Nguy cơ nhiễm bệnh tiềm ẩn tại các bể bơi mùa hè

VOV.VN - Mùa hè đến, nhu cầu đi bơi tại các bể bơi công cộng tăng cao, sự đông đúc tại các bể bơi, sự thiếu ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung của nhiều người bơi là “cơ hội” để các bệnh truyền nhiễm phát triển.

Ngay từ đầu mùa hè, khi thời tiết bắt đầu nắng nóng, nhiều hồ bơi, bể bơi công cộng đã đông nghịt khách. Đặc biệt, vào đợt cao điểm nắng nóng, mỗi bể bơi đón hàng trăm lượt khách mỗi ngày với đủ các độ tuổi, từ người lớn cho đến trẻ nhỏ.

Hiện, trên địa bàn Hà Nội có gần 200 bể bơi lớn, nhỏ, có thể kể đến như: Tăng Bạt Hổ, Thái Hà, bể bơi Thanh niên, bể bơi Thái Hà... Giá vé tại các bể bơi này khá bình dân, dao động từ 50.000-80.000 đồng/lượt. Ngoài ra, tại các khu chung cư, nhà cao tầng, hầu hết đều có bể bơi miễn phí cho các cư dân.

Số lượng bể bơi không nhiều trong khi nhu cầu thư giãn, bơi lội của người dân tăng cao, chính vì vậy mà các bể bơi công cộng luôn đông đúc vào mùa hè, đây là “cơ hội” để các bệnh truyền nhiễm phát triển, đe dọa sức khỏe con người.

Chị Nguyễn Thanh Hương ở Ba Đình, Hà Nội chia sẻ, vào những ngày hè nóng nực, buổi chiều chị thường cho 2 con nhỏ đi bơi ở bể bơi công cộng gần nhà. Mặc dù cũng biết bể bơi khá đông, dễ bị lây các bệnh truyền nhiễm nhưng đang thời điểm nghỉ hè, thi thoảng chị vẫn chiều theo sở thích của các con mình. Khi về nhà, chị luôn nhắc các con tắm lại thật sạch sẽ…

Anh Nguyễn Quang Hòa, ở Cầu Giấy cho hay, anh có sở thích đi bơi từ nhiều năm nay, các hồ bơi thường đông đúc và người bơi có nhiều thành phần khác nhau (người khỏe mạnh, người có bệnh về da…), việc va chạm khi bơi là điều không tránh khỏi. Có 1 lần đi bơi về, người anh Hòa bỗng dưng có nhiều nốt đỏ, ngứa và phồng rộp, đến Bệnh viện Da liễu khám thì bác sĩ chẩn đoán anh bị viêm da do lây nhiễm. Từ đó, anh đành phải từ bỏ sở thích đi bơi của mình.

Theo các chuyên gia y tế, bể bơi được coi là nơi dễ bị ô nhiễm nhất, do bị tác động bởi môi trường bên ngoài, dễ bị nhiễm khuẩn bởi bụi bẩn, các loại vi trùng, nước mưa hay phân chim... Cùng với đó, nguồn thải ô nhiễm ra bể bơi còn có các vi sinh vật, lượng dầu bài tiết từ cơ thể người đi bơi như mồ hôi, nước tiểu, nước bọt...

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga - Viện trưởng Viện khoa học sức khỏe Quang Trung, nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế), một trong những căn bệnh phổ biến hay bị lây nhiễm tại các hồ bơi là bệnh đau mắt đỏ. Nguyên nhân gây bệnh có thể do bị nhiễm khuẩn trong nước hồ bơi, có thể bị lây chéo từ những người đã mắc sẵn các bệnh lý về mắt trước đó.

