Huyền thoại một con đường
VOV.VN - Đường Trường Sơn huyền thoại là bảo tàng cách mạng về cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nay đã hồi sinh và trở thành công trình trọng điểm.
Xe ta thêm một vòng quay
Đã có không biết bao nhiêu sách báo nói về con đường Hồ Chí Minh, nhưng với thời gian khác nhau, cách tìm hiểu và khai thác tài liệu khác nhau, có thể hình dung con đường lịch sử cũng khác nhau. Với những người khai sinh ra con đường 559 của 60 năm về trước, đứng đầu là tướng Võ Bẩm, thì trong tâm tưởng ông luôn luôn nghĩ về “con đường mòn” theo đúng nghĩa đen của nó - đó là một lối đi nhỏ len lỏi giữa lau lách và rừng rậm Trường Sơn, dùng để đưa người và hàng vào chi viện cho cuộc chiến đấu ở miền Nam với cột mốc số “0” ở Bến Tắt - nơi thượng nguồn con sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị.
Đakrông - một địa danh lịch sử nay đã mang bộ mặt ấm no. |
Còn những ai là lính của Binh đoàn 559, hoặc từng đi qua đường Trường Sơn trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì lại nghĩ đó là một hệ thống đường chiến lược dọc ngang trên dải Trường Sơn hùng vĩ - một mạng lưới đường mỗi ngày một rộng ra, dài thêm với cột mốc số “0” ở huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An.
Với tôi, sự cảm nhận và hiểu rõ về con đường này bắt đầu từ Tháng 5 năm 1970 - khi chiếc xe tải có mui bằng vải bạt chở đoàn cán bộ dân chính từ trạm điều dưỡng cán bộ “B” K15 ở thị xã Hà Đông (nay là quận Hà Đông, TP. Hà Nội) vào tận Làng Ho, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Từ đây chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình đi bộ dọc theo con đường mòn.
Tôi không nhớ rõ mình đã vượt qua bao rừng rậm, bao đèo dốc, suối khe và núi non hiểm trở mới đến được Khu ủy Trị - Thiên, đặc biệt là phải vượt dốc “Cao bồi” có độ cao hàng nghìn mét so với mặt biển. Tôi không hiểu vì sao người ta gọi là dốc “Cao bồi”, nhưng có lẽ vì dốc quá cao, rừng núi thâm u, quanh năm mây mù bao phủ làm cho con đường lúc nào cũng nhão nhoét lầy lội, nếu đi bộ mà không có xà cạp thì dép cao su sẽ lật ngược lên mu bàn chân, nên người ta gọi nó là “Cao bồi” theo nghĩa bóng. Tôi vào lại chiến trường sau khi Mỹ thất bại nặng nề trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào.
Vì vậy mà những đợt B52 rải thảm, bom tọa độ, rồi đèn dù, pháo sáng từ máy bay C130 cũng gia tăng. Nhưng vượt qua tất cả, những đoàn xe tải chở hàng kín mít lá ngụy trang, chỉ lộ ra dòng chữ: “Xe ta thêm một vòng quay, miền Nam bớt được một ngày đau thương”, mà các chiến sĩ lái xe đã viết lên thành xe của mình vẫn len lỏi lăn bánh trên con đường mòn huyền thoại. Đêm mắc võng nghỉ lại trên đỉnh đồi 1001, xuyên qua tán lá rừng, tôi ngắm nhìn vầng trăng hạ tuần màu sữa như một tấm khăn voan bao la chầm chậm thả xuống thung lũng vừa trải qua những trận oanh kích vu vơ của không lực Huê Kỳ còn hắc mùi khói bom.
Vào chiến trường, tôi được phân công về Báo “Cứu Nước”, cơ quan của Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Quảng Trị, đóng tại nam Hướng Hóa - nơi có con sông Tà Rụt hiền hòa thơ mộng, nhưng rất nhiều tôm, cá. Đây cũng là địa điểm để anh em trong các Ban của Tỉnh ủy gặp nhau mỗi khi đi tăng gia tự túc về vừa tắm giặt, câu cá, vừa nắm tình hình chiến sự ở đồng bằng. Bởi sau Chiến dịch Mậu Thân 1968, địch tăng cường đàn áp cơ sở cách mạng, tăng cường càn quét, bắn phá nên những chuyến “rời cứ” về đồng bằng gặp rất nhiều khó khăn.
Còn ở Trường Sơn lúc này đông người hơn, rạo rực hơn trong khí thế “chỉnh quân, chỉnh cán”, đặc biệt là trên các tuyến đường mòn, những đoàn người vẫn hối hả hành quân, những đoàn xe chở lương thực, vũ khí vẫn rì rầm lăn bánh theo các hướng chuẩn bị cho chiến dịch mới. Và đúng ngày 1/5/1972, tỉnh Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng, chúng tôi được lệnh chuyển về đồng bằng từ đấy.
