Khi chế tài không đủ sức răn đe

Nạn buôn bán hàng giả, hàng nhái, gây ô nhiễm môi trường đang diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Đáng suy nghĩ là đang tồn tại một nghịch lý, ngày càng có nhiều cá nhân, DN sẵn sàng… chịu phạt để tiếp tục vi phạm

Chịu phạt để tiếp tục gây ô nhiễm

Nhiều DN sẵn sàng chịu phạt chứ không chịu thực hiện nghiêm theo báo cáo đánh giá tác động môi trường. Sở dĩ có tình trạng này là bởi, nếu xây dựng hệ thống xử lý lắng lọc đúng quy trình và vận hành thường xuyên, ngoài tốn kém bạc tỷ, DN còn phải tốn thêm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng để vận hành. Vì vậy, mức phạt vài chục triệu đồng mỗi lần xử phạt (có khi vài năm mới phạt một lần) chẳng thấm vào đâu so với lợi nhuận của các DN lớn với quy mô hàng ngàn công nhân.

Ngày 9/10/2009, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu công bố, kết thúc đợt kiểm tra tình hình bảo vệ môi trường tại 10 DN du lịch do tỉnh quản lý thì có 8 DN xả thải bằng hình thức tự ngấm hoặc thải ra biển. Đối với một số DN ở Bà Rịa - Vũng Tàu thì có hệ thống xử lý nước thải chỉ để cho “vui”. Cá biệt như trường hợp Cty Thực phẩm Việt (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu). Khi Công ty này bị cơ quan chức năng phát hiện hành vi gây ô nhiễm môi trường thì ông Trần Xuân Nhật - Phó Giám đốc Công ty - lúc đó mới biết nhà máy của mình có hệ thống ống ngầm xả nước thải thẳng ra môi trường được lắp đặt ngay từ khi xây dựng nhà máy (?)

Nhiều DN vừa được rút ra khỏi danh sách các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng theo QĐ 64/2003 của Chính phủ, ngay lập tức lại “ngựa quen đường cũ”. Cty CP Bia Thanh Hóa là một ví dụ. Đây là DN nằm trong danh sách các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng của Thanh Hóa vừa được rút tên khỏi danh sách này chưa lâu, thì mới đây, ngày 17/9/2009, lại bị Chủ tịch UBND tỉnh ra QĐ xử phạt hành chính mức 40 triệu đồng vì xả nước thải vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 5 đến 10 lần, gây ô nhiễm môi trường.

Nhiều trường hợp khi bị phát hiện về hành vi gây ô nhiễm thì tìm mọi cách để thoái thác trách nhiệm. Ông Trần Quang Minh - Phó Tổng giám đốc Cty CP Luyện cán thép Gia Sàng (Thái Nguyên) - ngụy biện cho việc xả khí thải gây ô nhiễm môi trường của Cty (sự việc được Báo TNVN phản ánh trên số báo 77 ra ngày 24/9/2009)  là do tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế năm 2008 nên chưa đầu tư hệ thống xử lý được.

Giật mình vì hàng giả, hàng nhái

Trong tháng 8/2009, Thanh tra Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra và xử phạt 335 vụ buôn bán hàng giả và hàng nhái các loại, tăng 64 vụ so với tháng 7/2009. Các mặt hàng giả tập trung nhiều vào các sản phẩm: đồng hồ, mắt kính, túi xách với nhiều mẫu mã đa dạng, giá rẻ mang các nhãn hiệu từ Châu Âu, Mỹ, Nhật...

Tiêu huỷ hàng giả

Khi đánh giá về tình trạng hàng giả, hàng nhái 6 tháng đầu năm 2009, ông Nguyễn Hùng Dũng - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết: “Nạn buôn bán hàng giả, hàng nhái đang diễn biến ngày càng phức tạp, năm sau tăng hơn năm trước cả về quy mô, lẫn phương thức sản xuất và tổ chức tiêu thụ. Hành vi phạm tội của nhiều đối tượng không chỉ dừng lại ở lén lút mà đang ngày công khai. Bản thân chúng tôi cũng phải giật mình bởi những con số về tình trạng trên. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2009, cả nước đã xử lý 37.844 vụ vi phạm (tăng 14,37% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó có 7.224 vụ sản xuất buôn bán hàng giả,... với tổng số tiền thu được trên 188,6 tỷ đồng (tăng 98,8% so với cùng kỳ năm ngoái)”.

Ông Trịnh Văn Ngọc - Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cũng rất bất ngờ với số tiền 21 tỷ đồng thu được và nộp vào Ngân sách từ việc xử lý 2.627 vụ, trong tổng số 2.881 vụ liên quan đến gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm 2009.

Lúng túng trong xử lý

Để việc xử lý được nhanh chóng chính xác, kịp thời và hiệu quả, theo Lãnh đạo nhiều cơ quan quản lý cần tháo gỡ nhiều “rào cản”.

Ông Trịnh Văn Ngọc lấy một ví dụ: Khi có thông tin về một số lượng khá lớn quần áo nhập từ nước ngoài về có ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng, Chi cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra lấy mẫu một số quần áo, đồ chơi trẻ em để kiểm nghiệm. Trên thực tế, lực lượng QLTT chỉ có thể kiểm tra về mặt hình thức, thông qua nhãn hiệu hàng hoá và chế độ hoá đơn chứng từ kèm theo. Nếu các điều kiện này đầy đủ, QLTT không thể giữ được hàng hoá. Hiện nay, chúng ta chưa có quy định bắt buộc phải kiểm tra về chất lượng quần áo trong lưu thông. Điều này dẫn đến sự lúng túng trong kiểm tra, xử lý của lực lượng QLTT. Đáng chú ý là mức xử phạt đối với hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái theo Nghị định 06/2008/NĐ-CP còn khá nhẹ, dẫn đến tình trạng các cá nhân, DN khi bị phát hiện luôn trong tư thế sẵn sàng nộp phạt để sau đó tiếp tục vi phạm.

Theo quy định của Luật Môi trường, UBND tỉnh là cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường trên địa bàn. Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan tham mưu, chịu trách nhiệm giám sát thực hiện quản lý Nhà nước về môi trường trên địa bàn, tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất. Các cuộc thanh tra về môi trường đối với một cơ sở sản xuất được thực hiện tối đa 2 lần trong 1 năm và phải báo trước 3 ngày. Các cuộc thanh tra đột xuất chỉ được thực hiện khi cơ sở có dấu hiệu vi phạm, có đơn khiếu nại tố cáo, hoặc do Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường yêu cầu. Song, thực chất ở các địa phương, kiểm tra đột xuất là rất hiếm. Hầu hết các cuộc thanh tra, kiểm tra đều báo trước, vì thế, rất khó có thể phát hiện vi phạm.

Mặc dù Nghị định 81/2006/NĐ - CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã được điều chỉnh, tăng mức xử phạt hành chính cao nhất từ 70 triệu đồng lên 500 triệu đồng, nhưng theo nhiều chuyên gia môi trường, mức xử phạt này vẫn còn khá nhẹ, so với việc phải bỏ ra một khoản chi phí lớn hơn rất nhiều lần để đầu tư và vận hành hệ thống xử lý chất thải.

Khi chế tài còn chưa đủ sức răn đe thì tình trạng vi phạm pháp luật ngày càng gia tăng là tất yếu. Cùng với đó là nảy sinh những bất cập, lúng túng trong việc xử lý hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái và gây ô nhiễm môi trường của các cá nhân, DN của các cơ quan chức năng là khó tránh khỏi. Trong bối cảnh các hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái và gây ô nhiễm môi trường đang ngày càng gia tăng với mức độ ngày càng nghiêm trọng như hiện nay, rất cần “cú hích” từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quy định chế tài xử phạt nghiêm khắc để mỗi hành vi vi phạm được xử lý đúng tính chất, mức độ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên