Nguy cơ thiếu vật liệu san lấp cao tốc Bắc-Nam qua Bình Định
VOV.VN - Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 qua địa bàn tỉnh Bình Định đang được các đơn vị thi công tiến hành san lấp mặt bằng. Tuy nhiên, việc phê duyệt các mỏ vật liệu, bãi đổ thải chậm trễ khiến việc thi công tuyến chính gặp khó khăn.
Những ngày này, hàng trăm công nhân cùng phương tiện của Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, Binh đoàn 12, Bộ Quốc Phòng tập trung 7 mũi thi công tại gói thầu số 11, Dự án thành phần Hoài Nhơn - Quy Nhơn, cao tốc Bắc - Nam. Trong quá trình triển khai san ủi mặt bằng, nhà thầu gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể, các địa phương ở tỉnh Bình Định đã giao đơn vị thi công trên thực địa 70% mặt bằng nhưng chủ yếu vị trí đất ruộng, còn lại vị trí đồi cao cần lấy đất để san lấp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng dẫn đến không thể thi công một cách đồng bộ.
Các bãi đổ thải chưa được triển khai nên không có vị trí thích hợp đổ thải. Đơn vị thi công tập kết tạm thời đất không thích hợp san lấp ra 2 bên tuyến gây vướng mặt bằng thi công.
Thượng tá Nguyễn Văn Toàn, Chỉ huy trưởng phụ trách thi công dự án thành phần đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn cho biết, các vướng mắc về vật liệu san lấp đang làm chậm tiến độ công trình: “Trữ lượng cát được tỉnh Bình Định cấp cho các doanh nghiệp tư nhân ở đây một năm người ta chỉ cấp phép là từ 6.000-7.000m3, thời gian cấp phép trong vòng 2 năm thôi. Cho nên, trữ lượng cát để đảm bảo cho dự án tại địa bàn là không đảm bảo. Thứ 2, hiện nay, các nhà cung cấp, các mỏ cũng có có hiện tượng đang giữ lại và đang có hiện tượng đẩy giá. Như giá của năm ngoái theo thông báo giá của tỉnh Bình Định thì nhà thầu được hưởng 95.000 đồng/m3 tại mỏ. Bây giờ giá thị trường đẩy lên 160.000 đồng/m3. Hiện nay, đang rất khó khăn mà nguồn không có”.
Huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định đang thực hiện 5 khu tái định cư với 163 lô đất, trong đó có 3 khu tái định cư đang triển khai thi công, 2 khu còn lại đang thẩm định hồ sơ và chuẩn bị khởi công. Tuy nhiên, các khu vực đang triển khai thi công chủ yếu bóc lớp phong hóa và thực hiện một số các hạng mục về xây lắp như: Bể xử lý nước thải, đường ống. Thế nhưng, đất san lấp 5 khu tái định của dự án cao tốc Bắc-Nam ở huyện Phù Mỹ vẫn còn vướng do địa phương đang lập thủ tục cấp phép khai thác mỏ.
Ông Ngô Thanh Hải, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng và phát triển Quỹ đất huyện Phù Mỹ cho biết, UBND tỉnh Bình Định đã chấp thuận cho huyện Phù Mỹ khai thác mỏ đất ở thôn Đại Thuận, xã Mỹ Hiệp diện tích 4,56 hecta hiện đang làm thủ tục để khai thác.
Cũng theo ông Ngô Thanh Hải, việc sớm cấp phép mỏ đất san lấp sẽ quyết định đến tiến độ hoàn thành khu tái định cư: “5 khu đó một mỏ, dự kiến đất đắp hơn 15.000 m3. Cái này không khó nhưng thủ tục cấp phép nó dài. Phải làm rồi khảo sát, khối lượng, đánh giá tác động môi trường rồi bồi thường mỏ đất. Trình hết lên trên đó để Sở Tài nguyên và Môi trường đi kiểm tra rồi trình lên tỉnh mới cấp phép. Ở địa phương cũng rán tập trung để làm, tại vì các đơn vị thi công chỉ có 75 ngày thôi để phải hoàn thành mặt bằng, xong hết các khu tái định cư. Thời gian cuối tháng 6, đầu tháng 7 sẽ xong khu tái định cư”.
Lý giải về nguyên nhân chưa bàn giao mốc giải phóng mặt bằng các bãi đổ thải dự án thành phần Hoài Nhơn - Quy Nhơn, đại diện Ban Quản lý dự án 85, Bộ Giao thông - Vận tải cho rằng, theo quy định, mặt bằng của mỏ vật liệu, bãi thải thì khi nhà thầu vào ký hợp đồng mới triển khai. Hiện nay, một số gói thầu triển khai sớm hơn đã bàn giao, gói thầu ký kết muộn hơn các nhà thầu đang tiến hành khảo sát, đánh giá lại mặt bằng, trữ lượng mới lên phương án cắm mốc giải phóng mặt bằng rồi mời địa phương để bàn giao.
Ông Nguyễn Văn Uy, Trưởng phòng Điều hành dự án Ban Quản lý dự án 85, Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, nguồn vật liệu tại mỏ trên địa bàn tỉnh Bình Định không thiếu, tuy nhiên thủ tục để cấp phép, lấy đất về công trình còn vướng nhiều thủ tục. Ban Quản lý dự án 85 cũng đã đề nghị tỉnh Bình Định chỉ đạo các sở, ngành liên quan hỗ trợ nhà thầu trong việc cấp phép mỏ vật liệu.
“Vật liệu đắp có 2 nguồn. Một là nguồn điều phối thì hiện nay và đang được tận dụng tối đa. Hiện nay, các thủ tục để cấp phép, lấy đất về công trình còn đang vướng. Ban Quản lý dự án 85 cũng đã làm việc với UBND tỉnh Bình Định rồi, phối hợp cùng với địa phương để hỗ trợ nhà thầu trong việc cấp phép mỏ vật liệu”, ông Uy nói.
Đến nay, tỉnh Bình Định đã bàn giao mặt bằng cao tốc Bắc - Nam cho các chủ đầu tư với diện tích 748/945 hecta tuyến chính bị ảnh hưởng, đạt hơn 79%. Các địa phương đã lập hồ sơ đầu tư xây dựng 39 khu tái định cư với tổng diện tích hơn 71 hecta với khoảng 1.800 lô đất, trong đó có 10 khu tái định cư đã được triển khai thi công. Riêng đối với công tác giải phóng mặt bằng các vị trí đổ thải, mỏ vật liệu, trạm dừng nghỉ chưa triển khai do chủ đầu tư chưa bàn giao mốc giải phóng mặt bằng. UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với nhà thầu, tập trung giải phóng mặt bằng theo đường găng tiến độ để phục vụ công tác thi công tốt hơn. Các địa phương cũng nỗ lực hỗ trợ nhà thầu khảo sát các mỏ vật liệu phục vụ công trình.
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng tái định cư và tháo gỡ “nút thắt” về vật liệu phục vụ dự án cao tốc Bắc-Nam có trọng tâm, trọng điểm để đạt kết quả tốt trong thời gian đến: “Bây giờ thi công khó nhất là đất, mỏ đất, chuyển mục đích sử dụng rừng, chuyển đổi sử dụng đất. Vấn đề thứ 3 nữa là khó bãi thải. Bãi thải là Bộ Tài Nguyên và Môi trường yêu cầu phải thỏa thuận, thỏa thuận xong thì sau này phải xác định rõ ai sẽ đổ đất này đi. Hết thời gian đất sẽ đổ đi đâu. Với vị trí mỏ đất, đề nghị phải thống nhất giữa chính quyền địa phương, chủ đầu tư và các sở ngành liên quan. Bây giờ xác định vị trí chính xác, cụ thể mỏ đất để làm”./.