Đại lộ hôm nay - con đường Việt Nam vĩnh cửu
Đã bao năm hút bóng thời gian, sự lãng mạn chìm khuất trong những nhọc nhằn lo toan cuộc sống. Thế rồi trong những ngày đầu năm 2019 - khi Nhà nước chủ trương tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh quyết thắng (19/5/1959 - 19/5/2019), tôi mới có dịp trở lại với con đường. Theo vòng tay lái điêu luyện của “lính xế” đường dây tải điện, chiếc LANDCRUISE đưa chúng tôi đi dọc đại lộ Trường Sơn từ Bến Tắt lên Đakrông vào Húc Nghì, Tà Long, Tà Rụt, đến A Lưới, Kon Tum…
Đường Trường Sơn - con đường Hồ Chí Minh huyền thoại là bảo tàng cách mạng về cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nay đã hồi sinh và bừng sáng - trở thành công trình trọng điểm của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Ký ức về con đường trở lại trong tôi xao động, một ký ức vang vọng âm hưởng hào hùng một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Con đường mòn len lỏi dưới những tán rừng năm xưa giờ đã được thảm nhựa phẳng lỳ, hút tắp thênh thang, rừng hai bên đường vừa xanh trở lại sau những cơn mưa đầu mùa, dòng Đakrông rộn ràng tiếng nước ào qua bờ đá, tung bọt trắng reo vui…Đang lướt nhanh trên con đường êm thuận và trong tầm nhìn sâu thẳm, anh Phạm Cầu - một “lính xế” đã nhiều năm gắn bó với tuyến đường để tham gia chương trình đưa điện về vùng sâu vùng xa, đã thốt lên: “Muốn miền núi phát triển phải bắt đầu từ những con đường”. Vâng, phải bắt đầu từ những con đường. Ngần ấy thời gian với những thế hệ mới sinh ra, lớn lên và trưởng thành, họ đã góp sức làm nên đại lộ Trường Sơn vươn rộng dài qua núi cao rừng rậm, vượt Chư Yang Pa, Chư Yang Sinh, nối tận Đắk Mil, Lang Biang đến Đồng Xoài…
Kon Nhôn, người lính của Quân khu Trị Thiên, hơn 15 năm gùi gạo, cõng đạn trên những nẻo đường 559, nay là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tà Rụt, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, ngồi cùng tôi trong ngôi nhà khá đặc biệt của anh trông ra cơn mưa rừng mù chiều miền Tây.
Đã có một thời làm lính, sống cuộc đời lính, ngày hòa bình trở về buôn làng, nương rẫy, Kon Nhôn không ở cùng căn nhà dài truyền kiếp của người Pa Kô - dân tộc mình, cũng không làm nhà sàn, mà anh cất ngôi nhà trệt như đồng bào miền xuôi bên đại lộ Trường Sơn, thoạt trông cứ ngỡ là nhà của một hộ mới di dời vào định cư. Mái tóc quăn tít, đôi mắt hoang dã và tinh anh, giọng nói trầm trầm, âm u của anh nửa như trần tình, nửa như thủ thỉ: “Ngày tôi từ bộ đội mới về, đất Tà Rụt này hoang vắng lắm, cực nhọc lắm.
Được như hôm nay là ưng cái bụng lắm rồi. Từ ngày có con đường, muốn bán buồng chuối, trái thơm, hay con gà, con vịt chỉ cần đón xe ra Đakrông hoặc vào A Lưới cũng rất tiện… Nhờ con đường mà bà con đã tiếp cận được với nền văn minh, biết ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật nên cây cà phê, cây hồ tiêu có thêm nhiều quả, củ sắn, hạt ngô cũng to hơn và mua bán, đổi chác cũng dễ hơn, cuộc sống của bà con vì vậy cũng được cải thiện nhiều hơn”.
Sau 19 năm xây dựng lại và đưa vào khai thác, đường Trường Sơn - đại lộ Hồ Chí Minh đã thực sự phát huy tác dụng, góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của vùng sâu vùng xa, đánh thức tiềm năng và phát huy nội lực, phân bố lao động, tạo tiền đề phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng, từng bước hội nhập khu vực và quốc tế.
Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh là trục dọc thứ hai đảm bảo vận tải Bắc - Nam liên tục, tiến đến hòa mạng với hệ thống đường xuyên Á. Để thực hiện xa lộ Trường Sơn công nghiệp hóa, Chính phủ đã có chính sách huy động nguồn vốn, nguồn nhân lực, trí tuệ, khoa học - kỹ thuật và sức mạnh tổng hợp của cả nước, làm cho đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại trở thành con đường nối quá khứ vào tương lai, là biểu tượng của những giá trị lịch sử - văn hóa bất diệt và trường tồn của dân tộc.
60 năm, rồi 90 năm, 120 năm và xa hơn thế nữa, tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của người dân Việt Nam đã xây đắp nên con đường Việt Nam không khuất phục trước bạo lực, cường quyền. Và tôi tin, hôm qua đã như thế, hôm nay và ngày mai vẫn như thế, người dân Việt Nam ta nhất quyết đi trọn con đường mà tiền nhân đã đặt những bước khởi đầu sáng tạo./.