Nghe nhà báo phát thanh “lão làng” kể chuyện nghề
VOV.VN -Ở chiến trường, đối mặt với hiểm nguy, phóng viên trước hết phải là người lính thực thụ,biết lợi dụng địa hình, biết chiến đấu, biết cứu thương…
Bắt đầu câu chuyện của mình về chặng đường làm báo, Nhà báo Vĩnh Trà kể: “Nữ phóng viên trẻ của Hãng AFP tại Hà Nội từng hỏi tôi: Hồi ở chiến trường, ông là nhà báo hay là người lính?”
Tôi trả lời: “Cả hai”!
-------------------------
Nhà báo Vĩnh Trà kể lại: Vật bất ly thân của phóng viên phát thanh lúc bấy giờ là máy ghi âm. Trước khi vào chiến trường, phóng viên được cấp máy ghi âm R5 do khối SEP (Hội đồng Tương trợ Kinh tế các nước Xã hội chủ nghĩa) cung cấp, nặng khoảng 5 kg, một chiếc thu thanh Orionton do Hunggari sản xuất cồng kềnh không kém R5. Hành trang của phóng viên phát thanh chiến trường hành quân hàng ngày với ba lô “con cóc” khoảng 30 kg trên vai. “Mang vác nặng vẫn chưa phải là vất vả lớn nhất”- Nhà báo Vĩnh Trà nhớ lại. Ở chiến trường, đối mặt với hiểm nguy, phóng viên trước hết phải là người lính thực thụ, vừa biết lợi dụng địa hình, địa vật, biết chiến đấu, biết cứu thương… vừa phải phối hợp với đồng đội thu cho được “tiếng động hiện trường”, “tiếng nói của nhân chứng”…
Sau Hiệp định Paris có hiệu lực (ngày 27/1/1973), Vĩnh Trà được lệnh từ Đài Giải Phóng A là đưa tin nhanh, thu cho bằng được tiếng động quân đội Sài Gòn vi phạm hiệp định. Nhà báo được lệnh từ Đài Giải Phóng A là đưa tin nhanh, thu cho bằng được tiếng động quân đội Sài Gòn vi phạm Hiệp định. Nhà báo Vĩnh Trà theo đơn vị bộ đội về phía Phong Điền, Quảng Điền của Thừa Thiên Huế. Quân đội Sài Gòn đang thực hiện chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ” cắm cờ, giành dân, chiếm đất, trong khi ông cùng đồng nghiệp ra sức tuyên truyền tại chỗ “ngôi nhà hòa hợp”, kêu gọi đối phương tôn trọng hiệp định hòa bình.
“Trước khi về vùng sâu, nhà sỹ Hồ Thuận An (Trần Hoàn), lúc ấy là Phó Ban Tuyên huấn Khu Ủy dặn chúng tôi: Vũ khí lúc này là cây bút, máy ghi âm, máy ảnh, máy quay phim”, ông Vĩnh Trà nhớ lại.
Thời điểm đó, giao tranh rất ác liệt. Các phóng viên phát thanh vừa phát loa kêu gọi đối phương ngừng bắn thì bị súng máy bên kia lại bắn chéo cánh sẻ vào đội hình. “May mà các có chiến sỹ quân ta bắn trả quyết liệt, mở đường cho cánh báo chí rút an toàn ra tuyến sau”-nhà báo Vĩnh Trà nhớ lại. Nhưng cũng nhờ những khoảnh khắc dấn thân nơi hòn tên mũi đạn ấy, mà nhà báo Vĩnh Trà và đồng nghiệp đã thu âm hiện trường được tiếng súng máy, tiếng reo hò của đối phương. Khi về nhà, ông đã mở lại cho nhạc sỹ Trần Hoàn nghe.
Lúc đó, nhạc sỹ trầm ngâm nhắc nhở: Phải cảnh giác. Lúc nào nhà báo cũng là lính mới được-nhạc sĩ nhắc như vậy vì cũng có những phóng viên do phải mang vác máy móc nhiều đã không mang theo được súng, và như vậy sẽ rất nguy hiểm nếu không tự bảo vệ được mình.
Về phía những đoạn băng ghi âm tiếng động hiện trường, nhà báo Vĩnh Trà tìm cách chuyển ngay ra Đài Giải Phóng A, tức CP 90 đang đóng tại 56 Quán Sứ Hà Nội. Phải mất 1 tuần mới phát được tin có tiếng động trên làn sóng của Đài Phát thanh Giải phóng.
Ở chiến trường, Nhà báo Vĩnh Trà được Ban bảo vệ cấp thẻ mang bí số B.26, được vào Văn phòng tỉnh ủy khai thác tư liệu từ các đơn vị vũ trang, cơ sở báo cáo lên. Và đó cũng là nơi ông săn tin nhiều nhất.
Ông hồi tưởng: “Một kỷ niệm khó quên là khi nhận được tin có binh sỹ Sài Gòn vi phạm Hiệp định Paris đang nằm ở Bệnh xá Nam, tôi tức tốc khoác ba lô đi ngay. Băng đèo, lội suối quá nửa ngày mới gặp nhân vật. Anh lính cộng hòa cao, đen, gầy, người Quảng Trị, trong khi hành quân chiếm đất đã vấp phải mìn của chính quân đội cộng hòa cài lại, một chân bị phạt quá đầu gối. Anh ta kêu la, nhưng bị đồng đội bỏ mặc. May mắn gặp được Bộ đội Giải phóng. Sau đó, anh lính được khiêng về trạm xá Nam, cắt đoạn chân bị hoại tử mà không có thuốc tê… Ngay khi gặp anh lính, trước máy ghi tâm của tôi, anh lính đã thừa nhận: ‘Tôi bị bắt đi quân dịch, bị ép đi chiếm đất vùng Giải phóng…’”. Anh ta có hai nguyện vọng. Một là nếu được phóng thích sẽ về ngay với mẹ, vì cha mất sớm, trên đời chỉ còn hai mẹ con. Hai là xin được nhắn tin qua Đài phát thanh Giải Phóng: “Mạ ơi, con còn sống. Con sẽ về với mạ”.
Vĩnh Trà đã ghi âm lời nhắn của anh ta. Mắt anh ta sáng tia hy vọng và xin được nhận là đồng hương của ông. Còn bản thân nhà báo thì gặp rắc rối. “Anh em thương binh Quân Giải phóng đã thắc mắc, tại sao quân địch được nói trên Đài mà quân Cách mạng lại không được? Tôi xin lỗi và giải thích: Mỗi lời thú tội, tố cáo của quân địch như những viên đạn bắn thẳng vào tình cảm, ý chí của quân thù, làm cho họ nhận ra lẽ phải, quay súng trở về với gia đình, dân tộc. Đó cũng là một cách đánh địch. Tôi thu thanh mỗi binh lính ngụy bị thương một tin nhắn. Tất cả đều nhắn cho Mẹ, Cha, Vợ, Con, người thân và hy vọng sau chiến thắng sẽ về quê. Nói chung tâm trạng của họ là chán ghét chiến tranh, khát vọng bình yên, mong muốn đoàn tụ”, ông Vĩnh Trà kể lại.
Thức tỉnh lòng yêu nước, tinh thần tự cường dân tộc, nhận ra lẽ phải, chính nghĩa để có suy nghĩ đúng, hành động đúng, quay súng trở về gia đình, người thân là nội dung xuyên suốt các chương trình binh địch vận trong chiến tranh của Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài phát thanh Giải phóng thời bấy giờ, có công sức của các thế hệ nhà báo giai đoạn này, trong đó có nhà báo Vĩnh Trà.
Để góp phần tạo nên hiệu quả của chương trình binh địch vận, các Ban biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh Giải phóng tổ chức chương trình sao cho nhuần nhụy với những lời bình sâu sắc, giọng đọc truyền cảm, âm nhạc lắng đọng, rót vào tai đối phương. Nhà báo Vĩnh Trà kể lại, có cả tập thể, nhóm binh lính đối phương quay súng phản chiến vì những bức thư tâm huyết trên sóng phát thanh. Có nhiều binh sĩ Sài Gòn bỏ ngũ về nhà bởi tiếng hát, tiếng ngâm thơ ngọt ngào, lắng đọng khơi gợi tình người, tình yêu quê nhà trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải phóng.
Nhà báo lão thành của Đài Tiếng nói Việt Nam nhớ lại: Lúng túng trước sức mạnh của Chương trình “Thành thị miền Nam” của Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh làm một chương trình “Thành thị miền Nam” giả để đối phó, nhưng không át nổi Tiếng nói Việt Nam. Đặc biệt chương trình phát thanh bằng tiếng Anh dành cho quân đội Hoa Kỳ, qua giọng đọc điêu luyện đầy truyền cảm của Phát thanh viên Trịnh Thị Ngọ-Thu Hương đã hút hồn binh lính, sĩ quan đối phương. Binh lính Mỹ còn gọi Trịnh Thị Ngọ-Thu Hương là Hana. Lầu Năm góc kêu là “mụ phù thủy”, chính quyền Hoa Kỳ cử một nữ diễn viên có chất giọng chuẩn sang Sài Gòn “khẩu chiến” với Thu Hương-Hana, nhưng phải chịu thất bại. Chính tờ báo Mỹ đăng tải tin nhiều binh sỹ Hoa Kỳ theo tiếng gọi của Hana đã phản chiến.
“Sức mạnh của Phát thanh trong chiến tranh là vậy”, nhà báo Vĩnh Trà trầm ngâm nhớ về những giai đoạn hào hùng của cuộc chiến và những đóng góp lớn lao của các thế hệ nhà báo, trong đó có các nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Hiểu rõ sức công phá của Đài phát thanh trong chiến tranh nên trong chiến dịch 12 ngày đêm hủy diệt Hà Nội, tháng 12/1972, chính quyền Hoa Kỳ đã trút bom rải thảm xuống các cơ sở của Đài Tiếng nói Việt Nam, đặc biệt là Đài phát sóng Mễ Trì. Một công nhân, tự vệ hy sinh, làn sóng chủ lực 297 m bị ngưng 9 phút, 9 phút làm nghẹt thở con tim hàng triệu người Việt và bạn bè thế giới. Sau 9 phút lịch sử ấy, Tiếng nói Việt Nam lại cất cao, báo tin ngay: Quân dân Hà Nội bắn rơi B.52 chiến lược của Hoa Kỳ. Nhờ có hệ thống đài phát sóng, bá âm, biên tập dự phòng, nhờ phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên vừa tác nghiệp, vừa trực chiến mà bảo đảm làn sóng liên tục trong chiến tranh.
Quay trở lại cuộc phỏng vấn đầu tháng 4/2015 của phóng viên AFP. Phóng viên hỏi nhà báo Vĩnh Trà: “Thưa ông, được biết ông là người con của Vĩnh Linh chịu nhiều hy sinh mất mát, khi vào chiến trường cảm nhận điều gì đầu tiên?” “Căm ghét chiến tranh. Phải loại từ tội ác ra khỏi cuộc sống”, nhà báo trả lời không chút ngần ngại. “Vì cho đến giờ tôi không sao quên được cái chết tức tưởi, một lúc của cậu, mợ, em tôi vì bom hủy diệt của quân đội Mỹ. Tôi không thể quên cả gia đình bạn tôi gồm 7 người đang ăn cơm tối thì bom Mỹ ném trúng mâm cơm đạm bạc. Mâm cơm thành hố bom sâu hoắm, 7 người vô tội chết không toàn thây. Mãi mãi không bao giờ quên một người dân Vĩnh Linh từ trẻ sơ sinh đến cụ già trong chiến tranh phải hứng chịu 7 tấn bom đạn các loại”, nhà báo Vĩnh Trà rung rung xúc động.
Cuối xuân 2002, lần đầu tiên sang nước Mỹ, đi dạo bên bờ sông Potomac (Mỹ) thơ mộng, Vĩnh Trà nhớ ngay đến dòng Bến Hải với cầu Hiền Lương một thời đau thương và oanh liệt của quê hương, như thấy 7.000 kg đè nặng lên tấm thân 60 kg của mình. “Năm tháng qua đi, chiến tranh qua đi sẽ nguôi ngoai phần nào, nhưng lúc ấy, khi bước chân vào chiến trường thì tinh thần căm thù đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai bốc lên ngùn ngụt. Vì căm ghét bom đạn mà chúng tôi cầm súng, cầm bút, cầm máy”, nhà báo Vĩnh Trà nhớ lại.
Phóng viên AFP từng hỏi Vĩnh Trà: “Ông căm thù như thế thì liệu phản ánh có khách quan không?”. Thật là khó nói đối với Vĩnh Trà. “Chúng tôi miêu tả sự thật, nhìn từ nhiều phía, từ nhiều góc độ chứ không cực đoan một chiều. Như thế không biết đã khách quan chưa? Nhưng một điều rất chủ quan, rất bản ngã là khi nghe tin đồng đội hy sinh, khi thấy bom đạn trút xuống nhà dân, thiêu cháy những con người yếu thế, chúng tôi bênh vực họ. Chúng tôi vì họ mà chiến đấu, mà hành nghề. Chỗ đứng của phóng viên chiến tranh là nêu cao chính nghĩa, nói rõ sự thật, thu phục lòng người”, nhà báo Vĩnh Trà kể lại.
“Ở chiến trường, đêm buồn nhất của những người làm báo, người lính là làm một bữa “cà phê gạo rang” tiễn đồng nghiệp xuống vùng sâu như truy điệu sống, vì ngày mai chắc gì còn trở lại? Bỏ lại nỗi buồn cho núi rừng là họ lại phăm phăm tiến lên phía có tiếng súng. Phóng viên lính là vậy”, nhà báo Vĩnh Trà tâm sự.
Khi được hỏi về suy nghĩ cá nhân trước khi ra mặt trận, Nhà báo Vĩnh Trà tâm sự: “Nghĩ thì nhiều, nhưng đắn đo thì không”. Không nghĩ sao được, khi con đầu lòng của ông lúc đó mới 6 tháng trong bụng mẹ. Vợ ông, bà Phạm Thanh Trà, phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam bụng mang dạ chửa, một mình đạp xe nam xuống hiện trường máy bay Mỹ vừa dội bom để viết phóng sự thu thanh kịp phát sóng. Đến kỳ sinh nở không có người thân bên cạnh. Con sinh ra không biết mặt cha. Thời chiến tranh phá hoại bằng không quân Mỹ mở rộng ra toàn miền Bắc, cả nước là chiến trường. Cặp đôi ông, bà Vĩnh Trà-Thanh Trà đã sống và làm việc thời chiến tranh với hai tiếng “sẵn sàng”. Có lệnh là đi. Thời đó, ông và bà cũng như nhiều người chiến sỹ, người lính, nhà báo yêu nước không được phép đắn đo, càng không được băn khoăn. Băn khoăn, nghi ngờ gì nữa khi Đất Nước chưa yên thì Nhà làm sao lành lặn, sum vầy. Sự khắc nghiệt của chiến tranh đã không cho phép những người lính, người cầm bút được nghĩ nhiều về bản thân, về cá nhân.
Trước câu hỏi: “Ông nghĩ gì về thế hệ nhà báo mà ông đi qua”, nhà báo Vĩnh Trà trả lời ngắn gọn trong 6 chữ: “Chịu đựng – Cống hiến và Hy sinh. Về sự chịu đựng của nhà báo chiến tranh, trong đó có nhà báo phát thanh, tôi đã miêu tả một phần nhỏ. Còn Cống hiến thì Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Trong chiến tranh, báo chí là binh chủng hợp thành làm nên chiến thắng”.
Ngày nay, thế giới vẫn đối mặt với chiến tranh và khủng bố: nội chiến, chiến tranh cục bộ, chiến tranh biên giới, chiến tranh sắc tộc, tôn giáo, chiến tranh mạng… Ở đâu có xung đột, chiến tranh là ở đó có mặt Nhà báo. Họ đã tác nghiệp, đã chiến đấu, không ít người đã ngã xuống cho lẽ phải. Không phải họ hiếu chiến, mà họ là “thư ký của Thời đại” họ phản ánh, phơi bày sự thật, dự báo tương lai cho chính đáng, cho nhà cầm quyền có thêm thông tin để lựa chọn con đường đi, tránh chiến tranh, loại bỏ chiến tranh cho các quốc gia và cho toàn nhân loại được bình yên.
“Chốn bình yên mới tôn vinh giá trị cao đẹp của con người. Khát vọng của Nhà báo chiến tranh là như thế”, nhà báo Vĩnh Trà nói, như một đúc kết cuộc một cuộc đời dấn thân vì nghề báo, vì Tổ quốc./.