Mối đe dọa với bảo tồn

Nếu cả xã hội không vào cuộc, trong tương lai không xa, chúng ta còn tiếp tục chứng kiến sự tuyệt chủng của nhiều loài động thực vật đặc hữu

Loài tê giác Java một sừng đã không còn trên đất nước ta. Thông tin do Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) công bố mới đây là bài học đau xót, đặt ra nhiều vấn đề đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học để không còn có thêm loài động, thực vật nào bị tuyệt chủng. Tuy nhiên, nhiệm vụ này dường như không dễ dàng, đòi hỏi sự vào cuộc thực sự của tất cả các ban, ngành chức năng, chính quyền địa phương và cộng đồng xã hội.

Tê giác Java 1 sừng đã biến mất vĩnh viễn ở Việt Nam

Việt Nam được đánh giá là 1 trong 16 nước đa dạng sinh học nhất thế giới với nhiều loại động, thực vật đặc hữu. Song Việt Nam cũng là quốc gia đang đứng ở mức báo động cao về nguy cơ đánh mất những giá trị quý giá mà thiên nhiên ưu đãi.

Theo khảo sát của cơ quan chức năng và các tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế, trên lãnh thổ Việt Nam, hổ chỉ còn chừng vài ba chục con, sao la còn khoảng 100 con phân bố hẹp ở miền Trung, voi cũng không còn nhiều...

Trước khi loài tê giác Java một sừng bị tuyệt chủng, chúng ta đã phải đau lòng chứng kiến 9 loài động vật khác tuyệt chủng ngoài tự nhiên, đó là tê giác hai sừng, heo vòi, cá sấu hoa cà, hươu sao, bò xám, cầy rái cá, cá chép gốc, cá chình Nhật, cá lợ thân thấp.

Hạn chế về ý thức bảo tồn của người dân và thiếu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ bảo tồn của cơ quan chức năng vẫn là tác nhân chính khiến đa dạng sinh học ở Việt Nam bi đe dọa. Rừng tự nhiên, sinh cảnh sống chủ yếu của nhiều loại động, thực vật quý hiếm đang bị thu hẹp dần do các hoạt động khai thác trái phép lâm sản, việc xây dựng công trình thủy điện, làm đường giao thông không được tính toán tới yếu tố hạn chế tác động xấu đến môi trường. Thêm vào đó là tình trạng săn bắn và tiêu thụ sản phẩm động vật rừng, trong đó có cả động vật quí hiếm nằm trong sách Đỏ, có nguy cơ tuyệt chủng cao chỉ nhằm để thỏa mãn thú vui “của độc”.

Thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng cho thấy, tổng doanh thu hàng năm từ buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp ở nước ta là 66,5 triệu USD. Việc xử phạt vi phạm mới chỉ căn cứ vào giá trị thương phẩm mà chưa tính giá trị về đa dạng sinh học, giá trị khoa học nên chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa.

Một điều lo ngại khác là việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Thực tế đã thấy rằng, việc chuyển đổi đóng góp vào phát triển kinh tế, nhưng nếu không nghiên cứu kỹ lưỡng, để chủ trương bị lợi dụng chủ trương, hủy hoại môi trường sinh thái là không nên. Ví như việc chuyển đổi rừng khộp, đó là hệ sinh thái đặc biệt, chỉ có ở Tây Nguyên và một số khu vực Nam Bộ. Nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm của loài voi cũng liên quan đến việc chuyển đổi rừng ở Tây Nguyên. Nếu chúng ta chuyển đổi vượt ngưỡng sinh thái, hệ sinh thái không còn khả năng tự hồi phục, chức năng sinh thái giảm, như vậy sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.

Xương con tê giác Java cuối cùng ở Cát Tiên tháng 4/2010 (Ảnh: tuoitreonline)

Hằng năm, Nhà nước ta vẫn quan tâm, đầu tư không ít tiền bạc và công sức cho công tác bảo tồn. Tuy nhiên, thực tế các Khu bảo tồn còn yếu về đội ngũ nghiên cứu. Người ta mới chỉ quan tâm đến tìm cách giữ rừng. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Làm bảo tồn là phải gắn với nghiên cứu, có nghiên cứu thấu đáo về một loài cần bảo tồn nào đó thì mới có phương án, phương thức bảo tồn hợp lý.

Bên cạnh đó, người dân là chủ thể bảo tồn thiên nhiên tốt nhất. Không đưa được người dân vào việc này thì dù lực lượng kiểm lâm của chúng ta (hiện có chừng 11.000 người) có tăng lên gấp 2 hay thậm chí 10 lần cũng không bảo vệ được rừng, bảo vệ được đa dạng sinh học. Đi sâu vào tìm hiểu sẽ thấy rõ, việc săn bắn, chặt phá rừng của người dân là vì lợi nhuận, vì đời sống khó khăn. Nếu giúp họ sống được với rừng mà không cần phá rừng thì người dân sẽ vào cuộc, cùng bảo tồn thiên nhiên.

Nếu việc bảo tồn thiên nhiên chưa được các ngành chức năng từ Trung ương đến các địa phương cùng cộng đồng xã hội bắt tay vào cuộc, chắc chắn trong tương lai không xa, chúng ta sẽ phải tiếp tục chứng kiến những buổi công bố tuyệt chủng một loài động vật thực vật quý hiếm nào đó như tình trạng của con tê giác Java một sừng vừa qua./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên