Làm cán bộ phải biết xấu hổ
Những ngày gần đây dư luận và báo chí bàn nhiều đến tình trạng cán bộ thôn, xã xà xẻo tiền Chính phủ hỗ trợ người nghèo ăn Tết
Điều khó tin lại diễn ra và lặp lại ở nhiều nơi, là cán bộ thôn, xã không còn long tự trọng, không biết xấu hổ khi rắp tâm ăn chặn, bớt xén tiền Chính phủ hỗ trợ người nghèo…
Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước chưa qua giai đoạn lạm phát, lại đang dồn sức chống chọi với tình trạng suy giảm kinh tế, Chính phủ quyết định trích từ quỹ dự phòng Quốc gia 3.800 tỷ đồng để hỗ trợ mỗi người thuộc hộ nghèo 200 ngàn đồng ăn Tết, là một việc làm thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Mục đích của quyết định này là mang Tết đến với mọi nhà, để mọi người dân, mọi gia đình, dù nghèo khó đến mấy đều có Tết, để khắp thôn cùng ngõ vắng đâu đâu cũng có Tết. Khi ban hành quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị các địa phương phải nhanh chóng lập danh sách và chi tiền tận tay người nghèo, hộ nghèo; không để trường hợp nào vào ngày Tết vẫn chưa được nhận tiền.
Cùng với việc hỗ trợ của Chính phủ, rất nhiều tổ chức, cá nhân, bằng nhiều hình thức đã tự nguyện chăm lo Tết cho người nghèo, gia đình chính sách trên tinh thần uống nước nhớ nguồn, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều… Và trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế đất nước, về cơ bản, Tết Kỷ Sửu vẫn là cái Tết vui tươi, đầm ấm, thể hiện rõ sự lo toan của Nhà nước và cộng đồng đối với từng con người, gia đình.
Các tin liên quan >>Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm vụ ăn bớt tiền Tết của dân |
Chuyện Chính phủ hỗ trợ người nghèo ăn Tết là chính sách lớn, công khai, minh bạch, cả nước đều biết, nhưng vẫn bị một số cán bộ lợi dụng xà xẻo, ăn chặn, là điều tệ hại hơn cả chuyện tham ô thông thường. Số cán bộ trực tiếp liên quan phải bị xử lý, không chỉ về mặt hành chính bình thường. Những cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh quan liêu, để cán bộ cơ sở tự tung tự tác, làm sai lệch mục tiêu của chính sách lớn, không thể không xem xét trách nhiệm.
Lâu nay, cán bộ cơ sở, thay bằng việc trăn trở, suy nghĩ làm sao cho địa phương mình hết nghèo họ lại tìm cách “chạy” để địa phương mình được có tên trong danh sách là xã nghèo, huyện nghèo, để được hưởng đầu tư đặc biệt của Nhà nước. Đó là thứ cán bộ thụ động, thiếu năng lực. Làm cán bộ dù to hay nhỏ, phải biết tự trọng và biết xấu hổ. Để dân nghèo đói phải biết xấu hổ. Để địa phương mình bị liệt vào xã nghèo, huỵện nghèo phải biết xấu hổ. Ngày Tết cổ truyền dân tộc mà ở địa phương mình còn gia đình chưa lo được Tết thì phải biết xấu hổ. Lẽ ra dân thiếu đói, cán bộ phải tìm cách giúp dân, thậm chí tự mình nhường cơm xẻ áo cho dân, nhưng ngược lại, họ tìm cách ăn cả đồng tiền khốn khó của dân.
Hồ Chủ tịch vẫn dạy, cán bộ là đầy tớ, là công bộc của dân, phải biết lo trước nỗi lo của dân, hưởng sau niềm vui của dân. Những cán bộ ăn chặn tiền của dân đã đánh mất lòng tự trọng, không còn biết xấu hổ, thì không còn là người bình thường nữa, huống hồ là công bộc của dân./.