Khổ vì bác sĩ “quay lưng” với bệnh viện công
VOV.VN - Công việc vất vả, lương thấp, môi trường làm việc áp lực khiến một số bác sĩ gắn bó nhiều năm với bệnh viện công bỏ ra làm việc tại một phòng khám, bệnh viện tư.
Để khắc phục tình trạng trên, Bình Dương đã thực hiện một số giải pháp, trong đó có việc thường xuyên tổ chức thi xét tuyển bác sĩ, cử người đi học nâng cao trình độ chuyên môn từ y sĩ lên bác sĩ... nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện.
Bệnh viện công "than trời" vì thiếu bác sĩ
Ngày nào cũng vậy, gần quá giờ trưa nhưng tại Trung tâm Y tế thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương vẫn còn rất nhiều bệnh nhân chờ đợi đến lượt khám của mình. Bệnh nhân thăm khám đông tạo sức ép về việc khám chữa bệnh, bởi ở đây chỉ có 23 bác sĩ, trong khi lại có những người phải đi học, nghỉ phép khiến lực lượng bác sĩ đã thiếu lại càng thêm thiếu. Để phục vụ khám chữa bệnh mỗi ngày cho hơn 500 bệnh nhân tại phòng khám và điều trị nội trú, trung tâm đang cần thêm nhiều bác sĩ, nhất là bác sĩ chuyên khoa Sản và Chuẩn đoán hình ảnh.
Bác sĩ Đỗ Việt Hùng- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Dĩ An cho biết, Dĩ An là địa bàn đông dân nhất tỉnh Bình Dương nên trung tâm cũng gánh áp lực lớn trong chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho nhân dân. Bệnh nhân đông nhưng mỗi bác sĩ chỉ được khám một ngày không quá 65 người theo quy định của Bảo hiểm xã hội.
“Bệnh nhân đông hơn phải bố trí thêm phòng khám và phải có thêm bác sĩ. Bác sĩ vừa trực đêm nhưng vẫn phải mời vào làm việc nên không có thời gian nghỉ ngơi. Điều này cũng đã vi phạm chế độ công tác. Về quy định của Bảo hiểm xã hội là quy định chung phải thực hiện nhưng làm sai sẽ bị xuất toán, nên bác sĩ luôn trong tâm lí lo sợ, cảnh báo”, Bác sĩ Đỗ Việt Hùng nói.
Với 29 bác sĩ nhưng mỗi ngày khám cho hơn 600 bệnh nhân, cán bộ, bác sĩ tại Trung tâm y tế thị xã Tân Uyên gặp nhiều áp lực vì thiếu hụt nhân lực. Dù đã mở ra nhiều cơ hội làm việc, tăng thu nhập, cũng như tạo điều kiện nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, thế nhưng, những năm gần đây, việc thu hút bác sĩ có chuyên môn về với Trung tâm vẫn là bài toán chưa có lời giải. Mặt khác, trung tâm còn đối mặt với việc nhiều bác sĩ xin nghỉ việc.
Bác sĩ Nguyễn Văn Chay- Phó giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên, thẳng thắn chia sẻ: “2 năm nay trung tâm chưa tuyển được bác sĩ nào, chủ yếu lấy lực lượng nội tại đi học và chờ về phục vụ. Đi học về, khó khăn quá họ xin nghỉ, chấp nhận bỏ tiền ra đền bù. Cách đây 2 năm có 2 trường hợp, hiện có 1 bác sĩ đang học chuyên khoa 1 chưa phục vụ được ngày nào cũng xin nghỉ, đây là thực tế của Trung tâm Y tế thị xã Tân Uyên”.
Cũng như các bệnh viện tuyến huyện, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cũng có hoàn cảnh tương tự, khó khăn rất nhiều về nguồn nhân lực, nhất là thiếu hụt đội ngũ bác sĩ chuyên khoa, chuyên khoa sâu. Điều này dẫn đến tình trạng bệnh nhân phải về TPHCM, Đồng Nai…điều trị làm mất thời gian và tốn kém chi phí cho bệnh nhân và người thân.
Đâu là hướng giải quyết?
Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu nguồn nhân lực trong ngành y thời gian qua là do tốc độ tăng dân số cơ học cao. Cụ thể, năm 2010, Bình Dương có hơn 1,6 triệu dân thì đến năm 2019 có gần 2,5 triệu dân.
Trước áp lực dân số tăng nhanh, ngành y tế Bình Dương cũng đã nỗ lực đào tạo, thu hút đội ngũ bác sĩ về với địa phương, từ 900 bác sĩ năm 2015, hiện địa phương này có gần 1.900 bác sĩ. Số lượng bác sĩ tăng gấp đôi nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh về tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt trên 7,5 bác sĩ.
Một lý do khác là từ năm 2016 đến nay hệ thống bệnh viện, phòng khám tư “nở rộ” dẫn tới việc mỗi năm có hàng chục bác sĩ rời bệnh viên công tìm chỗ làm mới. Bác sĩ Trần Tấn Huy Cường, hiện đang công tác tại Trung tâm Y tế thành phố Thuận An cho rằng, bên cạnh lí do chủ quan là tiền lương ở bệnh viện công lập thấp hơn nhiều so với bệnh viện tư; môi trường làm việc cũng áp lực hơn nhiều. Bên cạnh đó, ở bệnh viện tư những kiến thức y, bác sĩ được học có “đất dụng võ” với nhiều thiết bị máy móc hiện đại:
“Hiện nay hệ thống bệnh viện tư phát triển rất nhiều, hệ thống bệnh viện công ít đầu tư. Ít đầu tư còn tự thu, tự chi nhưng không có văn bản hướng dẫn một cách rõ nhiều khi bệnh viện công muốn bứt phá cũng bị ràng buộc về văn bản, pháp lí nên cũng không biết đi theo hướng nào để phát triển”, bác sĩ Trần Tấn Huy Cường nói.
Việc thiếu đội ngũ y bác sĩ sẽ ảnh hưởng nhiều đến công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Tháo gỡ khó khăn này, qua các đề xuất, kiến nghị tháng 7/2019, HĐND tỉnh Bình Dương đã ban hành Nghị quyết số 05/2019 về việc Quy định chính sách thu hút, chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương.
Riêng chế độ thu hút nguồn nhân lực công tác trong ngành y tế là cao nhất, lên tới 600 triệu đồng. Cũng theo Nghị quyết 05, y, bác sĩ đang công tác tại bệnh viện công được tạo điều kiện hỗ trợ đi học chuyên sâu, nâng mức thu nhập.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương- Giám đốc Sở Y tế Bình Dương khẳng định, Sở Y tế sẽ tạo mọi điều kiện, hỗ trợ hết mình để bệnh viện công tuyển dụng, xem xét đề nghị chế độ đãi ngộ cho bác sĩ. Song song đó là tăng cường liên kết đào tạo với các trường đại học có y tín trong cả nước, như: trường Đại học Y Dược TPHCM, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Đại học Y Cần Thơ, Đại học Y Dược Huế và Đại học Y Hà Nội.
“Bây giờ đã có chế độ cử đi đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng; tiếp tục thu hút nhiều y bác sĩ về. Dự đoán, về số lượng khoảng 2-3 năm nữa có đủ bác sĩ đáp ứng cho nhu cầu khám chữa bệnh, kể cả khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh (đang xây) đi vào hoạt động. Ngành Y tế Bình Dương tính toán rằng sẽ không thiếu trầm trọng bác sĩ như hiện nay”, ông Chương cho hay.
Trước thực trạng nhiều bác sĩ bỏ công sang tư, để những người ở lại an tâm cống hiến hết mình cho công việc, trước khi những chính sách căn cơ, lâu dài được thực hiện thì việc đầu tiên các bệnh viện công lập phải tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế; tạo môi trường làm việc phù hợp để bác sĩ phát huy tối đa chuyên môn được đào tạo; đảm bảo chế độ, chính sách, tăng thu nhập cho cán bộ y, bác sĩ./.