“Một khối thép không lạnh”

Các thế hệ cán bộ, nhân viên Trung tâm Kỹ thuật Phát thanh đã góp phần làm rạng rỡ thêm truyền thống ngành kỹ thuật phát thanh

“GS.TS Vũ Văn Hiền, nguyên TGĐ Đài TNVN từng nói với tôi không chỉ một lần: “Khối Kỹ thuật phát thanh là một khối thép”. Và tôi nói với anh Hiền: “Đúng là một khối thép, nhưng một khối thép không lạnh, nó ấm và nóng. Một khối thép không bất di bất dịch, mà linh hoạt”. Có nghĩa, anh hiểu biết công nghệ nhưng cũng phải hiểu biết cuộc sống để giữ vững đoàn kết, thì cái khối đó mới tốt”. Ông Đoàn Việt Trung, Bí thư Đảng ủy, Phó TGĐ Đài TNVN kể như vậy trong cuộc trò chuyện với Báo TNVN nhân sự kiện Trung tâm Kỹ thuật Phát thanh đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT vào dịp kỷ niệm 66 năm Ngày thành lập Đài TNVN.   

Các tác giả làm nên danh hiệu cao quý

** Cảm xúc của ông về sự kiện Trung tâm Kỹ thuật Phát thanh (TTKTPT) đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang vào ngày 6/9?

Phó TGĐ Đoàn Việt Trung: Tôi và những người làm kỹ thuật phát thanh thực sự vui mừng và tự hào khi được tin Đảng và Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng LLVT. Tôi cũng bồi hồi nghĩ đến rất nhiều các bác, các cô, các chú đi trước - các tác giả làm nên những trang sử vẻ vang, làm nên danh hiệu rất cao quí này - nay đã già yếu hoặc không còn nữa. Ngay cả tôi, dù đã ngấp nghé tuổi 60, cũng không phải lớp người làm nên kỳ tích này. Tôi chỉ là lớp người may mắn được thừa hưởng và kế tục sự nghiệp, kế tục những trang sử.

Trong chiến tranh, các cô các bác ấy đã làm nên những giây phút lịch sử mà chúng ta đều biết. Ví dụ như TNVN lại cất lên sau đúng 9 phút tạm lắng bởi B52 Mỹ dội bom vào Mễ Trì ngày 23/12/1972. Đó là 9 phút lịch sử của Đài TNVN. Đấy là một trong rất nhiều kỳ tích của lớp người đi trước.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao Danh hiệu AHLLVTND
cho Trung tâm Kỹ thuật phát thanh

Đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên TTKTPT sau này, họ đã thừa hưởng và kế tục tốt đẹp truyền thống ấy. Họ đã làm rạng rỡ thêm truyền thống phát thanh, làm cho danh hiệu này danh giá hơn, đẹp hơn, bởi vì trong suốt những năm vừa qua họ cũng trải qua rất nhiều thăng trầm, gian khó để đạt được những thành tích rất to lớn. Và họ đã để lại những dấu ấn, chiến công cũng rất vang dội.

Còn tôi, tuy đã có 36 năm làm việc ở Đài nhưng cũng chỉ thừa hưởng thôi bởi vì hồi đó tôi còn đi học. Thế hệ chúng tôi có may mắn được học tập chính qui, khi kết thúc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, được làm việc và được sống với các anh, các chị đã trưởng thành, đã có cái bản lĩnh ấy. Cho nên cái chất con người phát thanh trong thế hệ chúng tôi là do những người đi trước để lại.

Có những việc không thể ngờ là làm được

** Khi còn công tác ở TTKTPT, ông có nhiều chuyện được “nhà đài” quan tâm, vì chuyện của ông cũng là chuyện của những người làm kỹ thuật phát thanh, ví như ông đã tận mắt chứng kiến sự hy sinh của liệt sĩ Lê Đình Chinh; được kết nạp Đảng trên chiến trường Campuchia. Ông có thể kể lại?

Phó TGĐ Đoàn Việt Trung: Tôi nhớ rất nhiều kỷ niệm gắn bó với đội ngũ làm kỹ thuật phát thanh, trong đó có hai kỷ niệm trên. Năm 1976, sau khi học đại học ở nước ngoài, tôi về nước, trở thành kỹ sư còn rất trẻ trong Ủy ban Phát thanh - Truyền hình, rồi được cử lên biên giới. Trên biên giới, chúng tôi làm nhiệm vụ phóng thanh, truyền thanh chính sách của Đảng, Nhà nước để giải tỏa những người Hoa tập trung ở biên giới phía Bắc. Chiến sĩ Lê Đình Chinh ở cùng đồn với chúng tôi, phải đi sâu vào trong các lán trại của người Hoa để vận động và đã bị kẻ xấu sát hại ngay trước mắt chúng tôi. Chị phát thanh viên bật khóc, không thể nào đọc tiếp được bản tin. Tuy làm kỹ thuật nhưng tôi đã cầm lấy micro, vừa thao tác kỹ thuật, vừa đọc trước máy. Đêm ấy, khi đưa xác liệt sĩ Lê Đình Chinh về đồn, chúng tôi canh bên linh cữu suốt đêm. Kỷ niệm đó tôi không bao giờ quên được.

Sau đó, tôi được cử sang Campuchia trong tình hình vô cùng phức tạp. Tôi là một trong những người đầu tiên tiếp quản Đài Campuchia. Bên ấy họ sử dụng kỹ thuật chủ yếu bằng tiếng Pháp và tiếng Anh. Tôi cùng với anh em thiết lập lại dây chuyền thiết bị của họ. Hồi đó, bọn Pol Pot tuyên bố treo giải thưởng rất lớn cho ai lấy được đầu chuyên gia. Ngày làm việc phải kè kè súng bên cạnh. Đêm, chúng tôi thay nhau đứng gác. Lúc đó, anh Huỳnh Ngọc Ấn (nguyên Phó TGĐ Đài TNVN) có nói với tôi: “Ở vị trí này, cậu phải đứng vào hàng ngũ của Đảng thì mới phát huy được đầy đủ tác dụng của mình”. Sau đó, anh Ấn phân công anh Tăng Bá Thư là Bí thư Chi bộ hướng dẫn tôi viết đơn và giúp đỡ tôi. Và tôi đã được kết nạp Đảng ngay trên chiến trường, tại Phnompenh.

** Phải có cả một bề dày thành tích thế hệ nối tiếp thế hệ thì mới làm nên danh hiệu anh hùng hôm nay. Nhưng để có bề dày đó, những con người trong tập thể anh hùng này phải có phẩm chất gì?

Phó TGĐ Đoàn Việt Trung: Có thể nói phẩm chất đặc trưng của con người kỹ thuật phát thanh lúc đấy là tinh thần quyết tâm vượt khó, sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào và hoàn thành bằng được, kể cả hy sinh. Bây giờ nghĩ và nhớ lại, tôi càng thấy họ đúng là anh hùng. Họ thật là sắt đá, nhận nhiệm vụ và làm bằng được, nhiều khi mò mẫm đêm hôm, nhịn ăn để vượt qua. Có những công việc thầm lặng, mà bây giờ, ngay cả bản thân tôi thôi, cũng không tin là làm được.

Hồi ấy chúng tôi thiết lập một phòng thu thanh cho Đài phát thanh Nhân dân Campuchia. Phòng thu thanh là kết cấu vật liệu hút âm, tính toán phức tạp, bình thường chúng ta làm hàng tháng, nhưng chúng tôi được lệnh phải làm trong 3 ngày để thu thanh phát sóng. Thật là không tưởng. Nhưng chúng tôi đã làm ngày, làm đêm, ăn ngủ ngay tại chỗ, và đã đảm bảo phát sóng đúng ngày giờ.

