Mở ngành đào tạo mới cần gắn với đặc thù và thế mạnh đào tạo
VOV.VN - Những năm gần đây, các cơ sở giáo dục đại học liên tục mở các ngành, chương trình học mới với chiến lược trở thành trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, hoặc phát triển quy mô để chuyển từ “trường đại học” thành “đại học” với các khoa, trường thành viên giống như Đại học Bách khoa Hà Nội.
Theo các chuyên gia, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực là xu thế tất yếu của các trường đại học, nhưng cần hết sức cẩn trọng, có lộ trình thực hiện và đặc biệt phải lựa chọn những ngành nghề, lĩnh vực thật sự phù hợp với đặc thù và thế mạnh đào tạo hiện có.
Để chuẩn bị cho việc mở ngành Khoa học máy tính (chương trình đào tạo Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh), Trường Đại học Ngoại thương đã tổ chức nhiều hội thảo để lấy ý kiến giáo viên, người học, chuyên gia và cả đơn vị sử dụng lao động trong lĩnh vực này. Chia sẻ về lý do mở ngành học mới này, Phó Giáo sư Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, xuất phát từ chính nhu cầu của các trường đại học, từ quan điểm xã hội đã thay đổi theo thời gian.
"Xu hướng giáo dục trên thế giới ở đây thì có lẽ là chúng ta sẽ nhìn thấy rất rõ đối với các trường đại học trong top hàng đầu của thế giới cũng đã có sự liên ngành giữa kinh tế, kinh doanh và công nghệ rất mạnh mẽ. Đến nay, tại các trường đại học hàng đầu thế giới, họ cũng phát triển các ngành khoa học công nghệ ở trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh. Trong thời gian vừa rồi chúng tôi đã kết nối với rất nhiều trường thì chúng tôi nhận thấy rằng xu hướng đó ngày càng rõ nét trong giáo dục đại học"- PGS Phạm Thu Hương nói.
Khái niệm các trường khối kinh tế chỉ đào tạo các ngành học về kinh tế hay các trường khối kỹ thuật chỉ đào tạo liên quan đế kỹ thuật đã bị phai nhòa ranh giới trong vài năm trở lại đây. Mỗi mùa tuyển sinh, các trường đại học lại thông báo sẽ tuyển sinh nhiều ngành học mới được cho là “lấn sân” sang các lĩnh vực gần như không liên quan đến đặc thù mà trường đang đào tạo. Tuy nhiên, hầu hết các ngành học mới của các trường đều thuộc nhóm ngành hot, ngành được nhiều người ưa chuộng, hoặc có nhu cầu nhân lực cao. Theo bà Hồ Thu Lê, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ TomoChanin, các ngành học thuộc lĩnh vực công nghệ đang có nhu cầu nhân lực cao. Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ, lĩnh vực kinh tế và công nghệ ngày càng có sự giao thoa mạnh mẽ.
"Nếu chúng ta nhìn kỹ hơn ở góc độ là xu thế phát triển của thế giới cũng như nhu cầu thực tế của xã hội và thị trường hiện tại thì thực ra công nghệ và kinh tế đã đi song song với nhau từ rất lâu rồi và thực sự là nó có sự giao thoa mạnh mẽ. Khi mà mình đưa ra chương trình đào tạo thì tôi nghĩ là mình phải vẽ ra được câu chuyện rất là thực tế ở chỗ đâu là thế mạnh mà chúng tôi hoàn toàn có thể cạnh tranh với các đơn vị đang đào tạo về Khoa học máy tính khác. Vì sao chúng tôi khác Bách khoa, vì sao chúng tôi khác Đại học Công nghệ. Đấy là điểm chúng ta cần phải tập trung khai thác và định hướng cho cả phụ huynh và các em học sinh thấy thế mạnh của mình"- bà Lê nói.
Cùng chung quan điểm này, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Kương, Khoa Công nghệ thông tin, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, nhà trường đã tuyển sinh một số ngành thuộc lĩnh vực Khoa học dữ liệu từ vài năm nay để thích ứng với chuyển đổi số trong nông nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất khi trường mở ngành học mới đó là làm thế nào để người học hiểu được lĩnh vực đào tạo đó phù hợp với chiến lược đào tạo chung của cả trường. Vì thế, điều cần nhất khi mở ngành học mới đó là ngành học đó phải gắn với đặc thù đào tạo hoặc những ngành học là thế mạnh của trường.
Tiến sỹ Nguyễn Trọng Kương cho biết: "Như bên trường tôi là trường Nông nghiệp, có một cái chúng tôi thực sự chưa làm được đó là làm thế nào để các em hiểu rằng là bây giờ lĩnh vực đào tạo về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo phục vụ trong ngành nông nghiệp. Sinh viên vẫn chỉ đang nhìn thấy ngành nông nghiệp không thôi, xong chúng tôi chỉ đào tạo những ngành như vậy mà chúng tôi vẫn đang thiếu sự gắn kết để sinh viên thấy là nhu cầu kết hợp, trong nông nghiệp chúng ta phải xử lý dữ liệu, trong nông nghiệp bây giờ chúng ta vẫn hay nghe là nông nghiệp thông minh".
Theo các chuyên gia, các đại học lớn trên thế giới hay ở Việt Nam đều có xu hướng thay đổi, thích ứng với nhu cầu của người học, nhu cầu nhân lực của xã hội. Nhiều trường đã có chiến lược trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực, hay chuyển quy mô từ “trường đại học” lên “đại học” với các khoa, trường thành viên, nên việc mở ngành học ở lĩnh vực mới cũng là điều được tính toán kỹ lưỡng. Ở góc độ của cơ quan quản lý, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT cho rằng, xu thế đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực sẽ tạo ra sự cạnh tranh trong hệ thống, góp phần thúc đẩy các trường nâng cao chất lượng đào tạo để thu hút người học và người học cũng được hưởng lợi. "Đối với các trường thì cũng hết sức phải cân nhắc khi chúng ta tham gia vào một thị trường mà đang có nhiều người cung cấp thì tính cạnh tranh nó sẽ rất cao. Nếu mà chúng ta mới tham gia vào và không khẳng định được thương hiệu, không khẳng định được chất lượng thì sức hút chắc chắn sẽ không bằng những trường đã tham gia trong hệ thống. Do vậy là tôi cũng đề nghị các trường là cũng hết sức cân nhắc là khi tham gia vào cái gọi là “sân chơi mới” không phải là thế mạnh của mình"- ông Dũng nói.
Đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực đang là một xu thế tất yếu trong giáo dục đại học ở Việt Nam cũng như trên thế giới và đây là điều đã được các chuyên gia dự báo trước. Thế nhưng, các chuyên gia cũng cho rằng, các trường có quyền tự chủ, nhưng cũng hết sức cẩn trọng và có lộ trình thực hiện phù hợp, đặc biệt là phải lựa chọn các ngành, lĩnh vực phát huy được thế mạnh trong đào tạo của trường, tránh chạy theo trào lưu và cần đảm bảo chất lượng.