Năm 2012, thiên tai gây thiệt hại 16.000 tỷ đồng
(VOV) -Thiên tai đã làm 258 người chết, mất tích, hơn 6200 ngôi nhà bị đổ, sập, sạt lở hơn 3 triệu m3 đất đá…
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cho biết: Năm 2012 có 10 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, trong đó có 4 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.
Đáng chú ý là vào thời điểm cuối mùa mưa bão đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản tại các tỉnh, thành phố như: Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng… Thiên tai đã làm 258 người chết và mất tích, hơn 6200 ngôi nhà bị đổ, sập, trôi, 408.000ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, sạt lở hơn 3 triệu m3 đất đá… Ước tính tổng thiệt hại về vật chất khoảng 16.000 tỷ đồng.
Trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, Chính phủ vẫn dành sự ưu tiên cao, bố trí kinh phí cho các công trình, đê, kè, cống, hồ chứa, khu neo đậu tàu thuyền, di dân tái định cư cho người dân vùng thiên tai tìm kiếm cứu nạn…
Nhìn chung, trong năm 2012 sự phối hợp giữa Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão trung ương phối hợp với Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, các Bộ ngành và địa phương ngày càng nâng cao và từng bước chuyên nghiệp trong việc xử lý kịp thời các tình huống phức tạp.
Công tác chỉ đạo của các địa phương trước những cơn bão, áp thấp nhiệt đới luôn được thực hiện quyết liệt, đặc biệt quan tâm tới tàu thuyền đang hoạt động trên biển, vùng cửa sông và trên sông đã hạn chế thiệt hại về người và tài sản cho ngư dân.
Cũng trong năm qua, sự phối hợp của các lực lượng Hải quân, Biên phòng, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam trong công tác tìm kiếm cứu nạn đạt hiệu quả ngày càng cao, số người và phương tiện được cứu nạn thành công đều tăng so với năm trước.
Hội nghị đã xác định 16 nhiệm vụ công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn trong năm 2013, trong đó tăng cường công tác quản lý tàu thuyền giữa các lực lượng biên phòng, công an, hải quân và các địa phương trước, trong và sau khi có bão, thời tiết nguy hiểm; tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền cho cộng đồng chủ động phòng chống thiên tai; từng bước nâng cao năng lực dự báo khí tượng thủy văn đối với những cơn bão, lũ, sạt lở đất đá có những diễn biến phức tạp.
Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện chiến lược Quốc gia về phòng, chống giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 cho thấy đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức của chính quyền các cấp và nhân dân từ bị động đối phó chuyển sang chủ động phòng ngừa, lấy phòng ngừa là chính nên đã giảm thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.
Cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ yêu cầu phòng chống thiên tai đã được quan tâm đầu tư, khối lượng thực hiện tăng hơn nhiều so với 5 năm trước và sớm phát huy được hiệu quả./.