Ký ức của những người bạn Nga với Điện Biên Phủ trên không
(VOV) - 40 năm đã qua, nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng trên tuyến đầu đánh Mỹ đó vẫn vẹn nguyên trong lòng họ.
Chiến thắng lịch sử của trận “Điện Biên phủ trên không” là một chiến công hiển hách không chỉ của quân và dân Việt Nam, mà đó còn là của nhân loại tiến bộ. Kiên cường trong cuộc đấu tranh chính nghĩa này, Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ to lớn, chí tình và đầy hiệu quả của nhiều bạn bè quốc tế. Trong số đó phải kể đến những người bạn Liên Xô và Nga.
“Rồng lửa” SAM trong chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” (Ảnh tư liệu TTXVN) |
Hồi ức về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trên không của Việt Nam trong tâm thức nhiều cựu chiến binh Nga từng có mặt tại Việt Nam cách đây tròn 40 năm vẫn vẹn nguyên và lại có dịp sống dậy trong những ngày tháng này.
Những ngày này, khi không khí kỷ niệm tròn 40 năm chiến thắng trận “Điện Biên phủ trên không” đang tràn ngập ở Việt Nam thì ký ức về “những năm tháng không thể nào quên” ấy cũng trỗi dậy trong lòng nhiều cựu chiến binh Nga - Những con người từng tham gia với vai trò cố vấn quân sự trong lực lượng phòng không, không quân của Việt Nam thời đó.
Mosow lúc này đã bắt vào mùa Đông với những bông tuyết trắng và cái giá lạnh tê lòng. Thế nhưng trong căn hộ ấm áp ở tầng 8 một tòa nhà chung cư ngay giữa trung tâm thành phố, nơi ở của gia đình một vị tướng Nga lại dường như “nóng lên” bởi câu chuyện giữa những người cựu binh về những trận đánh, những hình ảnh thật khốc liệt nhưng cũng rất hào hùng của quân và dân Thủ đô, của người Việt Nam thời ấy.
Chủ nhà là Thượng tướng Anatoli Khiupenhen, người giữ cương vị Trưởng đoàn cố vấn quân sự Liên Xô tại Việt Nam sau cùng và trong thời gian lâu nhất (từ tháng 12/1972 - 1/1975). Trước ông lần lượt là 5 vị tướng đã đảm nhiệm cương vị này từ năm 1965, khi không quân Mỹ bắt đầu tăng cường ném bom xuống miền Bắc Việt Nam.
Cùng có mặt trong cuộc hội ngộ ấm áp này là Trung tướng Victor Philipov, khi có mặt tại Việt Nam năm 1972 là Thiếu tá, Cố vấn Trung đoàn trưởng Trung đoàn 263, Sư đoàn 4 - Quân khu 4 và vị bác sỹ quân y Victor Marnhitrenko, người đã từng có mặt ở Việt Nam từ tháng 6/1972 - 7/1973 với nhiệm vụ hỗ trợ về công tác y tế. Ông đã có mặt ở thành phố Vinh, rồi Hải Phòng và Hà Nội vào đúng những ngày bom đạn ác liệt nhất.
Phóng viên VOV và các cựu chiến binh Nga cùng hồi tưởng về những năm tháng hào hùng của trận "Điện Biên Phủ trên không" (Ảnh: Đoan Hải) |
“Rất đúng khi gọi sự kiện tháng 12/1972 là trận “Điện Biên Phủ trên không” của Việt Nam. Trận Điện Biên Phủ của Việt Nam cũng giống như trận Stalingrad của Liên Xô, của nước Nga. Điện Biên Phủ của Việt Nam đã kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đã buộc Đế quốc Mỹ phải rút hết về nước. Khi đó, cuộc đàm phán giữa Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Paris về cuộc chiến tranh Việt Nam đang hết sức căng thẳng. Phía Mỹ đã đưa ra những điều kiện mà Việt Nam không thể chấp nhận… Và thế là những trận bom dội xuống Hà Nội đã diễn ra với mưu đồ hủy diệt một đất nước, bắt một dân tộc phải khuất phục. Nhưng điều đó đã không thể đạt được. Với truyền thống lịch sử, dân tộc Việt Nam đã chiến thắng mọi kẻ thù” - Thượng tướng Khiupenhen cho biết.
Với ông Philippov, một chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực phòng không và đã cùng các sỹ quan, chiến sỹ Việt Nam chiến đấu ở quân khu 4 thời kỳ 12 ngày đêm năm 1972, hình ảnh về những người lính Cụ Hồ, những người dân lành Việt Nam khiến ông hết sức ấn tượng và cảm phục. Ông luôn nhắc đi nhắc lại câu “cảm ơn nhân dân Việt Nam” bởi với ông, chính thời gian có mặt ở Việt Nam đã cho ông nhiều trải nghiệm bổ ích.
“Vào thời điểm khi tôi sang Việt Nam, các đồng chí, chiến sỹ Việt Nam đã nắm khá tốt các kỹ thuật quân sự. Trước một cuộc tấn công bằng đường hàng không, các sỹ quan lẫn chiến sỹ Việt Nam đều đã trong tư thế sẵn sàng rất cao để giáng trả… Có một điều phải khẳng định là chúng tôi đã rút ra được những kinh nghiệm về việc sử dụng các loại vũ khí để chống lại các phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ. Chính vì điều này, chúng tôi cũng phải nói “cảm ơn các bạn Việt Nam” - ông Philippov nhớ lại .
Ký ức về những ngày tháng chiến đấu anh dũng của quân và dân Việt Nam dưới bầu trời Hà Nội cũng in đậm trong tâm trí bác sỹ quân y Victor Marnhitrenko. Ông kể :“Tôi vẫn nhớ rất rõ mọi việc. Ấn tượng sâu đậm của tôi về Việt Nam sẽ còn theo tôi đến hết cuộc đời. Đó là những hồi còi và hiệu lệnh báo động, rồi máy bay Mỹ liên tục giội bom... Sau này khi có điều kiện chúng tôi vẫn đến với những cuộc gặp mặt các bạn Việt Nam. Tôi vẫn thường kể cho các đồng chí của mình về những ký ức của cuộc chiến tranh mà tôi đã có dịp kinh qua. Nhân dân Việt Nam rất ngoan cường, họ đã chịu đựng không biết bao nhiêu gian lao, vất vả. Tôi tin rằng, thế hệ trẻ Việt Nam sau này lớn lên đều sẽ hiểu hết những điều đó”./.