Rừng nguyên sinh ứa “máu”

Khi dự án thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên tại xã Tân Phượng, huyện Lục Yên tỉnh Yên Bái vẫn đang nằm trên giấy thì hàng trăm ha rừng tại đây đang bị lâm tặc tàn sát.

Bao đời nay, người ta biết đến xã Tân Phượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái với khu rừng nguyên sinh trù phú, các chủng loại gỗ quý hàng trăm năm tuổi.

Đối với những người Dao ở đây, rừng Tân Phượng là vùng đất linh thiêng. Bao đời nay, dù phải ở trong những căn nhà đất, mái lá nhưng tuyệt nhiên họ không bao giờ chặt gỗ trong rừng về làm nhà. Với họ, vào rừng chỉ để lấy lá thuốc, rau rừng. Người dân tộc Dao ở đây quý rừng lắm.

Tuy nhiên, “vùng đất thiêng” này giờ đây đang bị khuấy động bởi tiếng cưa máy của lâm tặc, tiếng oằn mình thương xót của những cây gỗ hàng trăm tuổi đang bị đốn xuống hàng ngày.

Bản Sàng- một thanh niên người Dao ở xã Tân Phượng cho biết, ngày nào Sàng cũng vào rừng. Ngoài việc thả trâu, lấy lá thuốc, Sàng còn gác rừng cho nhà mình nữa. Thời gian gần đây, lâm tặc không biết từ đâu đổ về phá rừng. Dân trong bản đuổi mãi không hết. “Nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn, cánh rừng nguyên sinh Tân Phượng chẳng mấy chốc chỉ còn lại cây tạp”, Sàng xót xa.

Mỗi ngày hàng trăm m3 gỗ của rừng nguyên sinh Tân Phượng bị xẻ thịt (Ảnh: MH)

Dù chỉ còn 2 ngày nữa phải xuống Hà Nội dự thi đại học nhưng khi nghe chúng tôi đề nghị cùng vào rừng “bắt lâm tặc”, Bản Sàng vẫn hăng hái nhiệt tình gùi máy chỉ đường.

Đi từ sáng sớm nhưng phải đến quá trưa, chúng tôi mới bò đến được khu Bó Mi. Tại đây, chúng tôi phải chứng kiến cảnh đau lòng khi hàng trăm cây gỗ quý bị lâm tặc tàn sát một cách không thương tiếc.

Bọn lâm tặc không hề động lòng thương tiếc đốn hạ hàng chục cây có đường kính vài chục phân xung quanh để dọn đường. Khi những những tấm gỗ đã được xẻ và vận chuyển theo lâm tặc, thì cánh rừng ở Bó Mi trở nên ngổn ngang như vừa trải qua một trận bom lớn.

Tiến đến khu Tham Luông, dấu vết lâm tặc để lại còn hãi hùng hơn. Cây Phay có đường kính gốc trên 4m vừa bị xẻ thịt. Nhìn gốc cây còn ứa nhựa, Sàng không dấu nổi sự uất ức: “Cây Phay là loại gỗ lớn nhất của khu rừng. Khi còn sống, ông nội em ra sức bảo vệ không cho ai chặt cả. Vậy mà khi ông em vừa mất xong, bọn lâm tặc đến cưa đổ”.

Tiếng cưa máy xèn xẹt khô khốc vang lên cắt ngang lời Sàng. Chúng tôi hóa trang thật kỹ từ trang phục đến đồ tác nghiệp nhằm qua mặt bọn cảnh giới vòng ngoài của lâm tặc.

Theo người dân địa phương, lâm tặc ở đây trang bị đồ nghề cũng khá tinh vi. Cưa máy nhỏ gọn, công suất lớn. Chỉ một ca có thể hạ gục từ vài chục đến cả trăm khối gỗ.

Lâm tặc ăn ở trong rừng cả tuần. Mỗi đội chia ba ca thay nhau đốn hạ cây gỗ. Cứ theo giá thị trường, trừ chi phí thuê vận chuyển, mỗi ngày làm ăn trót lọt cũng dư giả vài chục triệu. Lợi nhuận cao, lâm tặc không từ bỏ thủ đoạn để cướp rừng gỗ quý.

Tiến sát đến khu Nạm Luần (giáp huyện Xuân Giang, tỉnh Hà Giang), 3 máy cưa rầm rập chạy. Qua khe hở của lá rừng, chúng tôi ghi trọn được hình ảnh tàn sát của lâm tặc.

Tiếng máy cưa xé tai, tiếng cây vặn mình răng rắc, rầm rầm đổ. Những thân cây người ôm không xuể chỉ vài chục phút bị đốn hạ.

Tốp khác dùng cưa máy phân từng khúc có giá trị cao, lăn sang địa bàn Hà Giang, chờ đêm tối dùng trâu vận chuyển. Việc này đang diễn ra công khai giữa thanh thiên, bạch nhật không phải đêm hôm vậy mà vẫn qua mặt kiểm lâm cùng chính quyền?!

Đem toàn bộ tư liệu có được làm việc cùng chính quyền huyện Lục Yên, ông Bùi Văn Thịnh- Chủ tịch UBND huyện Lục Yên không giấu nổi sự bất bình về sự vô trách nhiệm, buông lỏng quản lý của lực lượng kiểm lâm huyện và chính quyền xã Tân Phượng.

Theo ông Thịnh, việc để lâm tặc tự do tàn phá rừng Bó Mi không thể đổ lỗi do cơ chế, do kiểm lâm mỏng về lực lượng, yếu trong chuyên môn mà chính quyền địa phương đã để người dân quay lưng lại với công tác bảo vệ rừng. Ông Bùi Văn Thịnh bức xúc: “Rõ ràng trong công tác quản lý, điều hành của chính quyền xã Tân Phượng đang có vấn đề. Người dân chỉ chặt một khúc gỗ về làm củi, chống nhà thì bắt, phạt. Trong khi lâm tặc đốn hạ hàng chục khối lại không xử lý được”.

Ông Thịnh cũng khẳng định: “Ngay sau buổi làm việc này, chúng tôi sẽ có biện pháp mạnh để chấn chỉnh lại”.

Biện pháp mạnh theo lời ông Thịnh mà chúng tôi vừa mới nhận được bằng đường công văn của Huyện uỷ, UBND huyện Lục Yên là huyện ra Nghị quyết chấn chỉnh công tác bảo vệ rừng Tân Phượng.

Cùng với Nghị quyết này, huyện thành lập đoàn công tác đặc biệt gồm các lực lượng, công an, quân đội, kiểm lâm về Tân Phượng cùng các xã lân cận kiểm tra, rà soát thống kê toàn bộ số lượng gỗ quý.

Đoàn công tác sẽ phối hợp cùng với chính quyền xã Tân Phượng truy quét lâm tặc và thu hồi các bãi gỗ xẻ toàn bộ khu rừng Bó Mi.

Mong rằng với biện pháp mạnh này, người dân và chính quyền xã Tân Phượng sẽ có thêm niềm tin để chung tay bảo vệ rừng, để mong ước của người dân Tân Phượng được sống trong Khu bảo tồn thiên nhiên đúng theo cam kết của dự án./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.