Lãng phí một dòng sông

Sông Phổ Lợi bắt nguồn từ một nhánh của sông Hương, gắn liền với cuộc sống của hàng ngàn hộ dân định cư hai bên bờ và một số hộ vạn đò của huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế

Vào đầu thế kỷ 18, nhà Nguyễn cho đào sông Phổ Lợi, vùng đất nằm bên sông Hương thuộc 2 huyện Hương Trà, Phú Vang đã trở thành ngã ba giao thương. Khi ấy, dòng sông Phổ Lợi là tuyến giao thông đường thủy tấp nập nối vùng lúa với vùng duyên hải. Các xã trồng cây lương thực và cây ăn trái huyện Phú Vang với vị trí ngã ba sông đã hưởng lợi rất nhiều từ dòng sông. Vào năm 1977, trước yêu cầu cung cấp nước sinh hoạt cho huyện Phú Vang, trong khi hoạt động giao thương trở nên đình trệ, sông Phổ Lợi đã được đắp ngang tại điểm giáp với sông Hương, thuộc xã Phú Mậu.

Cảnh phồn thịnh, tấp nập giao thương "trên bến dưới thuyền" ngày trước được thay bằng cảnh đìu hiu hoang vắng suốt tuyến sông dài 4-7km. Xã Phú Dương bỗng mất đi hoạt động kinh tế sông nước nhộn nhịp ngày nào. Nhiều người cho rằng,"cái chết" của sông Phổ Lợi đã là nguyên nhân làm cho các xã ven sông phát triển chậm đi.

Sông Phổ Lợi và nhành Phú Khê giống nhau như 2 anh em ruột dù ra đời cách nhau gần 2 thế kỷ. Cả 2 cùng nối sông Hương với sông Phổ Lợi, giúp cho việc giao thương bằng đường thủy giữa thành phố Huế và vùng phụ cận ngắn đi rất nhiều. Khi mới ra đời, cả 2 dòng sông có chiều rộng ngang nhau, khoảng 30- 40 mét. Ngày nay sông Phổ Lợi rộng khoảng 40 mét, còn sông Phú Khê (do sạt lở và bồi lấp) - rộng khoảng 10 mét.

Khi chưa bị đắp đập ngang, tàu thuyền có thể lưu thông trên sông Phổ Lợi. Các chủ ghe (tải trọng thường không lớn lắm) từ thành phố Huế về chợ Nọ (Phú Dương) thích đi qua sông Phổ Lợi nhờ rút ngắn được hành trình.

 Vẫn lấy nước từ con sông ô nhiễm

Hiện nay, sông Phổ Lợi đang bị ô nhiễm nặng. Dòng sông như bị “mắc nghẹn” bởi hệ thống rác, bèo dày đặc. Hầu hết những hộ dân sống hai bên bờ sông đều lấy dòng sông này làm nơi… vứt rác. Bên cạnh đó, nhiều trận lũ mang đất cát từ thượng nguồn đổ về cũng khiến dòng sông bị bồi lắng, tắc nghẽn. Ngoài ra, dòng sông còn gánh chịu một hệ thống rác thải, nước bẩn lớn từ chợ Nọ đổ xuống.

Trên đoạn đường Nguyễn Sinh Cung nối dài, nhiều người dân vẫn vô tư sinh hoạt từ dòng nước đen ngòm, bốc mùi khó chịu. Chị Thoan, một hộ dân định cư lâu năm ở đây, cho biết: “Thấy mọi người ở đây dùng thì mình cũng dùng thôi. Nước uống thì đã có nước máy rồi. Dân ở đây tranh thủ “tiết kiệm” nên dùng nguồn nước này giặt giũ, nấu bánh, bán bún cháo...”

Nhiều người tự hỏi, nếu bây giờ khai thông sông Phổ Lợi thì sẽ được gì và gặp khó khăn gì? Nhiều chuyên gia cho rằng, khi khai thông, một số khu vực trong vùng có thể bị nước mặn xâm nhập kéo dài khoảng 2 tháng vào mùa khô. Tuy nhiên, vấn đề này có thể giải quyết bằng các đập nhỏ cục bộ ven sông. Bù lại, nước biển vào có thể giúp phát triển nuôi trồng thủy sản. Giao thông đi lại sẽ thuận tiện hơn. Bên cạnh đó khi khai thông, dòng sông này sẽ thoát nước, chống ngập lụt cho thành phố Huế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên