Người dân Cà Mau cần thu hoạch hết cua bệnh, gắt vụ để tránh thiệt hại
VOV.VN - Hàng trăm hộ dân nuôi cua ở tỉnh Cà Mau bị thiệt hại do dịch bệnh. Cơ quan chức khăng khuyến cáo, cần thu hoạch dứt điểm và gắt vụ nuôi.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Cà Mau, đến nay trên địa bản tỉnh đã có hơn 1.900 ha cua nuôi của hơn 500 hộ dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau bị thiệt hại; trong đó, huyện Đầm Dơi là địa phương bị thiệt hại nhiều nhất khi có trên 1.224 ha, thuộc 280 hộ nuôi, mức độ thiệt hại ghi nhận là từ 5 - 30%. Tại huyện Năm Căn, vùng nuôi cua nổi tiếng nhất tỉnh Cà Mau, cũng đã có hơn 676 ha cua nuôi thiệt hại, mức độ thiệt hại 25 - 40 %.
Trước tình hình trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Cà Mau đã tiến hành điều tra thực tế. Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, cua có màu sắc sạm màu, yếu, hoạt động chậm chạp… cua chết sau một vài giờ đến một ngày.
Giải phẫu hầu hết cua bị đen mang, màu nhợt nhạt, thân óp, thịt tiêu biến, cơ thịt nhão chuyển màu hồng, nghi có nhiều giáp xác chân đều trong xoang thân. Đặc biệt, cua chết xuất hiện ở tất cả các kích cỡ nuôi 10 - 15 con/kg cho đến 3 - 4 con/kg.
Kết quả phân tích mẫu từ Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam sông Hậu cho thấy, tất cả các mẫu cua đều ghi nhận vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus hiện diện trong tất cả các gan tụy cua, có dấu hiệu bệnh lý. Trong số đó, có 4/10 con xuất hiện ký sinh Zothamium spp, đồng thời cũng có sự hiện diện của giáp xác chân đều, ký sinh trùng bám, trùng loa kèn phát triển. Thông qua kết quả nhận diện sơ bộ cho thấy môi trường ao nuôi xấu, ô nhiễm nền đáy ao.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Cà Mau cho biết thêm, hiện tượng cua nuôi chết năm nay cũng lặp lại tương tự như những năm 2020 - 2023 nhưng chết ít và muộn hơn; hiện chưa có kết quả nghiên cứu chính thức giải pháp phòng, trị bệnh trên cua nuôi thương phẩm nên chưa có giải pháp phòng, trị hiệu quả.
Đơn vị này khuyến cáo người dân cần chủ động theo dõi diễn biến dịch bệnh, đồng thời thu hoạch ngay cua còn lại trong vuông nuôi để hạn chế thiệt hại, không nên thả thêm giống để tránh gây thiệt hại; cắt vụ nuôi; theo dõi các yếu tố môi trường, cấp thêm nước để hạn chế nhiệt độ và độ mặn tăng quá cao; thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong quản lý sức khỏe tôm, cua nuôi, định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học, men vi sinh làm ổn định môi trường, tăng sức đề kháng, hệ thức ăn tự nhiên, vi sinh vật có lợi làm thức ăn cho tôm, cua và ổn định môi trường vuông nuôi