Hành trang cho người cai nghiện tái hoà nhập cộng đồng
VOV.VN - Cùng với chăm sóc, điều trị, phục hồi sức khỏe, việc giáo dục, đào tạo nghề và định hướng việc làm cho người cai nghiện ma túy được tỉnh Sơn La đặc biệt quan tâm. Đây là hành trang quan trọng trong hành trình tái hoà nhập cộng đồng của những người lầm lỡ.
Quấn mô tơ, khâu bóng da, đan lưới, chăn nuôi, trồng trọt... là những công việc quen thuộc của các học viên ở Cơ sở điều trị nghiện ma tuý tỉnh Sơn La. Ngay sau thời gian điều trị cắt cơn giải độc, các học viên sẽ được tham gia học nghề và làm nghề phù hợp với năng lực, nhu cầu của bản thân.
Học viên V.Đ.C, đang điều trị tại Cơ sở điều trị nghiện ma tuý tỉnh Sơn La chia sẻ: "Tôi vào đây được cơ sở quan tâm và tạo công việc, hiện tại đang quấn mô tơ, tôi thấy quấn mô tơ phù hợp với sức khỏe của mình".
Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La hiện đang quản lý hơn 1.700 học viên. Ngay những ngày đầu vào điều trị cai nghiện, các học viên đã được tuyên truyền, tư vấn về công tác lao động trị liệu và định hướng nghề nghiệp, đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu của học viên cũng như thị trường lao động. Đồng thời, được tham gia các buổi tư vấn, giới thiệu việc làm tại các công ty tuyển dụng lao động trong nước do Cơ sở điều trị nghiện và Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Sơn La tổ chức.
Học viên L.V.M nói: "Em được các thầy cô tuyên truyền những công việc như lắp ráp linh kiện điện tử, công ty may, công ty chế biến hoa quả. Sau khi được giới thiệu, em muốn được đi làm công ty lắp ráp linh kiện điện tử. Em mong sau khi cai nghiện trở về có thể được đi làm để ổn định cuộc sống".
Mỗi năm, cơ sở điều trị nghiện ma tuý tỉnh Sơn La phối hợp với các trung tâm đào tạo tổ chức đào tạo nghề cho hơn 100 học viên trình độ sơ cấp. Sau các khóa học, học viên có thể áp dụng những kiến thức vào thực tế với các nghề như trồng trọt, chăn nuôi, phòng trị bệnh cho gia súc...
Ông Đoàn Văn Tứ, Giám đốc Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La cho biết, Cơ sở đã triển khai nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng học viên khó tìm kiếm việc làm sau khi tái hòa nhập cộng đồng: "Để học viên có việc làm sau cai nghiện, chúng tôi có cam kết với doanh nghiệp, đó là khi doanh nghiệp vào cơ sở để lao động trị liệu cho người nghiện thì phải cam kết tiếp nhận những người sau cai nghiện tự nguyện đi làm tại các doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với nhiều doanh nghiệp để học viên có đa ngành, đa nghề lựa chọn, tuyên truyền mạnh hơn về thị trường lao động và giới thiệu việc làm".
Để học viên có thêm hành trang về kiến thức, kỹ năng và cơ hội việc làm khi trở về, bà Nguyễn Thị Kim, Phó trưởng phòng Giáo dục, dạy nghề - Tư vấn hòa nhập cộng đồng, Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh Sơn La tâm tư: "Học viên ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ học vấn không đồng đều. Tôi mong muốn công tác đào tạo nghề ngay khi học viên còn đang ở tại cơ sở có thể mở rộng, đa dạng các ngành nghề. Mong muốn chính quyền địa phương tạo điều kiện cho các học viên sau khi trở về, giúp đỡ họ về vốn để họ phát triển nghề yêu thích cũng như được học".
Công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho những người nghiện sau cai dù đã được các cấp, các ngành quan tâm, tuy nhiên, rất cần sự chung tay của toàn xã hội, tạo điều kiện để người sau cai nghiện hoặc gia đình có người sau cai nghiện được vay vốn tạo sinh kế. Và quan trọng hơn cả là sự nỗ lực của người sau cai nghiện trong việc quyết tâm từ bỏ ma túy, làm lại cuộc đời.