Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng dồn sức phòng, chống cháy rừng
VOV.VN - Trước dự báo tình hình khô hạn sẽ diễn ra gay gắt trong những tháng tới, Khu bảo tồn nhiên Lung Ngọc Hoàng ở tỉnh Hậu Giang đã chủ động triển khai nhiều biện pháp để phòng, chống cháy rừng.
Khu Bảo tồn Thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng thuộc huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang có tổng diện tích hơn 2.800ha, là nơi bảo tồn sinh cảnh tự nhiên, đa dạng sinh học, nơi cư trú của các loài sinh vật bản địa của hệ sinh thái đất ngập nước chuyển tiếp giữa phía tây sông Hậu và bán đảo Cà Mau. Hiện, nơi đây có hơn 330 loài thực vật với 224 chi, 92 họ, 206 loài động vật sinh sống, trong đó có nhiều loài động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới như rái cá lông mũi, rùa nắp, rắn hổ mang...

Từ đầu mùa khô đến nay, bên cạnh việc tăng cường công tác tuần tra, giám sát, Lãnh đạo Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng đã cho gia cố gần 40 cống đập để giữ nước khi thủy triều lên xuống; vệ sinh cắt dây leo rừng được gần 30ha; dọn đường tuần tra gần 52 km và dọn hơn 70ha kênh mương phòng cháy, chữa cháy rừng; đặt các biển báo “Cấm vào rừng”, “Toàn dân bảo vệ rừng”, “Cấm lửa”, “Cấp dự báo cháy rừng”… ở các điểm dân cư, đường giao thông tại ngã ba, ngã tư có đông người thường xuyên qua lại và các vùng trọng điểm thường xảy ra cháy rừng, đồng thời tăng cường tuyên truyền giải thích để người dân trong khu vực hiểu rõ về tác hại của việc cháy rừng.

Ông Lư Xuân Hội - Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng cho biết, với phương châm “Phòng là chính, chữa cháy kịp thời”, Khu bảo tồn đã lắp đặt 5 máy camera trên các tháp canh để quan sát toàn bộ các khu rừng, bố trí sẵn sàng 14 võ lãi, 8 máy chữa cháy chuyên dùng, 2 máy bơm tràn, 3 trạm bơm, thuyền bơm; trang bị 17 máy bộ đàm cho cán bộ, nhân viên. Ngoài lực lượng cán bộ, viên chức của Khu bảo tồn gần 40 người, còn có lực lượng quần chúng hơn 300 người sẵn sàng tham gia bảo vệ rừng khi có sự cố xảy ra.
“Nhờ thủy triều còn nên nước dưới chân rừng còn. Trong thời điểm hiện nay, chúng tôi đã triển khai dọn kênh, mương, dọn đường tuần tra, rồi thực hiện công tác tuyên truyền ra dân, mua sắm, sửa chữa trang thiết bị, vận hành máy móc, tất cả đã chuẩn bị sẵn sàng. Dự báo đến tháng 3 khi nước dựt khô cánh rừng thì chúng tôi sẽ vào cao điểm ứng trực suốt”, ông Lư Xuân Hội cho hay.