Hàng nghìn dân mắc kẹt trong nước lũ lòng hồ Krông Pách thượng: Làm sao để vẹn toàn?
VOV.VN - Hàng trăm hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu mắc kẹt trong tình thế nguy cấp. Nhưng điều đáng nói ở đây là dù biết nguy hiểm nhưng chỉ có 6% hộ dân đồng ý di dời tới nơi được cho là an toàn hơn.
Mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 12, khiến một vùng rộng lớn lòng hồ Thuỷ lợi Krông Pách Thượng, huyện M’đrăk, tỉnh Đắk Lắk bị ngập sâu trong nước. Hàng trăm hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu mắc kẹt trong tình thế nguy cấp. Nhưng điều đáng nói ở đây là dù biết nguy hiểm nhưng chỉ có 6% hộ dân đồng ý di dời tới nơi được cho là an toàn hơn. Tại sao lại có tình trạng này?
Chiều tối (10/11), ghi nhận lượng nước kỷ lục ở lòng hồ Krông Pách thượng khi lên tới cao trình trên 480m. Cả 3 thôn 9, 10 và 11 của xã Cư San nằm giữa lòng hồ đã bị cô lập, chia cách với hàng chục nhà bị ngập, có nhà ngập tới nóc. Dõi theo nước lũ đã mấp mé sàn nhà, vợ chồng anh Giàng Seo Thái, thôn 11 rất lo lắng cho tính mạng của 2 đứa con nhỏ cùng những tài sản tích cóp trong nhiều năm. Chính quyền có vận động gia đình anh di dời đến trường tiểu học nằm ở giữa thôn nhưng anh không đồng ý. Lý do là vì khu vực trường học cũng nằm ngay giữa vùng lòng hồ, không cao hơn nhà anh là bao và nếu nước ngập đến thì lại không có lối thoát, càng nguy hiểm hơn.
“Bây giờ là mình cũng không biết đi đâu nữa. Bên dự án bảo chuyển sang bên trường Tiểu học Bùi Thị Xuân nhưng bên đó không cao mấy, nước dâng cỡ 2m nữa là ngập, mà ngập là không có đường ra nữa. Nếu được thì chuyển sang đồi cao bên kia, làm cái lán đảm bảo cho bà con thì mới đúng vì bên đó thì không ngập được”.
Ông Giàng Seo Dũng, Bí thư Chi bộ thôn 10, xã Cư San cho biết, thôn của ông bị ngập nặng nhất trong vùng lòng hồ. Chứng kiến cảnh sơ tán dân vùng ngập lụt theo kiểu di dời từ nhà này sang nhà khác trong cùng một thôn, ông Dũng không đồng tình. Đây chỉ là cách tạm bợ, vì độ chênh cao của các nhà chỉ một vài mét, nếu nước dâng lên lại tiếp tục phải di dời, rất tốn công sức của người dân mà lại không an toàn. Trong khi đó, theo ông Dũng, khi triển khai dự án Krông Pách thượng, Nhà nước đã quy hoạch những khu tái định cư.
Ông Dũng đặt vấn đề, tại sao không sớm triển khai phương án đền bù và di dời dân đến vùng tái định cư, vừa đảm bảo sản xuất, vừa đảm bảo đời sống cho bà con: “Sớm muộn cũng phải đền bù, bồi thường cho người dân thì chỗ nào cần thiết thì đền bù để người ta ra chỗ mới thôi chứ còn cứ làm dự án treo ở đây thì rất khó khăn cho bà con. Bây giờ các anh xem xét phương án bồi thường thế nào rồi, khu tái định cư thế nào, nếu được thì sắp cho những hộ đã ngập đất đai không sản xuất được, rồi bây giờ bị ngập nhà cửa nữa”.
Ông Phạm Đăng Đảng, Chủ tịch UBND xã Cư San thừa nhận, việc di dời dân vùng ngập lụt có những khó khăn và bất cập dẫn đến diễn ra chậm. Địa bàn bị chia cách, cô lập, lực lượng tăng cường vào vùng lòng hồ không thể vượt nước lũ từ thôn này sang thôn kia để hỗ trợ. Đồng thời, do không xác định được nước sẽ ngập đến đâu để chủ động di dời sớm nên xã chỉ có thể làm theo kiểu nước ngập đến nhà nào thì di dời nhà đó. Một số thời điểm, nước lũ lên nhanh, việc di dời tài sản của dân không kịp, đành phải để bị ngập.
Cho đến ngày 11/11, xã di dời được 40 hộ bị ngập lụt tại 3 thôn. Rất may là trời hiện đã tạnh mưa, nước lũ rút bớt đi nên giảm được áp lực di dời dân. Tuy nhiên, lúc này, các vấn đề về vệ sinh môi trường, nguồn nước ô nhiễm là rất đáng lo. Cấp trên từng hứa tạo điều kiện có phương tiện đi lại an toàn, miễn phí cho dân khi nước lũ dâng. Tuy nhiên, việc này hiện nay không được đảm bảo, người dân giờ lại phải trả tiền thuê thuyền máy của tư nhân chở với chi phí rất cao.
“Việc đi lại của bà con lại bắt đầu phải thực hiện thông qua việc trả tiền, chi phí rất cao. Một lần đi thuyền như vậy là 30.000 đồng. Cũng đề nghị các Ban xem xét, vì theo chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp khi vào đây thì phải bố trí, tạo điều kiện để người dân đi lại an toàn, miễn phí”.
Ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng phòng NN-PTNT huyện M’Đrăk cho biết, bão số 12 đã qua nhưng bão số 13 lại đang vào. Công tác nắm tình hình và di dời dân vẫn được tiến hành trong vùng lòng hồ Krông Pách thượng. Theo kế hoạch, ít nhất 100 hộ ở ven sông suối, trong số hơn 600 hộ dân còn mắc kẹt ở vùng lòng hồ sẽ phải di dời để tránh những nguy cơ: “Bây giờ mình không thể nói chính xác hết được. Nhưng nếu theo phương án của dự án Krông Pách Thượng toàn bộ số hộ dân nằm trong 3 thôn là hơn 600 hộ. Trước mắt bây giờ phải trên 100 hộ có dự kiến phải di dời. Những hộ nằm ven sông, suối là ưu tiên phải di dời trước”.
Trực tiếp vào khảo sát vùng lòng hồ Krông Pách thượng bị ngập lụt và lắng nghe ý kiến người dân cũng như các bên liên quan, ông Nguyễn Song Lâm, Phó Cục trưởng Cục quản lý xây dựng công trình, Bộ NN-PTNT cho biết, vấn đề ngập lụt, ảnh hưởng đến dân ngoài yếu tố thiên tai, có một phần lỗi từ việc triển khai dự án. Trong đó, sự chậm trễ trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, di dời dân là nguyên lỗi lớn nhất. Lúc này, tiền đã có, cơ chế, chính sách cũng đã có, những vướng mắc đã được tháo gỡ, vấn đề còn lại là chính quyền địa phương và các bên liên quan thực thi thế nào để đẩy nhanh tiến độ. Với tình hình ngập lụt như hiện nay, rõ ràng phương án đưa dân đến vùng tái định cư là vẹn toàn nhất.
“Cả dự án có hơn 600 hộ vào khu tái định cư, bây giờ có 50 hộ. Khi làm công trình nào cũng thế, cuộc sống của bà con sẽ xáo trộn, nhưng để hướng tới cuộc sống phát triển hơn bà con cần chia sẻ với chính quyền, với các bộ, các cấp để đẩy nhanh công trình càng sớm càng tốt. Những khó khăn trước đã qua, đã giải quyết rồi thì bây giờ chỉ có trình duyệt phương án thì đề nghị Ban A tỉnh bám sát, chủ trì, phối hợp để trình duyệt nhanh. Đồng thời vận động dân, đủ điều kiện thì di chuyển lên”, ông Nguyễn Song Lâm nói.
Như vậy, với những gì báo cáo được cho là đã có sự chủ động, sự nỗ lực của chính quyền địa phương trước sự an nguy của người dân, số hộ dân được di dời tạm thời vì mưa lũ mới chỉ chiếm khoảng 6% số hộ dân còn mắc kẹt ở vùng lòng hồ Krông Pách thượng. Trong khi, số hộ dân cần di dời theo diện tái định cư vùng lòng hồ vẫn là con số không tròn trĩnh. Sự chủ động, nỗ lực cũng cần được xem xét lại, khi chính quyền địa phương lựa chọn địa điểm di dời, nhưng dân e ngại, không muốn đến vì cho rằng thiếu an toàn khi vẫn nằm ngay trong vùng lòng hồ, không biết nước sẽ dâng lên tới lúc nào./.
Cũng cần nhắc lại, thuỷ lợi Krông Pách thượng có vốn đầu tư hơn 4.400 tỷ đồng, triển khai suốt từ năm 2009 đến nay vẫn chưa hoàn thành. Dự án chậm tiến độ, đội vốn. Hơn 600 hộ dân với hàng nghìn nhân khẩu lẽ ra đã phải di dời thì nay vẫn mắc kẹt ở lòng hồ. Những mối nguy cơ đối với vùng lòng hồ đã liên tục được Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan chức năng nhắc nhở, cảnh báo từ đầu năm 2020 đến nay khi công trình đã đắp đập, chặn dòng, đặc biệt là từ trung tuần tháng 8 vừa qua, khi có đợt lũ đầu tiên ở vùng lòng hồ. Dù liên tục bị nhắc nhở, phê bình nhưng việc giải phóng mặt bằng của tỉnh Đắk Lắk không có mấy cải thiện. Tắc trách, chủ quan, thờ ơ, thiếu trách nhiệm trước sự an nguy của dân là những gì đang diễn ra tại dự án nghìn tỷ này./.