Người dân ở Hà Nội được yêu cầu cách ly tại nhà đúng cách dịp cận Tết
VOV.VN - Làm thế nào để giảm tải cho hệ thống y tế cơ sở trong dịp Tết khi số ca mắc mới tại Hà Nội vẫn xấp xỉ 3000 ca/ngày là vấn đề đang được quan tâm.
Chỉ còn ít ngày nữa là tới Tết Nguyên đán, nhưng số ca mắc mới tại Hà Nội vẫn xấp xỉ 3000 ca mỗi ngày. Số lượng người dân Hà Nội được tiêm đủ 2 mũi vắc xin đã ở mức gần 90% và thành phố đang triển khai tiêm vaccine mũi thứ ba, song thực tế số ca F0 tăng nhanh đã khiến hệ thống y tế của Hà Nội không khỏi bị động trong quản lý xét nghiệm phân loại bệnh nhân điều trị.
Chỉ còn khoảng chưa đầy một tuần nữa là tới Tết Nguyên đán, Hà Nội vẫn dẫn đầu trong số các địa phương có ca mắc Covid-19 cao nhất với mức trên dưới 3.000 trường hợp mắc mới một ngày. Con số này được nhận định là có thể chưa phản ánh hết thực tế số ca nhiễm. Đặc biệt, những ngày cận Tết, người dân đi lại, gặp gỡ nhiều hơn. Đây là “cơ hội” để Covid-19 bùng phát mạnh hơn nữa nếu người dân không tự thực hiện nghiêm quy định 5K. Theo TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tới thời điểm này, đeo khẩu trang được coi là biện pháp quan trọng nhất để giảm nguy cơ lây nhiễm.
“Việc đếm ca nhiễm vào thời điểm này không còn quá quan trọng. Vấn đề là bảo vệ sức khỏe cho những người có bệnh nền, người già, đề kháng kém, dễ tử vong. Không gì khác là người dân phải tự bảo vệ mình thôi, “sức khỏe là vàng”, vậy thì không ai có thể bảo vệ tài sản sinh mạng của mình được cả”, TS Nguyễn Huy Nga cho hay.
Hà Nội là địa phương có mật độ dân cư rất cao ở các xã, phường, trong đó có những phường có tới 9 vạn dân trong khi trạm y tế cơ sở chỉ có đến chục nhân viên y tế, dẫn đến quá tải trong quản lý, nhiều nơi người bệnh mòn mỏi chờ y tế phường. Chính vì vậy, việc điều trị tại nhà được xem là việc tất nhiên phải làm.
Trong bối cảnh số ca mắc tại Hà Nội vẫn tăng cao, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải xem lại việc tuân thủ cách ly tại nhà của người dân có tốt hay không. Rõ ràng nếu tuân thủ không tốt việc cách ly giữa những người trong gia đình thì việc điều trị tại nhà vô hình chung lại là một trong những nguyên nhân làm gia tăng số ca lây nhiễm.
Số ca nhiễm nhiều lên cũng có nghĩa là xác xuất số ca trở nặng cũng tăng theo khiến cho việc thu dung điều trị gặp nhiều khó khăn, nguy cơ dẫn đến tình trạng vì quá tải mà dẫn đến sự chậm trễ trong tiếp cận với các dịch vụ y tế khi bệnh nhân trở nặng.
Theo TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nhiễm khuẩn Hà Nội, đây cũng là cảnh báo cần được lưu tâm điều chỉnh kịp thời để vừa đảm bảo an toàn cho người dân, vừa duy trì hoạt động kinh tế xã hội của thành phố.
“Việc cách ly điều trị tại nhà không đơn thuần là của ngành y tế được khi một nhà mà có người bị F0 thì có nghĩa cả nhà đó gần như phải cách ly. Như vậy để tuân thủ nghiêm không có người ra vào, chúng ta cần có sự hỗ trợ từ bên ngoài trong vấn đề ăn uống. Cùng với đó là những biện pháp phòng ngừa đảm bảo trong gia đình để không lây lan ra người khác trong gia đình, lây lan ra người xung quanh; rồi quản lý chất thải lây nhiễm… Tất cả những cái đó cần phải có sự tham gia của cá nhân, cộng đồng rồi cả những người tình nguyện”, TS Hùng nhấn mạnh.
Giảm tải cho y tế cơ sở bằng việc cách ly điều trị tại nhà là kinh nghiệm mà nhiều nước đã triển khai, đặc biệt là TP.HCM trong thời kỳ đỉnh dịch giữa năm ngoái. Theo TS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, vấn đề là phải tổ chức làm sao cho hiệu quả bằng việc chuyển hướng tiếp cận mới: thay vì xây thêm nhiều bệnh viện dã chiến hay tăng cường nhân lực y tế, những việc không thể thực hiện “một sớm,một chiều”, phải làm sao để mỗi người dân phải trực tiếp tham gia vào công cuộc chống dịch.
“Chúng tôi đã lên kế hoạch phối hợp với các lực lượng tư vấn cho các gia đình có người nhiễm cách chăm sóc và điều trị bản thân khi không may nhiễm bệnh. Tinh thần là hỗ trợ tốt các trường hợp điều trị tại nhà để họ bảo vệ được sức khỏe cho bản thân và gia đình mình”, bà Hà cho biết.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, để chủ động cách ly và điều trị tại nhà khi có triệu chứng, người dân cũng phải biết cách để theo dõi như biết sử dụng những thuốc ho, hạ sốt, chống viêm nhiễm thông thường, chứ không nên thụ động chờ cán bộ y tế cơ sở. Mặt khác, chính quyền địa phương khi nhận được yêu cầu hỗ trợ từ người dân cũng phải sẵn sàng trợ giúp, chứ không thể bỏ mặc để bệnh diễn tiến nặng lên./.