Liệu pháp miễn dịch - thêm hy vọng cho bệnh nhân ung thư

VOV.VN - Mắc ung thư phổi giai đoạn cuối, người đàn ông 61 tuổi không ngờ có một ngày mình có thể quay lại cuộc sống bình thường, khỏe mạnh. Hành trình kỳ diệu này đã thắp lên hy vọng cho rất nhiều bệnh nhân ung thư.

Lội ngược dòng trở về cuộc sống

Tại buổi họp lớp đồng niên năm nay, ai cũng nhìn ông N.V.A, 61 tuổi với ánh mắt ngỡ ngàng khâm phục. Bởi ông lúc này rất khỏe mạnh và năng nổ, không còn dáng vẻ tiều tụy như 2 năm trước đây, khi bắt đầu điều trị căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối.

Ông A cho biết, thời gian đầu, khi được chẩn đoán mắc ung thư phổi giai đoạn cuối, ông gần như rơi vào trạng thái hoảng loạn và suy sụp. Sau đó, ông đã trấn tĩnh lại và tự nhủ bản thân không được đầu hàng. Suốt 2 năm qua, ông đã kiên trì chiến đấu với bệnh ung thư, với sự hỗ trợ hết mình của các bác sĩ, và sự động viên của gia đình, bè bạn.

Tại Bệnh viện K Trung ương, ban đầu, ông được chỉ định truyền hóa chất. Tuy nhiên, ông gặp nhiều tác dụng phụ như nôn ói, mệt mỏi đau cơ xương khớp, rụng tóc… Một thời gian sau bệnh di căn đến thận. Lúc này, bác sĩ quyết định cho ông sử dụng thuốc miễn dịch. Sau 3 lần truyền thuốc, cuộc sống của ông bắt đầu thay đổi từ đây.

“Tôi hết đau nhức, cơ thể phục hồi và giảm dần các triệu chứng do truyền hóa chất trước đó. Tôi đã từng nghĩ cuộc sống của mình từ đây chỉ có thể đi xuống. Nhưng nhờ đáp ứng tốt với thuốc miễn dịch, tôi đã có thể quay trở lại với cuộc sống bình thường”, ông A. chia sẻ. 

Trước đây ông là giáo viên, nay tuy không đứng lớp nữa nhưng ông rất hăng hái tham gia các hoạt động của làng xã. Ông sống lạc quan, yêu đời, làm Phó Chủ tịch Hội khuyến học của xã và tham gia vào Tổ Giám sát xây dựng của thôn.

“Sau một thời gian điều trị bằng thuốc miễn dịch, tôi thấy mình như đã lội ngược dòng trở lại cuộc sống, giúp ích cho đời” - ông chia sẻ.

Hành trình chiến thắng của ông A trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho nhiều bệnh nhân ung thư khác, đặc biệt là những người không may được chẩn đoán bệnh ở giai đoạn cuối.

Thuốc tiên tiến điều trị ung thư – bệnh nhân có dễ tiếp cận?

Liệu pháp miễn dịch là phương pháp sử dụng các thuốc để giúp cho hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại tế bào ung thư. Đây đang là một hướng đi mới của nhiều nhà nghiên cứu khoa học trên thế giới trong cuộc chiến với bệnh ung thư. Việt Nam cũng đã bắt đầu ứng dụng phương pháp điều trị tiên tiến này từ năm 2017. Bước đầu, phương pháp này đã đem lại những tín hiệu tích cực cho những người bệnh ung thư như ông A.

Theo Bác sĩ CKII Nguyễn Tuấn Khôi – Trưởng khoa Nội 1, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, liệu pháp miễn dịch ít tác dụng phụ có thể điều trị được lâu dài và thời gian kéo dài sự sống cho người bệnh có thể đến 2 năm hoặc hơn thế nữa. Khía cạnh điều trị đặc biệt của liệu pháp miễn dịch là dùng chính bạch cầu của cơ thể để chống lại tế bào ung thư. Như vậy xác suất bị kháng thuốc so với phương pháp hóa trị rất thấp.

 ““Nếu không bị kháng thuốc thì chúng ta có thời gian thành công lâu dài. Vì vậy, chúng tôi nhận thấy những trường hợp bệnh nhân sống được đến hơn 3 năm là rất hiếm khi chúng tôi điều trị bằng hóa trị. Có thể thời gian sống của những bệnh nhân này còn được thêm rất nhiều năm nữa. Những nghiên cứu hiện đang được theo dõi thì những bệnh nhân được điều trị bằng biện pháp miễn dịch có thể sống lên đến 5-6 năm là việc rất dễ thấy”- BS. Nguyễn Tuấn Khôi cho biết.

Tuy nhiên, theo BS Nguyễn Tuấn Khôi, không phải bệnh nhân ung thư nào cũng may mắn được tiếp cận liệu pháp điều trị tiên tiến, do quan ngại gánh nặng tài chính. Lý do vì hầu hết các thuốc mới này chưa được Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả.

Thực tế tại Việt Nam, quá trình phê duyệt thuốc mới từ lúc đăng ký lưu hành đến khi bệnh nhân được tiếp cận rộng rãi thông qua Quỹ BHYT chi trả là tương đối chậm, mất khoảng 8-10 năm. Danh mục thuốc được Quỹ BHYT chi trả được cập nhật gần đây nhất là năm 2019.

Hai liệu pháp ung thư tiên tiến nhất hiện nay giúp bệnh nhân mắc một số loại ung thư có cơ hội kéo dài sự sống là điều trị đích và miễn dịch. Trong đó, điều trị đích đã được phê duyệt vào danh mục thuốc được Quỹ BHYT chi trả cho các bệnh nhân phù hợp. Nhưng liệu pháp miễn dịch, dù đã được giới thiệu tại Việt Nam được 5 năm nay, vẫn chưa được xem xét phê duyệt vào Danh mục thuốc được chi trả này.

Do vậy, những bệnh nhân ung thư không phù hợp với điều trị đích nhưng cũng không có cơ hội tiếp cận với các thuốc điều trị miễn dịch mới thông qua kênh BHYT chi trả.

Nhìn toàn cảnh, từ năm 2019 đến nay, mỗi năm có rất nhiều thuốc phát minh mới ra đời, đem lại những bước tiến vượt bậc trong điều tri bệnh nhân ung thư cũng như nhiều căn bệnh khác. Cơ hội kéo dài cuộc sống của nhiều bệnh nhân đang bị bỏ lỡ bởi khó tiếp cận thuốc tiên tiến ngoài danh mục được BHYT chi trả. Khả năng tiếp cận các thuốc tiên tiến để chữa trị ung thư là không cao bởi hiện nay, người bệnh tại Việt Nam đang phải chi trả tiền túi lên đến 43% chi phí y tế, khá cao so với mục tiêu 35% mà Bộ Y Tế đề ra.  

Làm gì để nhanh chóng đưa thuốc tiên tiến đến tay người bệnh   

Việt Nam đã có những tiến triển và hành động nhằm rút ngắn khoảng cách với thành tựu y khoa thế giới với mục tiêu lớn của chiến lược phát triển ngành dược là bảo đảm có đủ thuốc tốt, giá hợp lý nhất cho người dân. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1661/QĐ-TTg ngày 4/10/2021 nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế, trong đó sẽ bỏ thủ tục gia hạn giấy đăng ký lưu hành.

Mới đây, Bộ Y tế cũng đã đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược theo trình tự, thủ tục rút gọn. Trong đó có đề xuất đáng chú ý là tiến tới gia hạn tự động giấy đăng ký lưu hành thuốc và cắt giảm thủ tục cấp phép lưu hành thuốc mới.

Trong cuộc họp ngày 21 tháng 9, làm việc với Bộ Y tế, các hiệp hội, doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề nghị khẩn trương sửa đổi Thông tư 30/2018/TT-BYT về ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hoá dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT theo hướng cập nhật hàng năm, hoặc trong trường hợp cần thiết.

Việc sớm xem xét đưa thuốc mới vào danh mục BHYT chi trả và rút ngắn thời gian phê duyệt sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc tăng hiệu quả điều trị và giảm gánh nặng tài chính cho bệnh nhân, đảm bảo cho mọi người được tiếp cận thuốc một cách công bằng và bền vững.

Theo đó, danh sách thuốc được Quỹ bảo hiểm chi trả cần xem xét và phê duyệt thường xuyên hơn, chẳng hạn như hàng năm, giống như nhiều nước trên thế giới. Danh mục thuốc được chi trả cần đáp ứng được nhu cầu điều trị, quyền tiếp cận của người bệnh trong khả năng chi trả của Quỹ BHYT.

Bên cạnh đó, quy trình xem xét và phê duyệt cũng cần được rút gọn. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, có thể áp dụng những cơ chế như chia sẻ rủi ro giữa chính phủ/BHXH với nhà sản xuất/nhà phân phối thuốc…, để áp dụng phù hợp với bối cảnh Việt Nam./.  

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thực đơn lành mạnh cho người bị ung thư vú
Thực đơn lành mạnh cho người bị ung thư vú

VOV.VN - Một thực đơn ăn uống lành mạnh sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề về sức khỏe. Rau lá xanh, rau họ cải… là những thực phẩm chúng ta nên thêm vào bữa ăn, đặc biệt là người mắc ung thư vú.

Thực đơn lành mạnh cho người bị ung thư vú

Thực đơn lành mạnh cho người bị ung thư vú

VOV.VN - Một thực đơn ăn uống lành mạnh sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề về sức khỏe. Rau lá xanh, rau họ cải… là những thực phẩm chúng ta nên thêm vào bữa ăn, đặc biệt là người mắc ung thư vú.

Các triệu chứng ban đầu của bệnh ung thư phổi cần đề phòng
Các triệu chứng ban đầu của bệnh ung thư phổi cần đề phòng

VOV.VN - Ung thư thường được mệnh danh là kẻ giết người thầm lặng. Các triệu chứng của bệnh này chỉ xuất hiện khi tiến trình của bệnh đã đến giai đoạn muộn. Do đó các bác sĩ, chuyên gia y tế luôn khuyên mọi người nên đi khám sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn đầu.

Các triệu chứng ban đầu của bệnh ung thư phổi cần đề phòng

Các triệu chứng ban đầu của bệnh ung thư phổi cần đề phòng

VOV.VN - Ung thư thường được mệnh danh là kẻ giết người thầm lặng. Các triệu chứng của bệnh này chỉ xuất hiện khi tiến trình của bệnh đã đến giai đoạn muộn. Do đó các bác sĩ, chuyên gia y tế luôn khuyên mọi người nên đi khám sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn đầu.

90% bệnh nhân bị ung thư phổi là do hút thuốc lá
90% bệnh nhân bị ung thư phổi là do hút thuốc lá

VOV.VN - Năm 2020, Việt Nam có thêm 26.262 người mắc ung thư phổi và có hơn 23.000 trường hợp tử vong vì bệnh ung thư phổi. Trong đó, 90% người mắc bệnh là do thói quen hút thuốc lá.

90% bệnh nhân bị ung thư phổi là do hút thuốc lá

90% bệnh nhân bị ung thư phổi là do hút thuốc lá

VOV.VN - Năm 2020, Việt Nam có thêm 26.262 người mắc ung thư phổi và có hơn 23.000 trường hợp tử vong vì bệnh ung thư phổi. Trong đó, 90% người mắc bệnh là do thói quen hút thuốc lá.