Nguy cơ mất an toàn trước mùa mưa lũ của hàng trăm hộ dân ở Lai Châu
VOV.VN - Mùa mưa năm nay đã đến, hàng trăm hộ dân trong vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét tại Mường Tè hiện đang nơm nớp lo sợ mất an toàn tính mạng và tài sản.
Địa hình đồi núi dốc, cộng với thời tiết những năm gân đây diễn biến bất thường đã gây sạt lở, lũ quét ở nhiều bản làng tại huyện biên giới Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Mùa mưa năm nay đã đến, hàng trăm hộ dân trong vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét tại Mường Tè hiện đang nơm nớp lo sợ mất an toàn tính mạng và tài sản.
Bản Chà Dì, xã Bum Tở (Mường Tè) có hơn 70 hộ dân, với gần 400 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc La Hủ sinh sống. Do điều kiện kinh tế khó khăn, địa hình đồi núi dốc, nên hầu hết các hộ đều có nhà ở chênh vênh bên sườn núi hoặc khe cạn, mùa mưa rất nguy hiểm.
Do địa hình đồi núi dốc, cộng với bị chia cắt bởi lưu vực sông, suối nên hiện nay việc bố tái định cư cho người dân vùng thiên tai tại huyện Mường Tè rất khó khăn.
"Mỗi khi trời mưa to là phải thông báo cho bà con chuyển sang bên nhà trường ở tạm. Bây giờ dân mong muốn sớm được chuyển đến chỗ an toàn hơn"- Anh Ki Lù Ki, một người dân ở bản cho biết.
Người dân ở bản Nà Phầy, xã Vàng San đã được bố trí tái định cư, nhưng vẫn đang đối mặt với nguy cơ sạt lở do được bố trí làm nhà ngay sát con suối lớn. Mỗi khi mưa to, nước suối dâng cao rất nguy hiểm. Ông Vàng Văn Long, người dân bản Nà Phầy chia sẻ, di giãn dân lên mặt bằng mới của bản Nà Phầy, nhưng kè cống vẫn chưa xong.
"Bà con đã dựng nhà, dựng cửa, bao nhiều tài sản đều mang theo, nhưng mưa lũ về đe dọa lấy đi mất tài sản. Từ đầu mùa mưa, nước suối về đã xói dần xói mòn, nên gia đình tôi đã thuê xe về để đổ đất bu vào chỗ bị xói để đảm bảo an toàn"- ông Vàng Văn Long nói.
Ông Tống Văn Thi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Tè cho biết, nhu cầu di chuyển của người dân thì lớn, trong khi địa phương là huyện nghèo, kinh phí bố trí hàng năm có hạn.
"Việc sắp xếp và bố trí người dân ra khỏi vùng thiên tai ở Mường Tè đã gặp một số khó khăn. Địa hình của huyện Mường Tè là đồi núi dốc, giao thông đi lại khó khăn, lưu vực sông, suối nhiều. Để bố trí được khu dân cư thì cần phải nguồn đầu tư lớn, trong khi quỹ đất cũng hạn hẹp"- ông Tống Văn Thi cho biết.
Theo thống kê, huyện Mường Tè hiện cần khoảng 20 dự án sắp xếp dân cư theo các loại hình thiên tai để bố trí cho trên 1.000 hộ, với hơn 5.000 nhân khẩu. Hiện nay, huyện mới được phê duyệt 10 điểm, với gần 400 hộ dân. Chỉ tính số tiền cần để bố trí di dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở cao, mỗi năm huyện cần tới trên 30 tỷ đồng.
"Trước những khó khăn, vướng mắc hiện nay, huyện cũng mong muốn đề xuất với tỉnh và các cơ quan Trung ương, đối với các vùng đã sắp xếp dân cư mà chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cần tiếp tục quan tâm, bổ sung kinh phí cho huyện; sắp xếp đối với vùng đã di chuyển người dân vùng nguy cơ thiên tai như các bản Nà Phầy, Nà Hừ của xã Bum Nưa và Vàng San hiện đang còn thiếu. Đồng thời bố trí kinh phí cho huyện để tổ chức tốt việc di chuyển, sắp xếp dân cư vùng thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và cuộc sống cho người dân"- ông Tống Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết.
Thiệt hại về người và tài sản do lũ quét, sạt lở đất năm nào cũng xảy ra tại Mường Tè, các con số thiệt hại có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương cũng đang nỗ lực để đảm bảo an toàn cho người dân. Tuy nhiên, do là huyện nghèo, nguồn lực hạn chế, vì vậy rất cần sự hỗ trợ từ các bộ, ngành ở Trung ương./.