Người có uy tín có tiếng nói quan trọng ở đồng bào dân tộc thiểu số
VOV.VN - Người có uy tín luôn có tiếng nói quan trọng trong việc gìn giữ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đây là một trong những nhận định được các đại biểu tham dự Hội thảo chuyên đề về “Phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số” do Cơ quan Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức chiều 5/7.
Ông Hầu A Lềnh phát biểu khai mạc hội thảo |
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hầu A Lềnh- Bí thư Đảng ủy Cơ quan Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, người có uy tín trong cộng đồng thiểu số khoảng 34.000 người, công tác tại nhiều vị trí trong cộng đồng dân cư và các địa bàn khác nhau.
"Họ có điểm chung là những người được dòng họ, khu dân cư suy tôn. Người có uy tín ở cộng đồng dân cư và trong đồng bào dân tộc thiểu số đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cánh tay nối dài tại cơ sở, hết sức quan trọng” - ông Hầu A Lềnh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hầu A Lềnh, trong những năm qua, thông qua công tác phối hợp, phát huy vai trò của người có uy tín trong hệ thống chính trị, bằng uy tín và ảnh hưởng của mình, người có uy tín thực sự đã trở thành cầu nối giúp cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể ở các cấp trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Những người này đóng góp nhiều trong các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số gìn giữ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để phát huy vai trò những người có uy tín, xứng đáng với niềm tin yêu, sự tôn vinh và kính trọng của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã xây dựng, bồi dưỡng, phát huy người có uy tín tích cực vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, động viên con em người thân trong gia đình, trong dòng họ và mọi người trong cộng đồng thôn bản phát triển sản xuất, ổn định đời sống, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đấu tranh, ngăn chặn mọi âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Bà Trương Thị Ngọc Ánh- Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng chỉ ra một số hạn chế trong việc triển khai chính sách đối với những người có uy tín trong thời gian qua. Như một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa quan tâm đầy đủ tầm quan trọng của công tác xây dựng và phát triển người có uy tín nên chưa thực sự quan tâm chỉ đạo và phân công quản lý, phân cấp, vận động để xây dựng lực lượng người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Công tác vận động người có uy tín còn chồng chéo, chưa làm rõ quyền và trách nhiệm của người có uy tín. Chưa chú trọng công tác bồi dưỡng, cung cấp thông tin cho người có uy tín để thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đồng bào.
Thiếu tướng Ngô Thanh Hải- Cục trưởng Cục Dân vận, Quân đội nhân dân Việt Nam. |
Thiếu tướng Ngô Thanh Hải- Cục trưởng Cục Dân vận, Quân đội nhân dân Việt Nam nhấn mạnh người có uy tín đóng vai trò hết sức tích cực trong việc giúp lực lượng vũ trang tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn hoạt động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chính vì thế, theo Thiếu tướng Ngô Thanh Hải, phát huy vai trò của người có uy tín không chỉ có ý nghĩa quan trọng về an ninh chính trị, an toàn xã hội mà còn góp phần to lớn trên mặt trận xây dựng tiềm lực quốc phòng bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay.
Cũng tại Hội thảo, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đề xuất việc xây dựng thêm định danh “người cốt cán trong cộng đồng dân tộc thiểu số", nhấn mạnh phải đổi mới cách tiếp cận công tác tuyên truyền, vận động ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong xu thế hội nhập và phát triển, thời đại kỹ thuật số, công nghệ 4.0.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nêu một số đề xuất liên quan đến chính sách dành cho người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số. |
"Ủy ban Dân tộc đang chủ trì cùng với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng đề án tổng thể đầu tư phát triển khu vực dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025” - ông Đỗ Văn Chiến cho biết thêm./.