Những chiến sĩ viết tiếp hào khí Thành Cổ
Những năm tháng chiến đấu oanh liệt cùng tấm gương hy sinh của đồng đội, đã trở thành động lực để những chiến sĩ Quảng Trị năm xưa tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, đóng góp xây dựng đất nước.
- Lễ thượng cờ “Thống nhất non sông” bên dòng Bến Hải
- 81 ngày đêm – khúc tráng ca Thành Cổ
- Dấu gạch nối giữa hai thế hệ
- Ký ức Thành Cổ qua bức thư kỳ lạ của một liệt sỹ
Cách đây 40 năm, này 1/5/1972, tỉnh Quảng Trị được hoàn toàn giải phóng. Đây là dấu mốc ghi nhận khu vực hành chính đầu tiền của miền Nam được giải phóng trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Sau thời điểm ấy, những chiến sĩ quân giải phóng trên mặt trận Quảng Trị tiếp tục tham gia vào các cuộc chiến khốc liệt, nhằm phòng ngự và bảo vệ Quảng Trị.
40 đã trôi qua, nhưng vùng đất đỏ lửa Quảng Trị luôn là ký ức khó phai đối với các cựu chiến binh. Trở về với đời thường, hồi ức của những năm tháng chiến đấu oanh liệt cùng tấm gương anh dũng hy sinh của đồng đội, đã trở thành động lực để những chiến sĩ Quảng Trị năm xưa tiếp tục phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, đóng góp xây dựng đất nước.
“Ba thằng chung một căn hầm/Ni-lông trải đất, chỗ nằm không kê/Pháo tung, bom giật bốn bề/Cỏ cây cháy sém trụi trơ lá cành…”
Đây là những câu thơ trong cuốn nhật ký chiến trường, mà cựu chiến binh Vũ Văn Vang, quê ở Ninh Binh miêu tả về sự khốc liệt trên mặt trận Quảng Trị những năm 1972-1973. Sau 40 năm, quyển vở học trò ghi lại những năm tháng đối mặt với sự sống và cái chết của ông Vang đã úa màu thời gian, nhưng ký ức về những trận chiến thì vẫn sinh động qua từng con chữ.
Bến thả hoa bờ bắc sông Thạch Hãn (Ảnh: KT) |
Điều kỳ lạ là giữa bom đạn ác liệt của quân thù và sự khó khăn, thiếu thốn của người lính, thì những gì ông viết trong nhật ký chủ yếu về sự lạc quan và khát vọng cống hiến tuổi thanh xuân cho độc lập tự do của Tổ quốc. Ông nói rằng, chiến tranh lửa đạn, cái chết cận kề, nhưng người lính Quảng Trị ngày ấy không hề bi lụy, nên những vần thơ “Đời là cả một mùa Xuân/Trong gian nguy thấy yêu hơn cuộc đời” vẫn được cất lên.
Không có nhật ký chiến trường, nhưng hồi ức về Quảng Trị của một thời đỏ lửa với cựu chiến binh Nguyễn Đức Cự, chiến sĩ bảo vệ Thành Cổ thuộc Trung Đoàn 48 - Thạch Hãn, chính là chiếc áo thẫm đấm máu của đồng đội được ông cất giữ như báu vật, để mỗi lần đem ra ngắm là mỗi lần ông rơi nước mắt.
Là y tá của đơn vị nên máu của đồng đội đã thấm đỏ lưng áo ông và chính bàn tay ông cũng băng bó, chôn cất cho biết bao anh em đồng chí. Ông Cự bảo: 40 năm rồi, nhưng những trận đánh cứ như vừa diễn ra hôm qua. Mỗi tên đất, tên làng ở Quảng Trị đều gắn với những trận chiến bi hùng; mỗi tấc đất, mỗi góc Thành Cổ đều gọi tên những đồng đội đã ngã xuống của ông.
Trở về với vết thương trên cơ thể, nhưng lời dặn trước lúc hy sinh của một đồng đội: “hòa bình rồi hãy sống cả phần của tao”, đã luôn thôi thúc ông cố gắng không mệt mỏi. Và kết quả của sự phấn đấu ấy là thành quả Công ty Cổ phần Tư vấn và xây dựng công nghiệp Thăng Long, mà ông chính là Giám đốc, mang lại.
“Tôi luôn nói với nhiều người lính trở về và đã thành đạt là chúng ta có được ngày hôm nay cũng nhờ một phần của đồng đội đã hy sinh. Thành tích, mơ ước của họ đã dồn cho những người còn sống, vì thế có được thành quả như hôm nay phải nghĩ đến đồng đội và cả những người đã cứu mình, mà đến nay vẫn chưa tìm lại được”, ông Cự tâm sự.
“Mình sống để trở về, có gia đình vợ con thế này, còn anh em ra đi hết, thử hỏi làm sao có thể nguôi ngoai. Có sống thêm bao nhiêu cuộc đời nữa cũng không đủ trả hết nợ…” - Món nợ mà đại tá Cao Xuân Đại, quê ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh nhắc đến ở đây là nợ ân tình với đồng đội đã ngã xuống trên chiến trường Quảng Trị. Ông Đại chia sẻ, trước hòn tên mũi đạn, sống chết chỉ trong gang tấc. Mới cùng chung khói thuốc, ngoảnh lại đã phải ngậm ngùi vuốt mắt cho nhau. Máu hòa trong gạch vỡ. Đồng đội chôn chung chiến hào.
Mấy chục năm rồi, dội về trong giấc mơ, ông vẫn nghe lời thủ thỉ của đồng đội: "Đại ơi, mày ở lại để đưa anh em tao về quê". Quá khứ cứ len lỏi, xoáy vào tâm tư khiến ông quyết tâm phải tìm đồng đội đã ngã xuống. Đó là ước nguyện không chỉ riêng ông mà còn của nhiều người lính đang sống. Bởi thế, giữa thời kim tiền lên ngôi, người ta bon chen nơi phố thị, thì ông lại thầm lặng vượt suối, băng rừng, lật từng tấc đất để kiếm tìm đồng đội suốt 10 năm qua.
“Sau ngày hòa bình lập lại, tưởng nhớ đến anh em đã hy sinh và mình quyết tâm phải đi tìm cho được và những nơi nào chiến đấu thì tôi đều đặt chân đến tìm, đến nay đã tìm được 252 liệt sĩ và báo tận gia đình họ. Về tài chính, tôi tự chắt chiu từ đồng lương hưu của mình, cộng với tiền hưu giáo viên của vợ ủng hộ để đi tìm mộ liệt sĩ suốt 15 năm qua, và trong thời gian tới theo tôi còn tiếp tục đi tìm đồng đội hy sinh nằm lại ở chiến trường”, ông Đại chia sẻ.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường khi nhắc đến những người lính Thành Cổ đã viết: "Những người chết không phải vì để trở thành anh hùng, mà chính là để đằng sau họ những người khác được tiếp tục sống trong tự do và hòa bình". Để rồi những người lính của chiến trường một thời đỏ lửa oanh liệt năm xưa, khi trở về đã tiếp tục cống hiến cho Tổ quốc bằng nhiều việc làm cụ thể và ý nghĩa.
Đây cũng là cách để họ tri ân và trả nghĩa ân tình với những đồng đội đã mãi mãi nằm lại nơi đất mẹ thân yêu./.