc quản lý các dự án đầu tư?

- Ông Nguyễn Văn Tuấn: Những vụ việc vừa qua các cơ quan chuyên môn cũng như công luận, báo chí lên tiếng về việc gây phương hại tới môi trường sống của đất nước cũng như của người dân là một bài học rất đắt giá mà từ đó chúng tôi cũng soi lại mình để xem thành phố có những vấn đề gì cần phải quan tâm để giải quyết. Cho đến giờ này chúng tôi cũng chưa phát hiện những dự án mà gây ảnh hưởng ở mức độ cao, nhưng thực tế đó cho chúng tôi những bài học. Việc kiểm soát, nắm bắt những hệ luỵ gây phương hại tới môi trường từ những dự án phát triển kinh tế là điều chúng tôi quan tâm, chỉ đạo. Thứ hai là việc cấp phép, việc tham gia ý kiến trình với các cơ quan cấp trên và cơ quan có thẩm quyền để xem xét chấp nhận các dự án phải luôn luôn gắn với điều kiện và cam kết về bảo vệ môi trường. Thứ ba là những nơi có nguy cơ gây ô nhiễm cao thì phải lập tức đưa ra các cảnh báo và biện pháp để chủ động khắc phục để không xảy ra ảnh hưởng mà sau này việc khắc phục không thể thực hiện được hoặc phải trả giá quá đắt cho những việc đó, làm sao phát triển kinh tế, đô thị hoá luôn luôn gắn với bảo vệ môi trường. Quan điểm của chúng tôi là việc lựa chọn các dự án phát triển kinh tế phải luôn luôn gắn với điều kiện và cam kết về bảo vệ môi trường. Trách nhiệm bảo vệ môi trường và cải thiện môi trường sống cho nhân dân không phải chỉ cho xã hội hôm nay mà còn là trách nhiệm với thế hệ mai sau.

* Thưa ông, việc bảo vệ môi trường thành phố Hạ Long, cũng như di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan quản lý, mà quan trọng là nâng cao ý thức của cộng đồng về vấn đề này. Trong thời gian tới, thành phố Hạ Long có kế hoạch để triển khai công việc này ra sao?

- Ông Nguyễn Văn Tuấn: Trách nhiệm bảo vệ môi trường của Vịnh Hạ Long trước tiên là của chính quyền và nhân dân thành phố Hạ Long, của các cấp, các ngành, cũng như các cơ quan chuyên môn có trách nhiệm trực tiếp. Bên cạnh đó, nhận thức, thái độ ứng xử của cộng đồng, trong đó có các doanh nghiệp và nhân dân địa phương là một yếu tố rất quyết định. Vì vậy, lâu nay, chúng tôi luôn coi trọng giải pháp tuyên truyền giáo dục cộng đồng và trong thời điểm này, giải pháp đó cần được coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa bởi vì sự kiện nhận danh hiệu Thành phố bền vững về môi trường là niềm tự hào của thành phố Hạ Long, nhưng đằng sau đó là trách nhiệm lớn lao để xứng đáng với danh hiệu này. Điều này càng có ý nghĩa khi nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế đang đang phát động chiến dịch bầu chọn Vịnh Hạ Long trở thành một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới.

Thành phố Hạ Long là đô thị phát triển trên nền tảng của một thị xã gắn với khai thác mỏ và có tốc độ đô thị hoá nhanh, đồng thời là khu vực phát triển nhanh về khai thác mỏ, công nghiệp, giao thông, cảng biển và du lịch, cho nên những giải pháp quan trọng nhất là phải kiểm soát được quá trình phát triển kinh tế ấy luôn gắn với bảo vệ môi trường. Thứ hai là phải có biện pháp cụ thể để hành động, để môi trường Vịnh Hạ Long không bị phương hại, như là sớm khắc phục các dải rừng ngập mặn đã bị tổn thương trong thời gian vừa qua. Thứ ba là triển khai những dự án đầu tư để thu gom, xử lý rác thải, nước thải và từng bước giảm những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cho Vịnh Hạ Long.
Xin cảm ơn ông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên