Hội thảo “Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu”
Hội thảo nhằm cung cấp những thông tin chính của Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, bản chất của biến đổi khí hậu và những tác động của nó đến Việt Nam
Ngày 31/7, tại Quảng Nam, Khối Văn phòng Trung ương gồm Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, phối hợp Bộ Tài nguyên Môi trường tổ chức hội thảo: “Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu”.
Hội thảo nhằm cung cấp những thông tin chính của Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, bản chất của biến đổi khí hậu và những tác động của nó đến Việt Nam cũng như những nỗ lực của chúng ta trong ứng phó tới những cán bộ các Văn phòng Trung ương, cơ quan giúp việc cho lãnh đạo cấp cao của Đảng và Chính phủ, để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cao nhận thức cộng đồng.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết: Biến đổi khí hậu đã hiện hữu, là thách thức số 1 của nhân loại trong thế kỷ 21. Biến đổi khí hậu tác động đến mọi người, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, ảnh hưởng đến môi trường sống và phát triển kinh tế. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định: Đảng, Chính phủ Việt Nam đã và đang tích cực triển khai những hoạt động cụ thể như phê chuẩn công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu và Nghị định thư Kyoto; Phê chuẩn chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu và mới đây nhất, ngày 28/7 Thủ tướng đã thông qua các kịch bản biến đổi khí hậu ở Việt Nam, uỷ quyền cho Bộ Tài nguyên Môi trường thông báo cho các địa phương làm cơ sở xây dựng chưong trình hành động ứng phó.
Quang cảnh Hội thảo |
Ông Peter Hansen, Đại sứ Vương quốc Đạn Mạch nhấn mạnh: tại Việt Nam, khi biến đổi khí hậu xảy ra sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới 2 khu vực là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long - 2 vựa lúa lớn nhất của Việt Nam. Dự kiến nếu mực nước biển dâng cao hơn 1m, và điều này chắc chắn sẽ xảy ra vào cuối thế kỷ này thì 40.000 km2 đất của đồng bằng sông Cửu long sẽ bị nhấn chìm trong nước, ảnh hưởng đến 14 triệu dân tại khu vực này.
Ông Peter cũng ví 40.000 km2 bị nhấn chìm đó bằng đúng diện tích của vương quốc Đan mạch, để cho thấy Việt Nam bị ảnh hưởng và mất mát lớn như thế nào. Ông cũng không quên nhắc lại những tác động của biến đổi khí hậu lên tỉnh Quang Nam gây hậu quả nặng nề qua cơn bão Chanchu năm 2006 gây thiệt hại lớn về người và của. Chính vì vậy ông Peter đưa ra lời khuyên: Việt Nam cần phải đưa ra tiếng nói và ý kiến của mình một cách mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là tại hội nghị biến đổi khí hậu (Cop 15) được tổ chức tại Copenhagen (Đan Mạch) vào tháng 12 tới.
Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Phạm Khôi nguyên cho biết: “Ngày 28/7 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua kịch bản biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng do Bộ TN&MT xây dựng. Theo đó, trong vòng 100 năm tới, mực nước biển có thể dâng lên từ 0,75 đến 1,15m. Dựa trên kịch bản này, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ ngành dựa vào kịch bản này nghiên cứu và cụ thể hóa vào ngành của mình, làm thế nào để điều chỉnh chiến lược của các ngành. Trong kịch bản này, chúng tôi định hướng điều chỉnh tới năm 2050, vì diễn biến khí hậu đang diễn biến một cách không lường”.
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nhận định, Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong ứng phó với biến đổi khí hậu bởi biến đổi khí hậu đã thực sự hiện hữu và sẽ gây ra nhiều hậu quả khốc liệt hơn.
Về đoàn tham dự Hội nghị biến đổi khí hậu (Cop 15) tới, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cũng cho biết, đoàn Việt Nam sẽ có sự tham gia của lãnh đạo cấp cao, điều này thể hiện sự quyết tâm cũng như quan điểm của Việt Nam khẳng định các nước phát triển – đối tượng chính gây ra biến đổi khí hậu cần có trách nhiệm với các nước đang phát triển như Việt Nam – quốc gia chịu hậu quả của biến đổi khí hậu. Đồng thời thông qua các hợp tác quốc tế, chúng ta tìm tới những công nghệ sạch và phát triển theo hướng thân thiện môi trường
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cũng nhấn mạnh để đảm bảo ứng phó có hiệu quả và toàn diện với tác động của biến đổi khí hậu thì cần phải huy động sức mạnh tổng lực, vì biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề môi trường, của một ngành riêng lẻ mà nó là vấn đề của phát triển bền vững./.