Nhiều vấn đề trong ứng phó biến đổi khí hậu ở Việt Nam
(VOV) - Tác động của biến đổi khí hậu đối với nước ta là rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đối, giảm nghèo.
Sáng 18/12, tại Hà Nội, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Tung ương phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo “Ứng phó với biến đổi khí hậu đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên môi trường, một số vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Bờ biển bị xâm thực do biến đổi khí hậu |
Các vấn đề được đưa ra hội thảo như: Đánh giá thực trạng việc thực hiện các quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp trong các văn kiện Đảng về công tác chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phân tích những thuận lợi khó khăn đối với việc thực hiện các quan điểm, mục tiêu trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu, đặc biệt là ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên tần suất và cường độ thiên tai ngày càng gia tăng. Tác động của biến đổi khí hậu đối với nước ta là rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đối, giảm nghèo.
Vì vậy, việc ứng phó với biến đổi khí hậu của nước ta đang đặt ra nhiều vấn đề lớn như: Vấn đề nhận thức về trách nhiệm bảo vệ môi trường và tài nguyên của các ngành, các cấp và doanh nghiệp; hệ thống pháp luật và cơ chế chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu chậm được cụ thể hóa và đưa vào thực tiễn; các chế tài để xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường và tài nguyên còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Trần Quốc Toản, Phó trưởng tiểu ban Văn hóa-xã hội-con người, Hội đồng lý luận Trung ương, ứng phó đối với biến đổi khí hậu liên quan mật thiết với bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, lấy phòng ngừa và hạn chế tác động xấu là chính. Trong ứng phó với biến đổi khí hậu cần kết hợp có hiệu quả các giải pháp đối phó-giảm nhẹ tác hại. Đặc biệt là cần nâng cao hiệu quả-hiệu lực quản lý của nhà nước.
“Chúng ta phải hoàn thiện hệ thống pháp lý quản lý nhà nước đồng bộ về ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường tài nguyên, đồng bộ với phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Đây là điều hết sức quan trọng và muốn như thế chúng ta phải rà soát lại một cách kỹ lưỡng để cuối cùng tạo được một cơ chế, một động lực để làm thế nào biến vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, tài nguyên trở thành động lực cho phát triển bền vững của đất nước trong tương lai”- Ông Toản nói./.