Còn ở Campuchia, tôi nhớ mãi hôm đầu tiên mít tinh kỷ niệm chiến thắng tại sân vận động ở Phnompenh. Không có thiết bị, chúng tôi phải đi gom những thiết bị đã có sẵn. Làm xong, kiểm tra: 1, 2, 3, 4… oang oang rồi, nhưng khi Thủ tướng Campuchia chuẩn bị lên đọc diễn văn khai mạc thì im phắc. Giữa vòng bảo vệ an ninh, ông ấy từ bục khán đài bước dần tới micro. Tôi cũng không hiểu tại sao lúc ấy lại có thể làm thế, tháo nắp cái tăng âm công suất ấy ra, xé bao thuốc lá, chèn vào tất cả những rơ-le trong đó. Xong, chưa kịp đậy nắp thì ông Thủ tướng bước tới micro và nói, âm phát ầm ầm. Đến giờ, tôi cũng không hiểu tại sao lại có thể sửa được ngon lành như thế.

Một kỷ niệm khác, đó là lần tường thuật lễ đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở sân bay sau đó về Dinh Độc lập. Chúng tôi chỉ có một xe thu lưu động. Sau khi tường thuật tại sân bay xong, chúng tôi cuốn dây chạy một mạch về Dinh để lắp, để căng dây, để khi Thủ tướng đến là tường thuật luôn. Tất cả đều đã gọn gàng. Nhưng khi bắt đầu tường thuật thì âm thanh bị ù. Tôi không biết làm thế nào, chạy ngược chạy xuôi. Tình cờ, khi bước chân lên xe thu, một chân tôi vẫn ở dưới đất, tự nhiên hết ù, do được tiếp đất. Cứ thế, tôi đứng im, không nhúc nhích suốt mấy tiếng đồng hồ, mỏi rã rời…

Thầm lặng chiếm lĩnh đỉnh cao

** Nói đến TTKTPT là nói đến tập thể những con người thầm lặng chinh phục những đỉnh cao. Ông có thể chia sẻ những đỉnh cao mà họ đã chinh phục?

Phó TGĐ Đoàn Việt Trung: Trước hết, đó là việc phủ sóng để nghe được TNVN. Hiện nay Đài TNVN đã phủ sóng 99,5%  lãnh thổ. Để làm được như thế thật không đơn giản, nhất là phải vận chuyển, lắp đặt trên những đỉnh núi cao. Có những đỉnh núi chúng tôi phải sử dụng máy bay lên thẳng vì không có đường đi… Lắp đặt vất vả như thế nhưng duy trì để hệ thống hoạt động tốt là cả một vấn đề dai dẳng. Có thể nói, 99,5% diện tích lãnh thổ được phủ sóng tiếng nói Việt Nam là cả một chiến công rất lớn. Nhưng gian khó hơn lại nằm ở 0,5% diện tích còn lại, bởi đó là những vùng đặc biệt khó khăn.

Ở các đỉnh cao Nguyên Bình (Cao Bằng), Sìn Hồ, Quản Bạ (Hà Giang), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), hay trên đỉnh núi Bà Đen (Tây Ninh)… là những nơi độ ẩm tới 100%. Áo mặc chỉ một lúc là ướt sũng, ghế ngồi vừa lau xong lại đọng nước. Nhưng không sợ bằng sét. Sét đánh, nhìn thấy cả đường lan truyền, chạy ngang của sét. Có người đã bị sét đánh bỏng mặt. Những chỗ khó khăn như vậy, anh em phải thay phiên nhau.

Lũ gây ngập tại Đài phát sóng phát thanh An Hải (Đà Nẵng), thuộc TT kỹ thuật phát thanh Đài TNVN

Các KTV của Đài phát sóng đi trực phát sóng bằng thuyền (ảnh: Dương Hồng Hải)

Vận hành máy phát sóng ra biển Đông tại Đài phát sóng VN1 thuộc Trung tâm Kỹ thuật phát thanh (Đài TNVN)

** Cùng với việc phủ sóng ở đất liền, Đài TNVN còn phát sóng biển Đông. Hiện nay Dự án phủ sóng biển Đông được triển khai như thế nào?