Nguồn nước tại các bể bơi công cộng không đạt chuẩn, hệ thống khử nước không đảm bảo và nước không được thay thường xuyên… chính là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn phát triển gây ra một số bệnh trên da như: viêm da dị ứng, viêm nang lông, viêm lỗ chân lông, nấm… Đặc biệt là thói quen xấu của một số người khi đi tiểu vào ngay trong nước bể bơi, khạc nhổ nước bọt bừa bãi, khiến cho nước dễ bị ô nhiễm…

Theo quy định, các hồ bơi không được phép cho những người mắc các bệnh truyền nhiễm vào hồ. Người đến bơi phải được tắm rửa trước khi xuống hồ... Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều hồ bơi không thực hiện chặt chẽ những quy định này, ai có nhu cầu bơi cũng đều vào được.

Hiện nay, bơi lội vừa thư giãn, vừa nâng cao sức khỏe là nhu cầu không thể thiếu của nhiều người, tuy nhiên, để bảo vệ an toàn cho mình và mọi người thì người đi bơi cần có ý thức chấp hành các biện pháp giữ vệ sinh chung của bể bơi; tắm gội sạch sẽ trước khi xuống bể, không tiểu tiện, khạc nhổ ra bể; không nên đi bơi khi cơ thể không khỏe mạnh, có các bệnh ngoài da, bệnh lây nhiễm…

PGS.TS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo: “Khi xuống bể bơi, người bơi nên trang bị các phương tiện bảo hộ như kính, mũ bơi... để bảo vệ cho các vùng nhạy cảm trên cơ thể, nhất là đôi mắt; cần vệ sinh cá nhân sạch sẽ sau khi bơi, nên tắm lại bằng nước sạch rồi lau khô và dùng bông tai thấm khô nước trong tai; rửa mắt, mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý”.

Cơ quan quản lý bể bơi cũng nên đảm bảo vệ sinh sạch sẽ bể bơi, thay nước thường xuyên, không nên lạm dụng hóa chất sát khuẩn nước, cung cấp đầy đủ nước tắm, xà phòng... cho người bơi, tắm rửa sạch sẽ trước và sau khi bơi. /.       

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Vào hè, nguy cơ gia tăng trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm
Vào hè, nguy cơ gia tăng trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm

VOV.VN -Trong điều kiện nắng nóng như hiện nay, trẻ em rất dễ có nguy cơ mắc một số bệnh như sốt virus, cảm cúm, bệnh viêm đường hô hấp.

Vào hè, nguy cơ gia tăng trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm

Vào hè, nguy cơ gia tăng trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm

VOV.VN -Trong điều kiện nắng nóng như hiện nay, trẻ em rất dễ có nguy cơ mắc một số bệnh như sốt virus, cảm cúm, bệnh viêm đường hô hấp.

Bạn cần làm gì để không mắc bệnh truyền nhiễm?
Bạn cần làm gì để không mắc bệnh truyền nhiễm?

VOV.VN - Cảm cúm, tiêu chảy, sốt xuất huyết… là bệnh lây truyền trực tiếp virus, vi khuẩn... từ người sang người hoặc gián tiếp từ vật trung gian sang người.

Bạn cần làm gì để không mắc bệnh truyền nhiễm?

Bạn cần làm gì để không mắc bệnh truyền nhiễm?

VOV.VN - Cảm cúm, tiêu chảy, sốt xuất huyết… là bệnh lây truyền trực tiếp virus, vi khuẩn... từ người sang người hoặc gián tiếp từ vật trung gian sang người.

Việt Nam có khả năng xuất khẩu các kit chẩn đoán bệnh truyền nhiễm
Việt Nam có khả năng xuất khẩu các kit chẩn đoán bệnh truyền nhiễm

VOV.VN - Với việc chế tạo thành công bộ sinh phẩm (kit) chẩn đoán Covid- 19, Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia làm chủ công nghệ này.

Việt Nam có khả năng xuất khẩu các kit chẩn đoán bệnh truyền nhiễm

Việt Nam có khả năng xuất khẩu các kit chẩn đoán bệnh truyền nhiễm

VOV.VN - Với việc chế tạo thành công bộ sinh phẩm (kit) chẩn đoán Covid- 19, Việt Nam trở thành một trong số ít các quốc gia làm chủ công nghệ này.