Xử lý vi phạm môi trường phải quyết liệt
Nhiều nơi doanh nghiệp vi phạm quy định nhưng công tác kiểm tra xử lý không kiên quyết nên tình hình ngày càng xấu.
Chiều 7/11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề.
Quốc hội đánh giá về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế (KKT), làng nghề; đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân của những tồn tại và đề xuất giải pháp, kiến nghị nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các KKT và làng nghề.
Xem xét nghiêm khắc trách nhiệm của doanh nghiệp
Đa số đại biểu cho rằng các nội dung giám sát môi trường mới dừng lại ở KKT và làng nghề. Theo báo cáo, ở KKT mới tiềm ẩn những nguy cơ còn môi trường làng nghề đã đến mức báo động nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo các đại biểu, vấn đề giám sát môi trường cần phải ở phạm vi rộng hơn. Nhiều tỉnh, huyện, xã có khu công nghiệp đều trong tình trạng ẩn chứa nguy cơ đe dọa môi trường hết sức nghiêm trọng.
Nhiều tỉnh, huyện, xã có khu công nghiệp đều trong tình trạng ẩn chứa nguy cơ đe dọa môi trường hết sức nghiêm trọng (Ảnh minh họa) |
Về nguyên nhân, nhiều đại biểu cho rằng chúng ta chưa có hệ thống văn bản pháp luật xử lý vi phạm về môi trường tại các KCN, KKT cũng như là làng nghề. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (tỉnh Nam Định) cho rằng, văn bản pháp luật về môi trường không phải là thiếu, chúng ta có hàng trăm văn bản từ Trung ương đến địa phương. Vấn đề là cần phải đánh giá kỹ hơn về trách nhiệm quản lý Nhà nước ở các địa phương và các cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm về vấn đề này. Nếu thực hiện tốt những quy định, chắc chắn tình hình không xấu như báo cáo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các KKT, làng nghề.
Nhiều nơi doanh nghiệp vi phạm quy định nhưng công tác kiểm tra xử lý không kiên quyết, không đến nơi đến chốn nên tình hình ngày càng xấu đi. “Quốc hội cần đánh giá sâu hơn, nghiêm khắc hơn về thái độ, trách nhiệm và lương tâm của cơ quan, doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến môi trường”, đại biểu Nguyễn Anh Sơn nhấn mạnh. Đại biểu đề nghị các kiến nghị trong Nghị quyết Quốc hội cần đề cao trách nhiệm, nêu rõ phát triển kinh tế phải đảm bảo giữ vững được môi trường.
Đại biểu Lê Phước Thanh (đoàn Quảng Nam) đề nghị phân cấp cụ thể trách nhiệm trong quản lý môi trường. Đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) đề nghị, hướng tới xây dựng luật chuyên ngành về bảo vệ môi trường tại các KKT, làng nghề.
Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (đoàn Tiền Giang), Phạm Thị Mỹ Lệ (đoàn Bình Phước) và nhiều đại biểu băn khoăn về việc thiếu cán bộ kiểm soát giám sát môi trường có trình độ chuyên môn. Theo báo cáo Chính phủ, 95% cán bộ kiểm soát môi trường cấp huyện không có chuyên môn đào tạo về môi trường. Luật pháp chúng ta ban hành nhiều nhưng cán bộ không có chuyên môn, trong khi cấp xã thì kiêm nhiệm thì lấy đâu người làm.
Nhất trí tăng ngân sách cho môi trường lên 2%
Theo đại biểu Nguyễn Anh Sơn, báo cáo giám sát môi trường chưa đi sâu phân tích kỹ việc sử dụng quỹ 1% ngân sách dành cho bảo vệ môi trường như thế nào. Đại biểu tán thành việc nâng mức chi phí bảo vệ môi trường, và cho rằng thà bỏ chi phí 2% còn hơn sau này chúng ta tốn rất nhiều phần trăm ngân sách mà không khắc phục được cái đã mất.
Nhiều đại biểu đề nghị cần tập trung xây dựng tỷ lệ phần trăm trong tổng vốn đầu tư cho vấn đề xử lý môi trường tại các KCN.
Đại biểu Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi), đại biểu Lê Phước Thanh (đoàn Quảng Nam) cũng cho rằng xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường là hết sức cần thiết, bởi nguồn lực đầu tư thời gian qua chưa đủ sức nên đối với các địa phương càng thêm khó khăn. Cần nghiên cứu giải quyết kinh phí bảo vệ môi trường làng nghề bằng xã hội hoá qua phí môi trường; tăng cường thúc đẩy xã hội hoá bảo vệ môi trường thông qua công tác vận động các định chế tài chính, tổ chức phi chính phủ tài trợ vốn, công nghệ cho các doanh nghiệp, các KCN để xây dựng hệ thống xử lý nước thải.
Các đại biểu đề nghị Quốc hội nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi cho các hợp đồng dự án bảo vệ môi trường, như hỗ trợ sau đầu tư về lãi suất, tỷ lệ phần trăm đóng góp, cơ chế chính sách thuế …
Do chế tài hay do thiếu sự quan tâm?
Theo đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM), việc giám sát của Quốc hội lần này về ô nhiễm môi trường nên chọn làng nghề và các cụm công nghiệp như một nhóm giám sát hơn là làng nghề. Bởi thực chất tai họa về môi trường đối với đời sống, nền kinh tế từ các KCN tập trung và các cụm công nghiệp.
Theo đại biểu, ở khu vực phía Nam, việc gây ô nhiễm từ các KCN và cụm công nghiệp là chính. Việc các doanh nghiệp lớn không vào các KCN mua để giảm chi phí đã gây ô nhiễm.
Đại biểu Trần Du Lịch kiến nghị nếu chỉ tập trung giải pháp giải quyết các làng nghề mà không tính đến cơ chế quản lý để chuyển và tổ chức dần các cụm công nghiệp ở địa bàn nông thôn thành những nơi di dời và bố trí tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển, thì chúng ta sẽ không giải quyết được vấn đề ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Tiên (đoàn Tiền Giang), thực tế, khá nhiều hoạt động trong làng nghề là hoạt động trá hình và trốn thuế, trong khi pháp luật xử lý ở các nơi không đồng đều. Ví dụ, ở Huế đã vận động dừng sản xuất ở các làng nghề độc hại sản xuất tinh bột sắn ở làng Lộc Bổn, ở huyện Phú Lộc. Nhưng ở xã Dương Liễu, Hà Nội, tình trạng ô nhiễm tương tự ở các làng trong Huế nhưng không chấm dứt được. Đại biểu đặt vấn đề là do pháp luật hay sự do quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương? Đại biểu đề nghị Nghị quyết Quốc hội cần quy định việc cụm công nghiệp và các ngành nghề độc hại không đặt lẫn với khu vực dân cư sinh sống./.