Phó TGĐ Đoàn Việt Trung: Dự án biển Đông hiện nay chúng ta đang làm rất tốt. Trước kia, trong quy hoạch phủ sóng đến năm 2010, chúng ta chưa chú ý đến biển Đông. Trong những năm gần đây, khi có chiến lược biển Đông, việc phủ sóng TNVN ở biển Đông càng có ý nghĩa và chính Đài TNVN đã nhận ra điều ấy. Với khoảng hơn 2 triệu ngư dân, rồi các chiến sĩ canh giữ biển trời, rồi những tai họa của thiên nhiên… lãnh đạo Đài TNVN quyết định phủ sóng biển Đông. Khi Đài TNVN đề nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý ngay. Chúng ta đã phủ sóng biển Đông được giai đoạn 1. Giai đoạn 1 đánh dấu một bước tiến dài về chất lượng sóng phủ biển Đông. TNVN đã phủ sóng từ đất liền đến nơi xa nhất là 4.000km. Giai đoạn 1 làm với mục đích nghe được dự báo thời tiết và một số thông tin cơ bản cho ngư dân.

Giai đoạn 2 quan trọng hơn, đòi hỏi rất cao về tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước trên các lĩnh vực... Tuy nhiên, để hoàn thành được mục tiêu này cũng rất tốn kém. Nhà nước cũng không đủ tiền đầu tư nên mới chia 2 giai đoạn. Và Trung tâm Kỹ thuật phát thanh đã và đang thực hiện. Đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lên tận Đài Phát sóng phát thanh VN1 ấn nút phát lệnh phát sóng.

** Đài TNVN đến nay là cơ quan truyền thông duy nhất hội đủ 4 loại hình báo chí: Phát thanh, báo in, báo hình, báo điện tử. Trong mô hình phát triển đa phương tiện như vậy, TTKTPT đang đứng trước thách thức gì?

Phó TGĐ Đoàn Việt Trung: Đó là trăn trở của lớp người sau tôi và chính tôi, mà trăn trở lớn nhất là vấn đề con người. Tôi không lo lắm về mặt công nghệ. Công nghệ của Việt Nam là công nghệ ứng dụng. Việc của chúng ta là đào tạo ra những kỹ sư giỏi để ứng dụng và làm chủ công nghệ tiên tiến của thế giới một cách hiệu quả nhất. Tôi tự hào bởi Đài của chúng ta là một đài hiện đại, kỹ sư làm chủ được công nghệ nên chúng ta vững vàng và ổn định. Nhưng vẫn phải thay đổi. Thay đổi như thế nào? Những phẩm chất tốt đẹp của các thế hệ cán bộ kỹ thuật phát thanh như kiên cường, bản lĩnh, vượt khó, quy trình quy chế nghiêm ngặt - trước đây và trong chiến tranh thì được, nhưng không đủ đối với những yêu cầu đặt ra đối với người làm kỹ thuật phát thanh bây giờ. Thậm chí là mâu thuẫn nếu cứ cứng nhắc, bảo thủ và trì trệ.

Đứng trước cơ hội phát triển của công nghệ, có 2 yêu cầu đặt ra đối với người làm kỹ thuật phát thanh. Thứ nhất, anh phải đủ trình độ nắm bắt được công nghệ mới đang thay đổi hàng ngày. Muốn vậy anh phải học, phải biết tin học, ngoại ngữ. Không thể chờ đợi người khác dịch cho mình. Phải tham gia vào mạng, đi trên xa lộ thông tin để cập nhật. Thứ hai, không chỉ giỏi chuyên môn, phải trang bị cho mình kiến thức xã hội phong phú. Không am hiểu xã hội bên ngoài, không cập nhật thông tin, không tự tin trong các mối quan hệ thì khó giữ vững đoàn kết và đem đến chất lượng công việc tốt. Phải hướng tới, rèn luyện tốt hai điều đó thì mới đáp ứng được nhiệm vụ hiện nay và yêu cầu phát triển của Đài TNVN trong giai đoạn hội nhập.

** Xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên