Người lao động “ngậm quả đắng” khi mượn hồ sơ xin việc

VOV.VN - Không đủ điều kiện tuyển dụng, rất nhiều lao động ở Bình Dương đã mượn hồ sơ của người khác để xin việc và tham gia bảo hiểm xã hội.

Việc làm này vi phạm quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, gây không ít khó khăn cho cơ quan bảo hiểm xã hội và rắc rối cho chính người lao động trong giải quyết chế độ. 

Nhiều hệ lụy

Cách đây 15 năm, từ Vĩnh Long lên Bình Dương mưu sinh, nhưng vì chưa làm chứng minh nhân dân nên anh Nguyễn Văn Hòa phải mượn hồ sơ của anh trai là Nguyễn Văn Đông để xin việc làm tại một công ty ở thành phố Thuận An. Suốt một thời gian dài “mượn danh” của anh trai, anh Hòa gặp không ít thiệt thòi, nhất là chính sách với người lao động.

“Ngày xưa, tôi không có chứng minh nhân dân nhưng giờ đã có nên muốn đổi tên tuổi chứ mượn danh vậy không đúng. Tôi rất mong muốn cơ quan bảo hiểm đổi tên Nguyễn Văn Đông thành Nguyễn Văn Hòa”- anh Hòa chia sẻ.

Người lao động đến nhờ Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương điều chỉnh hồ sơ bị trùng.

Việc “mượn tên” để xin việc đã gây không ít rắc rối, hệ lụy. Có người không được nhận trợ cấp thai sản, do tên mẹ trong giấy khai sinh khác với tên trong hồ sơ xin việc. Tình trạng “tình ngay lý gian” cũng xảy ra tương tự với những người được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần. Bản thân người mượn hồ sơ tham gia đóng bảo hiểm nhưng khi nghỉ việc không được nhận trợ cấp vì thiếu các giấy tờ pháp lý.

Người mượn danh đã thiệt, người cho mượn cũng khốn khổ chẳng kém. Như trường hợp chị Nguyễn Thị Thủy Tiên, làm tại một công ty ở thành phố Dĩ An. Sau thời gian làm công nhân, chỉ quyết định nghỉ việc để làm ăn kinh doanh riêng. Để giải quyết chế độ trước khi nghỉ, chị đi đăng ký nhận bảo hiểm xã hội. Nhưng khi làm hồ sơ, chị Tiên được thông báo có một sổ bảo hiểm trùng tên, tuổi, số chứng minh nhân dân nên không được chốt sổ. Lúc này, chị Tiên mới “tá hỏa” tìm người đã từng mượn hồ sơ của mình để cùng lên bảo hiểm xã hội giải quyết.

“Lúc đó, tôi chưa biết việc cho mượn hồ sơ bị lập biên bản, bị phạt như bây giờ. Người mượn hồ sơ thông qua người dì của tôi, nên tôi phải nhờ dì đi tìm người đã mượn. Lúc chưa liên lạc được, tôi rất sợ không lấy được tiền bảo hiểm, không giải quyết được sau này sẽ không đi làm công ty và tham gia bảo hiểm xã hội được nữa”, chị Tiên chia sẻ.

Mở lối cho người lao động

Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, đã phát hiện hơn 800 người lao động trùng hồ sơ trong quá trình tham gia bảo hiểm xã hội. Hầu hết các trường hợp này là do người lao động mượn hồ sơ của người khác người khác xin việc. Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, người lao động mượn hồ sơ người khác đều có chung lý do là không đủ tuổi lao động; hay ngại về quê xác nhận giấy tờ. Ngoài ra, việc dễ dãi trong công tác tuyển dụng của nhiều công ty cũng tiếp tay cho người lao động “lách luật”.

Theo Luật Lao động, việc mượn tên, bằng cấp của người khác để được làm việc là hành vi gian dối, không trung thực. Dù người lao động được hưởng lương, thưởng đều đặn hàng tháng, hàng năm nhưng khi có sự cố xảy ra thì họ mất hết quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp thất nghiệp…

“Mở lối” cho người lao động, mới đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đồng ý cho người lao động được làm lại hồ sơ để hưởng chế độ. Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương cũng đang liên lạc với những người sử dụng hồ sơ giả điều chỉnh lại cho đúng. 

Qua rà soát Bình Dương có khoảng 800 hồ sơ trùng.

Ông Nguyễn Phi Hiền, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bình Dương cho hay, nếu Bảo hiểm xã hội Việt Nam không đồng ý cho điều chỉnh những trường hợp trùng hồ sơ thì thiệt thòi thuộc về người lao động: “Nếu cơ quan bảo hiểm phát hiện không điều chỉnh được sẽ không giải quyết chế độ bảo hiểm sau này, ảnh hưởng đến quyền lợi cho người lao động. Chịu thiệt thòi là người lao động kể cả người cho mượn và người đi mượn hồ sơ, nếu hồ sơ không khớp với giấy tờ tùy thân không giải quyết được chế độ cho cả hai người”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, để có bộ hồ sơ xin việc giả đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng, người lao động không thể tự làm mà có dịch vụ hỗ trợ. Người lao động chỉ cần bỏ ra từ 200-300 ngàn đồng sẽ có ngay bộ hồ sơ giả với đầy đủ các loại giấy tờ.

Vấn đề đặt ra, nếu việc làm hồ sơ giả ở Bình Dương không được kiểm soát, liệu sẽ có bao nhiêu người lao động tiếp tục mượn danh người khác để mưu sinh? Song song đó, việc tuyển dụng khá dễ dàng của công ty và công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về Luật lao động cho người lao động không được chú trọng sẽ còn nhiều người "cười ra nước mắt" khi không được giải quyết chế độ bảo hiểm do sử dụng hồ sơ xin việc giả./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên