Nhớ tiếc Ngô Hải Cao

Ngô Hải Cao hy sinh mà chưa kịp hoàn thành tâm nguyện nối tiếp sự nghiệp văn chương của người cha – nhà văn Ngô Tất Tố. Với khí chất nhiệt huyết của anh, tôi tin rằng Cao đã chiến đấu anh dũng, ngoan cường - Hồi ức của Đại tá Lê Quyên

Mùa Thu năm 1967, tôi đảm nhiệm công tác quân số của cơ quan Quân lực Miền. Tôi được giao nhiệm vụ thu thập quân số từ các nguồn miền Bắc vào, tuyển quân ở đồng bằng sông Cửu Long lên và từ các đoàn an dưỡng điều đến để bảo đảm bổ sung quân số cho các đơn vị chiến đấu. Một hôm tôi đến Đoàn An dưỡng K80A ở khu vực Lộc Ninh. Đồng chí Năm Kiệt (Trưởng Đoàn) cho gọi đồng chí quân lực của Đoàn lên và giới thiệu với tôi đây là đồng chí Ngô Hải Cao. Quá trình làm việc tôi nhận thấy đây là một đồng chí rất thông minh có trí nhớ tuyệt vời: là một đơn vị an dưỡng, quân ra, quân vào nhiều, đồng chí Ngô Hải Cao không chỉ nhớ lý lịch trích ngang của nhiều anh em trong đơn vị, mà còn nhớ cả các trường hợp hoàn cảnh của từng đồng chí ở đâu tới, tâm tư tình cảm, đặc điểm, quyết tâm chiến đấu của họ ra sao… thể hiện rõ tư chất của một người văn thư quân lực. Sau khi làm việc xong, tôi ở lại đêm hôm đó, hai anh em nằm võng tỉ tê trò chuyện với Cao và anh em cán bộ chiến sỹ trong Đoàn, tôi được biết Ngô Hải Cao là con trai út của cố Nhà văn Ngô Tất Tố.

“Nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày đại thắng Mùa xuân của đất nước, để tỏ lòng tri ân các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, tôi có mong ước rằng các cơ quan hữu quan của quân đội bằng những con đường và các phương pháp khác nhau để có thể tìm được phần mộ, đơn vị, nơi chiến đấu và hy sinh của liệt sỹ Ngô Hải Cao để thoả tâm nguyện của đồng chí, đồng đội và gia đình anh chị em, con cháu của cố Nhà văn Ngô Tất Tố. Thiết nghĩ đây cũng là tấm gương sáng trong nhiều gương chiến đấu hy sinh trên chiến trường của những người chiến sỹ tâm huyết với nghề văn.”

Tôi cũng được biết từ ngày học phổ thông Cao là một học sinh giỏi văn, được nhận thẳng vào Khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội không phải qua thi cử. Đang học đại học năm thứ nhất, Hội nhà văn đề nghị với lãnh đạo nhà trường cho Cao sang Liên Xô học để sau này nối nghiệp nghề văn của cha, nhưng trước khí thế chiến đấu của quân và dân miền Nam vào những năm 1966 – 1967, Cao đã một mực xin nhập ngũ và đi chiến trường. Anh còn trích máu viết đơn xin lãnh đạo nhà trường và đoàn thanh niên cho anh được đi chiến đấu để có vốn sống thực tiễn viết văn sau này. Trước quyết tâm của Ngô Hải Cao cấp trên cũng phải đồng ý cho Cao nhập ngũ.

Tôi còn nhớ câu chuyện của Ngô Hải Cao: một hôm Nhà văn Hoài Thanh đến nhà, Cao đang quét sân: “Chào bác, bác cần gặp ai?” Nhà văn Hoài Thanh nói: “Tôi ở Hội Nhà văn đến muốn gặp anh Ngô Hải Cao!” Cao trả lời: “Cháu là Ngô Hải Cao đây”. Bác Hoài Thanh sững sờ nhìn Hải Cao, chắc ông nghĩ “Hải Cao mà lại loắt choắt thế này ư!!!”

Sau khi vào nhà chuyện trò với Hải Cao, bác Hoài Thanh có ý khuyên Hải Cao nên thuận theo sắp của nhà trường và Hội Nhà văn đi học ở Liên Xô. Hải Cao nói: Đi học ở Liên Xô cũng tốt để nâng cao nghiệp vụ viết văn, nhưng nếu cháu không đi chiến trường thì làm sao có vốn sống thực tế để kế nghiệp bố cháu viết văn hay được. Học về chắc gì đã còn chiến trường cho cháu đi thực tế. Nhà văn Hoài Thanh cũng đành chấp nhận ý nguyện của Cao.

Khi nhập ngũ với dáng vóc nhỏ nhắn, sức khoẻ hạn chế (chỉ nặng có hơn 40kg), đi hành quân Hải Cao vẫn phải mang vác một cơ số giống như mọi người, nên ở chặng hành quân nào mặc dù đã cố gắng, nhưng Hải Cao cũng vẫn tụt xuống bộ phận thu dung. Tuy nhiên, mỗi chặng cứ sau vài ba giờ thì Hải Cao lại đuổi kịp đơn vị nhờ có ý chí, quyết tâm cao. Vào vị trí tập kết của B2, bổ sung xong quân số cho chiến trường đơn vị, thấy Cao người nhỏ, sức yếu, lãnh đạo đơn vị đã bố trí Cao ở lại Đoàn 80A để bồi dưỡng thêm sức khoẻ, đồng thời giao cho Cao nhiệm vụ văn thư quân lực.

Đại tá, Cựu chiến binh Lê Quyên sinh ngày 14/7/1932, tại Quảng Hợp, Quảng Xương, Thanh Hoá; Nhập ngũ ngày 9/3/1950, tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; Nghỉ hưu tháng 8/1988; Hiện nay sinh hoạt tại Chi hội Cựu chiến binh phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội; Đã nhận huy hiệu 55 tuổi Đảng và nhiều Huân, Huy chương khác.

Nhận thức rằng công tác này chưa phải là mục đích cuối cùng của nguyện vọng nên tuy làm việc văn thư quân lực của Đoàn an dưỡng, Cao vẫn chưa yên tâm với vị trí và công việc của mình. Khi tôi xuống làm việc về quân số Cao đã biết ta chuẩn bị cho chiến dịch lớn nên đã đề nghị tôi cho Cao được “xuống đường” trong cuộc Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968. Tôi biết hoàn cảnh của Cao là con trai út của cố Nhà văn Ngô Tất Tố và hầu như là con duy nhất nối nghiệp nghề văn của cha mình, nên tôi khuyên Cao cứ yên tâm với công việc của Đoàn K80A, nhưng Cao đã năn nỉ nhiều lần và cuối cùng Cao nói với tôi là: “Anh có thương em thực sự thì anh cho em xuống đường đợt này để em có vốn sống viết văn sau này”.

Không bác lại được nguyện vọng chân chính của Cao, tôi đành chấp nhận. Tôi dự kiến là phản ánh tình hình của Cao sang bên chính trị với anh Tám Trần để cho Cao ở bộ phận tuyên huấn, ít nguy hiểm hơn mà vẫn có điều kiện vừa theo sát chiến đấu, vừa tạo vốn sống thực tiễn chiến trường cho Cao.

Ý định là vậy, nhưng do công việc chiến trường cuốn hút, nên tôi không nắm được Cao đã ra đơn vị chiến đấu như thế nào. Đến khoảng tháng 5/1968 tôi quay lại Đoàn K80A thì anh em ở đây cho biết Hải Cao đã hy sinh nhưng không rõ hy sinh trong trận đánh nào, thuộc đơn vị nào. Chỉ được biết Cao ra đơn vị chiến đấu với cương vị là tiểu đội trưởng và hy sinh trong đợt một của cuộc Tổng tiến công Mậu Thân.

Với tính cách nhiệt huyết của con người Cao, tôi tin rằng Cao đã chiến đấu anh dũng, ngoan cường. Trong cuộc “xuống đường Mậu Thân”, tôi cũng hiểu rằng còn có bao nhiêu văn nghệ sỹ, nhà báo nhà quay phim, chụp ảnh… đã hy sinh trong tư thế ngẩng cao đầu giữa Sài Gòn bất khuất. Ngô Hải Cao, với dáng người nhỏ bé, có lẽ cũng đã đứng hiên ngang như vậy mà lia súng, nhả đạn vào quân giặc cho đến khi ngã xuống.

Bẵng đi một thời gian dài, cho đến cách đây vài năm, sau khi nghỉ hưu tôi được biết đồng chí Đại tá Bùi Ngọc Chiến, nguyên là Giám đốc Bảo tàng Phòng không Không quân, vốn là bạn thân từ thời học cấp 3 với Ngô Hải Cao cho đến ngày nhập ngũ mỗi người mỗi nơi. Gần đây anh Chiến có đưa tôi đến nhà anh trai của Ngô Hải Cao là Ngô Hoàng Trù ở Lộc Hà, Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội. Đến gia đình, tôi mới biết giấy báo tử của Ngô Hải Cao lại do Quân khu Thủ Đô viết và chỉ ghi là hy sinh năm 1968 tại chiến trường miền Nam, không rõ hy sinh ở trận nào, thuộc đơn vị nào. Cho đến nay cả gia đình và đơn vị cũng chưa tìm thấy phần mộ, và trường hợp hy sinh cụ thể của Cao như thế nào.

Nghĩ lại, tôi vẫn thấy rất ân hận vì đã không tạo được điều kiện cho Ngô Hải Cao thực hiện nguyện ước là trở thành người kế tục sự nghiệp văn chương nổi tiếng của cha mình. Tháng 9 /2009 tôi có vào họp mặt ngành Quân lực chiến trường B2, đã để công lục tìm suốt 2 ngày trong danh sách liệt sỹ còn lưu ở phòng Chính sách Quân khu 7 mà vẫn không thấy, chỉ còn hy vọng trong danh sách liệt sỹ lưu ở Quân Đoàn 4, tôi chưa có điều kiện đến tìm.

Đồng chí Ngô Hải Cao tuy không kịp trở thành nhà văn để kế nghiệp ông cha như anh hằng mong ước, nhưng bản thân cách nghĩ và việc làm của anh thật xứng đáng là người con yêu quý của cố Nhà văn Ngô Tất Tố, và là tấm gương để người đời mãi mãi ngợi ca./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên